Theo đó, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đề xuất Quốc hội biểu quyết thông qua việc thực hiện sớm 3 luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Chính phủ đề nghị cho 3 luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản được thực hiện sớm 5 tháng từ ngày 1/8/2024, thay vì thời hạn thực hiện đưa ra trước đó là từ 01/01/2025. Trong khi đó, Luật Các Tổ chức tín dụng được Chính phủ đề xuất thực hiện sớm ở một số Điều.
Tại các buổi thảo luận ở tổ, hội trường kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến ủng hộ sớm thực hiện các luật trên để khơi thông nguồn lực, giúp các địa phương sớm vận hành và triển khai các kế hoạch, dự án…
Bên cạnh đó, một số đại biểu thể hiện lo ngại, việc rút ngắn thời hạn thi hành các luật nói trên có thể ảnh hưởng đến chất lượng các văn bản hướng dẫn. Nhiều đại biểu lo ngại, văn bản hướng dẫn được làm "quấy quá cho xong" ảnh hưởng đến việc thực thi các chính sách luật nói trên.
Tại Hội trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, để thực hiện tốt Luật Đất đai và Luật Kinh doanh Bất động sản, các quy định, văn bản hướng dẫn, nghị định, quyết định, thông tư và văn bản hướng dẫn của địa phương đã được chuẩn bị rất kỹ.
Ông Khánh tiết lộ, từ lúc Quốc hội đồng ý sửa Luật đất đai, Chính phủ đã yêu cầu cơ quan soạn thảo cùng các cơ quan liên quan thực hiện xây dựng các nghị định và các cái thông tư hướng dẫn theo đúng quy định, thẩm quyền. Chính vì thế, các quy trình thủ tục được thực hiện đầy đủ, không có rút gọn quy trình, không có kiểu làm luật gấp gáp.
"Cái gọi là rút gọn ở đây là rút gọn về thời hạn hiệu lực, thời gian thực thi", ông Khánh cho biết.
Ông Khánh khẳng định: Chính phủ và Quốc hội đồng ý sớm triển khai các luật nói trên dựa trên tinh thần làm đầy đủ các quy trình, thủ tục. Có thực hiện sớm hơn nhưng đầy đủ, đảm bảo cái chất lượng.
Về tác dụng của việc thực thi sớm các luật nói trên, ông Khánh cho rằng, nhiều quy định sẽ khơi thông nguồn lực của đất nước và thu hút nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, đất đai. Đặc biệt, sẽ giải quyết được nhiều tồn đọng, mong mỏi của người dân và doanh nghiệp.
Ví dụ nhu Luật đất đai 2024 quy định rằng hộ gia đình từ ngày 1/7/2014 trở về trước có đất đai sản xuất kinh doanh ổn định, không tranh chấp, không vi phạm pháp luật mà chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng, sẽ được giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai.
Theo ông Khánh, việc triển khai thực hiện Luật Đất đai sớm cũng tạo điều kiện cho đồng bào Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào thị trường đất đai như người Việt Nam ở trong nước, giúp khơi thông nguồn lực cho thị trường.
Góp ý tại Hội trường, Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) ủng hộ việc sớm thực hiện các luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản từ tháng 8/2024.
"Trong bối cảnh tâm lý sợ sai sợ trách nhiệm phổ biến, Chính phủ đã vượt lên nỗi lo ngại này để đề xuất việc thực hiện sớm hơn, tôi cho là nỗ lực lớn, sự dũng cảm vì lợi ích chung. Tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm trong xây dựng thể chế cần được nhân rộng", ông Lộc cho hay.
Ông nhấn mạnh, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản đã được đưa ra bàn thảo ở Quốc hội mấy kỳ và có sự chuẩn bị kỹ. Cơ quan soạn thảo đã có quá trình nghiên cứu, rà xét, đánh giá để xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp.
"Thời gian tới, trong Luật này nhiều vấn đề đã rõ, đã chín thì cho triển khai làm luôn. Vấn đề nào chưa rõ, còn ý kiến khác, thì địa phương cần chủ động đề xuất hướng xử lý lên cơ quan soạn thảo, Chính phủ để thực hiện cho tốt, nhanh và hiệu quả", ông nói.