Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thắng (BV Đại học Y Hà Nội): trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất trên toàn thế giới. Đây là loại bệnh tác động nhiều đến mặt tinh thần, thể chất, chức năng sống và cả niềm vui trong đời sống của bệnh nhân.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cứ 20 người bình thường sẽ có một người đã từng bị một giai đoạn trầm cảm trong đời. Mỗi năm trung bình 850.000 người chết vì trầm cảm. Rối loạn trầm cảm không phân biệt giới tính hay độ tuổi, nhưng tỷ lệ mắc chứng trầm cảm ở phụ nữ gấp đôi nam giới.
Những người bị trầm cảm có thể đã phải trải qua những biến cố lớn của cuộc đời như: phá sản, thất nghiệp, thất tình, nợ nần, ly hôn… hoặc cũng có những cá nhân mắc rối loạn trầm cảm nhưng không nhất thiết phải qua những biến cố lớn, mà đó có thể là những thay đổi trong đời sống hằng ngày như: thăng chức, thay đổi môi trường sống, đổi công việc, kết hôn… những sự kiện này tác động mạnh đến đời sống cá nhân hoặc tinh thần của họ, khiến họ lâm vào stress kéo dài.
Theo bác sĩ Thắng, cùng với sự phát triển của y học, trầm cảm hoàn toàn có thể chữa khỏi, thậm chí không phải dùng thuốc nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và can thiệp tâm lý kịp thời. Bác sĩ Thắng chia sẻ những cách đơn giản nhận biết trầm cảm sớm như sau:
Cảm thấy chán nản , mệt mỏi trong khi khối lượng công việc vẫn như thường lệ, không quá nhiều cũng không quá ít, nhưng dù có làm gì thì người trầm cảm vẫn luôn cảm thấy mệt mỏi và bất lực. Dù đã ngủ 8 tiếng, điều đầu tiên nạn nhân của trầm cảm cảm thấy sau khi thức dậy là: "Tôi mệt quá".
Người có dấu hiệu trầm cảm cũng thường xuyên cảm thấy mình vô dụng và không muốn sống. Họ sẽ bắt đầu từ bỏ chính mình, luôn cảm thấy mình vô dụng và cũng có thể nảy sinh ý định tự tử.
Cùng với sự sa sút về mặt tinh thần, dần dần, trí nhớ của những bệnh nhân trầm cảm sẽ ngày càng kém đi và họ sẽ bắt đầu quên những điều quan trọng, thậm chí họ không thể gọi tên bạn bè hay số điện thoại của các thành viên trong gia đình, đồng thời họ cũng sẽ không thể đọc được vì khả năng tập trung kém.
Triệu chứng điển hình nữa của bệnh trầm cảm là người bệnh có thể khó ngủ hoặc thích ngủ hơn, kể cả sau khi vừa trải qua một giấc ngủ xuyên đêm. Họ có thể thường xuyên cảm thấy uể oải và muốn dành cả ngày ở trên giường.
Dấu hiệu sớm của bệnh trầm cảm cũng thể hiện ở việc người bệnh thường xuyên cảm thấy đau ở một số bộ phận trên cơ thể. Cơn đau và trầm cảm có chung một số chất dẫn truyền thần kinh và con đường dẫn truyền thần kinh, do đó nhiều người bị trầm cảm trải qua cơn đau mãn tính hoặc đau bất thường. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal Pain cho thấy những người bị trầm cảm bị đau cổ và thắt lưng gấp 4 lần so với người bình thường. Điều này là do bộ não của họ thể hiện nhiều cảm xúc hơn nên cơ chế đối phó với cơn đau của họ kém hơn, dẫn đến việc họ nhạy cảm hơn với cơn đau.
Những người bị trầm cảm có tâm trạng thất thường và đôi khi họ đột nhiên trở nên quá nhạy cảm. Nếu bạn thường xuyên tức giận vì những điều nhỏ nhặt, hoặc tức giận trở thành thói quen của bạn, điều này có nghĩa là chứng trầm cảm đã tìm đến bạn.
Và đây mới là cảm giác nổi trội, điển hình và cần chú ý nhất, bác sĩ Thắng nhấn mạnh: người trầm cảm sẽ không thể tìm thấy cảm giác hạnh phúc ở bất cứ việc gì. Họ thường cảm thấy không vui trong hoạt động yêu thích của mình, có những người thì luôn ép mình mỉm cười trước mặt người khác nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, họ thường xuyên cảm thấy buồn chán, mệt mỏi, thậm chí không muốn làm những điều mình hứng thú nhất, không muốn gặp gỡ những người bạn thân nhất của mình. Họ chỉ muốn trốn chạy khỏi cuộc sống thực tế và không muốn đối mặt với bất cứ điều gì.
Bác sĩ Thắng khuyến cáo: Trầm cảm nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời thì nguy cơ bệnh nhân tự sát là rất cao, chiếm 50% tổng số bệnh nhân trầm cảm . Cho nên, khi có các triệu chứng nghi ngờ trầm cảm, người bệnh không nên xem nhẹ hay bỏ mặc cơ thể mà cần đến cơ sở y tế có chuyên môn, trình độ cao để được khám, đánh giá mức độ trầm cảm cũng như đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Đồng thời, trong gia đình, người thân có ai có những biểu hiện trên cũng cần được đưa đến bệnh viện chuyên khoa tâm thần để thăm khám và chữa trị kịp thời.