Dân Việt

Đừng để phố đi bộ Nguyễn Huệ tràn lan hàng rong như phố huyện!

Chính Phong 20/06/2024 09:56 GMT+7
Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) đẹp là thế, nhưng lại trở thành địa điểm bán hàng rong, hàng ăn như phố huyện. Cảnh hàng rong tràn lan, xe cộ bát nháo… diễn ra từ lâu nay, không biết khi nào mới được xử lý dứt điểm.

Vấn đề hàng rong thì không chỉ ở phố đi bộ, mà phố nào cũng có. Chỗ nào cứ có đông người đến tụ tập vui chơi thì ắt họ có nhu cầu ăn uống. Mà có nhu cầu ăn uống thì ắt có hàng rong. Hàng rong gồng gánh, xe đẩy, ghế nhựa… là đặc trưng ở các nước đang phát triển, nơi một bộ phận lớn dân chúng còn khó khăn.

Đừng để phố đi bộ Nguyễn Huệ tràn lan hàng rong như phố huyện!- Ảnh 1.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ tràn lan hàng rong. Ảnh: Chinh Hoàng

Nước nào cũng có "lịch sử hàng rong". Các nước phát triển không còn hàng rong thì vẫn còn đó "nỗi nhớ hàng rong". Họ gom nỗi nhớ đó vào một khu lập thành "phố đi bộ", bán đủ mọi thứ cho người bản địa lẫn khách du lịch.

Đến thành phố nào, muốn tìm hiểu văn hóa, ẩm thực, tiêu dùng, ngôn ngữ, lối sống… nhanh nhất thì cứ đến phố đi bộ. Nên nhìn từ đông sang tây mà xem, đặc trưng căn bản nhất của phố đi bộ, hay phố tây, hay chợ đêm là hàng rong.

TP.HCM giờ có hơn 20 chợ đêm và phố đi bộ, ban ngày xe cộ vẫn đi lại bình thường, ban tối hạn chế xe, lấy đường để bày bán hàng rong và đi bộ là chính. Đặc điểm chợ đêm là chợ không họp trong lồng chợ, mà họp cả lòng lẫn lề phố vào buổi tối, như vậy thì khái niệm "chợ đêm" cũng tương đồng với "phố đi bộ" rồi.

Đừng để phố đi bộ Nguyễn Huệ tràn lan hàng rong như phố huyện!- Ảnh 2.

Hình ảnh lộn xộn ở phố đi bộ Nguyễn Huệ không biết khi nào mới chấm dứt. Ảnh: Hồng Phúc

Trở lại với "phố đi bộ Nguyễn Huệ". Nếu cấm hàng rong thì sao nó là phố đi bộ được? Đã gọi nó là phố đi bộ thì sao lại cấm hàng rong?

Cách đặt vấn đề biến đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ ngay từ đầu đã thấy chưa phù hợp. Là đường phố thì nó quá lớn để là phố đi bộ, xung quanh nó không có những cửa hàng, làng nghề, phố nghề mang nét văn hóa bình dân đậm đặc nào như phố tây, phố sách, phố đồ cổ mỹ nghệ, chợ hoa…

Với diện tích lớn như vậy, ở trước mặt UBND thành phố, không trồng cây rậm rịt như công viên, có một sân bê tông mênh mông, phải nên gọi đó là quảng trường. Quảng trường đường Nguyễn Huệ hoặc đặt một tên khác cho quảng trường.

Đây cơ bản là nơi đón tiếp các đoàn khách nước ngoài, tổ chức các hoạt động dâng hương, lễ nghi, ra quân, mít tinh… mang cấp thành phố. Vào dịp tết nó trở thành đường hoa Nguyễn Huệ. Vào các dịp lễ, nó là nơi bắn pháo hoa, trình chiếu màn hình lớn cho người dân xem. Có thể tổ chức các hội chợ triển lãm văn hóa ngoài trời.

Hầu hết các thành phố lớn đều có quảng trường dùng cho những sinh hoạt như vậy. Đặt ngay trước tòa thị chính thì càng tốt. Quảng trường đường Nguyễn Huệ thỏa mãn điều kiện này.

Quảng trường sẽ không có ghế đá, hàng rong, không được phép mang đồ vào ăn hay mang chó mèo vào dạo rồi phóng uế trong đó. Muốn công viên ghế đá thì mời sang nơi khác, Công viên Bạch Đằng, Công viên Bờ sông chẳng hạn.

Vậy nên vấn đề ở đây không phải là hàng rong. Mà vấn đề là "phố đi bộ" hay "quảng trường". Nếu xem đó là quảng trường, ắt phải áp dụng các quy tắc tôn nghiêm, chặt chẽ của quảng trường, ắt người dân sẽ có thái độ và cách ứng xử khác với nó mà chưa cần lực lượng công quyền ra tay.