Chiều 13/6, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử cựu Giám đốc Bệnh Viện Thủ Đức và các đồng phạm trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Thủ Đức, Công ty Việt Á và Công ty Nam Phong. Cựu Giám đốc Bệnh Viện Nguyễn Minh Quân chịu trách nhiệm người đứng đầu gây thiệt hại cho bệnh viện hơn 14,9 tỷ đồng.
Trong vụ án, các bị cáo có liên quan gồm Nguyễn Minh Quân (cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức), Nguyễn Lan Anh (cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức), Phạm Vũ Phong (cựu Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế xây dựng, Thương mại và Dịch vụ Nam Phong), Trương Thị Bảo Trân (nhân viên Phòng vật tư trang thiết bị y tế - Bệnh viện Thủ Đức), Mai Lệ Quyên (nguyên Trưởng khoa Vi sinh – Bệnh viện Thủ Đức).
Bị cáo Nguyễn Minh Quân và Nguyễn Lan Anh cùng bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Các bị cáo Phạm Vũ Phong, Trương Thị Bảo Trân ngoài tội danh trên, còn bị xét xử thêm tội "đưa hối lộ" và "nhận hối lộ". Riêng bị cáo Mai Lệ Quyên bị truy tố tội "nhận hối lộ".
Phiên tòa bước vào phần đề nghị mức án đối với các bị cáo của đại diện VKSND TP.HCM. Cụ thể, đại diện VKS đề nghị mức án đối với bị cáo Nguyễn Minh Quân từ 12 đến 13 năm tù và bị cáo Nguyễn Lan Anh (cựu phó giám đốc Bệnh viện Thủ Đức) từ 8 đến 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Bị cáo Phạm Vũ Phong (giám đốc Công ty Nam Phong) 12 -13 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và 7 - 8 năm tù về tội "Đưa hối lộ". Bị cáo Trương Thị Bảo Trân (nhân viên vật tư trang thiết bị y tế - Bệnh viện Thủ Đức) từ 6 đến 8 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và từ 7 đến 8 năm tù về tội "Nhận hối lộ". Bị cáo Mai Lệ Quyên (cựu trưởng khoa vi sinh, Bệnh viện Thủ Đức) từ 7 đến 8 năm tù về tội "Nhận hối lộ".
Nêu quan điểm luận tội, đại diện VKS cho rằng, căn cứ vào hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi tại tòa đã đủ căn cứ xác định, bị cáo Nguyễn Minh Quân đã ký các quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu là Công ty Việt Á và Công ty Nam Phong khi chưa thẩm định hồ sơ; thẩm định hồ sơ đề xuất của nhà thầu, xếp hạng nhà thầu…
Bản chất việc này nhằm hợp thức hóa hồ sơ thanh toán số lượng kit xét nghiệm do Công ty Việt Á và Nam Phong cung ứng trước mà không xem xét năng lực, kinh nghiệm nhà thầu... Hành vi của bị cáo Quân đã gây thiệt hại cho Bệnh viện Thủ Đức hơn 14,5 tỷ đồng.
Theo đại diện VKS, các bị cáo đều có nhận thức xã hội, được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm, làm chức vụ lãnh đạo trong bệnh viện. Tuy nhiên, vì tư lợi cá nhân và nhận thức chưa đầy đủ mà các bị cáo đã vi phạm pháp luật, tạo điều kiện cho bị cáo Phong chiếm đoạt tài sản nhà nước. Các bị cáo đều phạm tội nhiều lần trở lên nên cần có mức hình phạt để răn đe, phòng ngừa chung.
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Minh Quân đã không kiểm tra trước khi ký các quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả chỉ định thầu, chỉ định thầu rút gọn, hợp đồng mua bán đối với các gói thầu mua sắm kit xét nghiệm Covid-19 do Công ty Việt Á sản xuất với nhà thầu là Công ty Nam Phong.
Bản chất việc Bệnh viện Thủ Đức thực hiện hồ sơ các gói thầu cho Công ty Việt Á và Nam Phong chỉ là hợp thức hóa nhằm thanh toán số lượng kit xét nghiệm do Công ty Việt Á và Nam Phong cung ứng trước; không xem xét năng lực, kinh nghiệm nhà thầu, đấu thầu theo quy định, gây thiệt hại cho bệnh viện gần 15 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Lan Anh biết rõ quy định về đấu thầu nhưng vẫn ký 8 hợp đồng mua bán với Công ty Nam Phong mà không kiểm tra lại hồ sơ thầu để mặc hậu quả xảy ra, gây thiệt hại cho Bệnh viện Thủ Đức hơn 3,1 tỷ đồng. Hành vi của bị cáo Lan Anh giúp cho Công ty Nam Phong hưởng lợi gần 2 tỷ đồng.
Đối với bị cáo Phạm Vũ Phong, mặc dù Công ty Nam Phong không đủ tính hợp lệ với tư cách pháp nhân của nhà thầu, nhưng bị cáo vẫn sử dụng pháp nhân này để thông thầu, gian dối trong đấu thầu tại Bệnh viện Thủ Đức.