Sức hấp dẫn của lớp học lặn tiên cá.
17 giờ 30 phút chiều, sau giờ làm, chị Hồng Ngọc (30 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) có mặt tại một bể bơi ở quận Nam Từ Liêm. Vừa xỏ đuôi cá vảy ánh bạc vào chân, chị lập tức chụm hai tay lại, vốc nước từ bể lên vẩy vào mặt và khắp người để làm quen với nhiệt độ của nước. Người phụ nữ 30 tuổi hào hứng chia sẻ: “Cứ đều đặn ba lần một tuần, mình sẽ tới đây để 'hóa thân' thành nàng tiên cá, uốn lượn dưới bể có độ sâu 5 mét".
Chị Ngọc kể, từ cuối năm ngoái chị bắt đầu tìm đến bộ môn lặn tiên cá khi đang gặp căng thẳng với công việc kinh doanh. “Việc được trình diễn trong những bộ đuôi tiên cá sặc sỡ khiến mình cảm thấy như được bước vào trong thế giới cổ tích, tạo cho mình một nguồn động lực, sự bình yên trong tâm hồn”, chị Ngọc chia sẻ thêm.
Theo chị Ngọc, để tham gia bộ môn lặn tiên cá, chị đã chi tiền triệu đóng học phí và mua những dụng cụ cần thiết. “Ví dụ như những vật dụng liên quan đến việc tạo hình tiên cá, bao gồm chân vịt tiên cá, những bộ váy tiên cá. Bên cạnh đó là các thiết bị liên quan đến lặn biển. Với trung bình từ 2 đến 3 giờ đồng hồ cho mỗi buổi học, mình được dạy những kỹ thuật lặn tự do, sau đó là uốn sóng, uốn sóng tiên cá. Mức phí mà mình chi trả là 4,5 triệu đồng cho 4 buổi học”.
Tương tự chị Ngọc, anh Đắc Bình (28 tuổi) nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho hay, việc tham gia bộ môn lặn tiên cá giúp anh cảm thấy thư giãn và "như được trẻ ra". Anh Bình chia sẻ về những khó khăn trong quá trình tập luyện: “Bản thân mình cần phải làm quen với việc đôi chân như bị buộc lại với nhau. Hồi đầu, nếu không cẩn thận sẽ dễ bị sặc nước hoặc là uốn sóng không được đẹp. Các đuôi cá thường rất dài và nặng nên để thành thạo tất cả các kỹ năng đòi hỏi sự nỗ lực tập luyện rất lớn của học viên”.
Lặn tiên cá thực chất là lặn tự do không sử dụng bình dưỡng khí. Người chơi phải nín thở khi xuống nước, họ sẽ mặc trang phục đuôi cá thay vì mang chân vịt (monofin) như thông thường.
Lên bờ sau khi vừa nín thở cả phút, vừa liên tục lặn, bơi, uốn sóng dưới bể… anh Bình không giấu được sự phấn khích: “Sau khi tập quen thì mình cảm thấy cơ thể trở nên linh hoạt hơn khi ở dưới nước, mình có thể tạo được khá nhiều dáng đẹp để cho ra những tấm ảnh, video ngắn trình diễn tiên cá chất lượng. Biết đâu, qua đó có thể truyền cảm hứng tới nhiều người tìm đến bộ môn lặn tiên cá và trải nghiệm thử”.
Anh Trần Việt Hưng, đại diện Làng Tiên Cá - nhóm lặn ở Hà Nội cho biết, cũng như lớp học lặn tự do thông thường, lặn tiên cá dành cho nhiều đối tượng ở các độ tuổi khác nhau. “Người chơi môn lặn tiên cá thông thường chỉ chơi ở độ sâu khoảng 1,5 - 3m, còn ở độ sâu từ 3 - 7m là ở cấp độ lặn tiên cá để trình diễn”, anh Hưng nói.
Theo anh Hưng, giá dịch vụ quay, chụp lặn tiên cá sẽ dao động từ 6 đến 10 triệu đồng/ý tưởng. “Có những vị khách từ TP.HCM sẵn sàng bay ra Hà Nội trong 1 ngày để quay ý tưởng tiên cá. Thỉnh thoảng, có chị ở lứa tuổi U60 nhưng vẫn rất đam mê và mong muốn được một lần trải nghiệm quay lại tuổi thanh xuân bằng việc hoá thân thành nàng tiên cá. Chúng mình cảm thấy rất hạnh phúc khi được chứng kiến những năng lượng tích cực và tươi trẻ của các chị”.
Anh Hưng chia sẻ, để có thể quay, chụp cảnh lặn tiên cá, đội ngũ sản xuất phải sử dụng camera hành động. Nếu sử dụng máy cơ, cần đầu tư thêm phụ kiện chống nước. “Yếu tố an toàn luôn được nhóm đặt lên hàng đầu đối với cả khách hàng và đội ngũ quay, chụp”, anh Hưng nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, chị Đặng Ngát, huấn luyện viên dạy lặn tiên cá chia sẻ: “Để đảm bảo an toàn cho học viên trong quá trình lặn, trước khi xuống nước, các bạn cần khởi động và làm giãn dẻo các cơ khớp ở trên cạn. Trong quá trình lặn, luôn có người giám sát và lặn cùng học viên. Các kỹ năng cứu hộ và tự cứu khi có những tình huống bất ngờ xảy ra trong quá trình lặn cũng được hướng dẫn chi tiết”.
Anh Đức Dũng (28 tuổi, Hà Nội) - một học viên tại lớp học lặn tiên cá nhận định, để tạo hình được giống hình tượng tiên cá ở trong phim nhất, đòi hỏi người chơi phải thành thạo kỹ thuật uốn sóng. “Đầu tiên, mình học ở mức độ cơ bản trước là uốn sóng phần thân dưới, gọi là kỹ thuật ‘đạp chân cá heo’. Sau đó, mình sẽ tập thêm uốn sóng phần tay, phần đầu và phần thân trên để tạo thành một hình dáng giống như tiên cá uốn lượn trong nước, mềm dẻo từ đầu đến chân”, anh Dũng tiếp lời.
Anh Trần Việt Hưng, đại diện Làng Tiên Cá - nhóm lặn ở Hà Nội dự đoán: “Xu hướng lặn tiên cá sẽ phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian tới và được đông đảo cả nam và nữ tham gia. Đây bản chất là một môn thể thao nên tất nhiên sẽ có những lợi ích nhất định về thể chất và được nhiều người lựa chọn để rèn luyện sức khỏe, giảm căng thẳng khi cuộc sống ngày càng có nhiều áp lực”.