So với các quốc gia khác trên thế giới, độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn. Theo thống kê của World Bank, giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam tương đương 94% GDP, xếp thứ 14 toàn cầu. Trong khi những quốc gia đứng trên Việt Nam về tỷ lệ xuất khẩu/GDP đều có quy mô dân số nhỏ, Việt Mam nổi trội với quy mô dân số đông (xấp xỉ 100 triệu), gấp 9 lần nước đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng là Bỉ (11,6 triệu người). Dân số là một chỉ báo quan trọng thể hiện số lượng lao động và tiềm năng quy mô của nền kinh tế.
Trong tổng xuất khẩu của Việt Nam, xuất khẩu hàng hóa chiếm đa số với 82% GDP. Xuất khẩu dịch vụ, trong đó chủ yếu là dịch vụ du lịch và vận tải chiếm 12% GDP. Hai thành tố quan trọng khác của tăng trưởng kinh tế là bán lẻ hàng hóa dịch vụ (phản ánh sức cầu tiêu dùng của dân cư) và đầu tư toàn xã hội (bao gồm đầu tư tư nhân, đầu tư công, đầu tư của khối FDI...) chỉ chiếm lần lượt 61% và 33% GDP.
Những con số trên cho thấy, xuất khẩu đang là động lực trực tiếp và có tác động lớn nhất đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Xuất khẩu thuận lợi sẽ mang đến tăng trưởng GDP tích cực và ngược lại.
Năm 2018 và 2019, Việt Nam có được tăng trưởng GDP trên 7%, mức cao nhất 10 năm. Cùng thời gian đó, xuất khẩu tăng lần lượt 13,2% và 8,4%. Còn trong năm 2023, khi xuất khẩu giảm 4,6% thì GDP cũng chỉ đạt 5%.
Không dừng lại ở tác động trực tiếp, xuất khẩu còn có tác động gián tiếp đến tăng trưởng qua lượng việc làm và thu nhập, yếu tố có ảnh hưởng hàng đầu đến sức cầu đối với bán lẻ hàng hóa dịch vụ.
Trong năm 2023, khi xuất khẩu tăng trưởng âm thì tình trạng mất việc, giảm thu nhập cũng gia tăng. Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, số đơn đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp trong năm 2023 đã tăng lên 1,1 triệu lượt, xấp xỉ bằng năm 2020, năm xảy ra đại dịch (1,12 triệu lượt) và cao hơn nhiều số đơn đăng ký thất nghiệp của các năm trước đại dịch. Trong hai năm 2018-2019 số đơn đăng ký thất nghiệp chỉ là 770 nghìn và 850 nghìn lượt.
Sự bấp bênh của việc làm và thu nhập đã kìm hãm sức cầu tiêu dùng. Chỉ số bán lẻ của năm 2023 chỉ tăng 7,1% dù lãi suất đã được kéo xuống rất thấp và thuế VAT được giảm xuống 8% với hầu hết các mặt hàng tiêu dùng.
Trong khi đó, 3 năm trước Covid (2017-2019), chỉ số bán lẻ đều tăng trên 9% trong môi trường lãi suất và thuế VAT đều cao hơn.
Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng có vốn nhà nước (nhóm Big4) hai năm 2018 và 2019 dao động trong khoảng từ 6,7%-7,1%. Trong khi đó mức lãi suất huy động bình quân năm 2023 của nhóm này giảm xuống chỉ còn 6,1%. Đặc biệt 4 tháng cuối năm 2023, lãi suất huy động giảm xuống dưới 5%.
Là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam lại đang phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu của các nền kinh tế phát triển. Mỹ, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản đang chiếm tới 53% giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Chính sự sụt giảm xuất khẩu sang các thị trường này đã khiến tổng xuất khẩu giảm và làm chậm tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Năm 2023, xuất khẩu sang Mỹ giảm 11,3%, EU giảm 6,7%, Hàn Quốc giảm 2,9% và Nhật Bản giảm 3,9%.
Bước sang năm 2024, các nền kinh tế phát triển đang lấy lại đà tăng trưởng tích cực, dự báo tăng trưởng đạt 1,7% trong năm 2024 và 1,8% vào năm 2025 (so với mức 1,6% của năm 2023). Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự đoán thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ tăng lần lượt 2,6% và 3,3% trong các năm 2024 và 2025, sau khi giảm 1,2% vào năm 2023.
Sức mua cải thiện ở các nước phát triển đã có tác động rõ rệt đến kinh tế Việt Nam. Xuất khẩu hàng hóa trong 5 tháng đầu năm 2024 tăng 15,2%, trong khi cùng kỳ năm 2023 giảm 11,7%.
Xuất khẩu sang Mỹ, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản đều quay lại tăng trưởng tốt, lần lượt đạt 22,3%, 16,1%, 10,9% và 3,2%.
Nói thêm về thị trường Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm hơn ¼ giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Trong các năm 2021 và 2022, các nhà nhập khẩu của Mỹ đã tăng nhanh nhập khẩu hàng hóa để bù đắp cho thời gian gián đoạn bởi Covid.
Sang năm 2023, khi mối lo đại dịch qua đi, các nhà nhập khẩu nhận thấy, không cần thiết phải tích trữ quá nhiều hàng hóa nên đã chủ động giảm nhập khẩu để giải phóng hàng tồn kho. Đây là nguyên nhân khiến nhập khẩu hàng hóa của Mỹ trong năm 2023 giảm 160,5 tỷ USD (5,1%).
Trong đó, nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng như may mặc, giày dép, điện thoại và đồ dùng gia đình - các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam - giảm 80,6 tỷ USD (9,6%). Tuy nhiên, sang năm 2024, xu hướng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ đã tích cực hơn với mức tăng 1,7% trong 4 tháng đầu năm. Điều này lý giải vì sao hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ giảm trong năm 2023 và tăng trở lại trong những tháng đầu năm 2024.
.
Nhờ vào xuất khẩu khả quan, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý I/2024 đã tăng lên 5,66%, so với mức tăng 3,32% của cùng kỳ năm trước. Số đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp trong quý I/2024 cũng giảm xuống còn 168 nghìn lượt, mức thấp nhất trong 10 quý, cho thấy sự cải thiện ở khu vực việc làm và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Với dự báo kinh tế của các thị trường phát triển tiếp tục xu hướng tích cực và nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng của Mỹ đang tăng trở lại, có thể tin tưởng rằng xuất khẩu của Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt như những tháng đầu năm.
Hơn nữa, xuất khẩu của năm 2025 cũng được kỳ vọng sẽ khả quan do các nền kinh tế phát triển dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng cao (2024: 1,7% và 2025: 1,8%). Với xu hướng này, chúng ta có thể tự tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ có diện mạo khởi sắc hơn trong cả hai năm 2024 và 2025.