Thị trường ô tô Việt Nam, các dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước vẫn được người dùng ưa chuộng bởi các hãng lớn nắm giữ thị phần như Toyota, Hyundai, KIA, Mazda, Honda... Tuy nhiên, trong năm 2024, có sự "đảo chiều" giữa nguồn gốc các dòng xe đã bán ra trên thị trường.
Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng năm 2024, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước xuất xưởng đạt 115.900 chiếc. So với cùng kỳ năm 2023 (133.600 chiếc), sản lượng xe lắp ráp đã giảm 17.700 xe và giảm mạnh so năm 2022 (190.500 chiếc) đến 74.600 xe.
Con số xuất xưởng xe lắp ráp trong 5 tháng đầu năm dù giảm, nhưng vẫn ở mức khá cao, nhưng đáng nói doanh số bán ra chỉ đạt khoảng 83.000 chiếc, hiện vẫn còn tồn kho hơn 30.000 xe các loại.
Ở chiều ngược lại số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc 5 tháng đầu năm 2024 đạt 58.716 xe, trong đó đã tiêu thụ đến 53.442 chiếc. Hiện chỉ còn khoảng hơn 5.000 xe nhập khẩu nguyên chiếc tồn kho đến thời điểm này, thấp hơn rất nhiều so với xe lắp ráp.
Đáng chú ý, thị trường xe sang cũng có nhiều biến động trong nửa đầu năm 2024 khi tiêu thụ trung bình mỗi tháng đạt 208 xe, tính từ đầu năm là 2.492 xe. Trong khi đó, năm 2023 tiêu thụ đến 8.242 chiếc, trung bình 687 xe/tháng.
Trước đây, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước luôn ở mức cao gấp 2 lần xe nhập khẩu nguyên chiếc. Tuy nhiên, với những con số trên, có thể thấy xe nhập khẩu đang dần rút ngắn khoảng cách và bán tốt hơn trong gần nửa đầu năm 2024.
Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu xe từ Thái Lan và Indonesia khi chiếm khoảng 70% tổng số lượng xe nhập về nước. Đây là 2 nước thuộc khối ASEAN nên hiện thuế nhập khẩu bằng 0% là lợi thế giúp xe nhập khẩu có giá tốt cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước.
Hyundai An Khánh, đại lý chuyên phân phối các dòng xe Hyundai lắp ráp chia sẻ với Dân Việt về tình hình khó khăn chung của thị trường.
"Doanh số của đại lý tôi tính từ đầu năm 2024 đến nay mới đạt 370 xe Hyundai các loại, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân là bởi khó khăn của nền kinh tế nói chung cũng như ngành công nghiệp ô tô nói riêng", ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng giám đốc Hyundai An Khánh chia sẻ.
Trong khi xe nhập khẩu đang "thăng hoa" thì xe sản xuất, lắp ráp vẫn đang cho thấy nhiều khó khăn và cần một động lực đủ lớn để mong phục hồi trong những tháng cuối năm 2024.
Giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước được coi là "cứu cánh" kịp thời và được mong chờ nhất của thị trường ô tô dịp cuối năm. Trước những thông tin chính sách này nhiều khả năng sẽ được áp dụng trong nửa cuối năm 2024, các đại lý đã sẵn sàng các phương án.
Về phía Hyundai An Khánh, trước thời điểm giảm 50% lệ phí trước bạ, đại lý đã đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông đến khách hàng nhằm truyền tải những lợi ích mang lại tới khách hàng của chính sách giảm thuế trước bạ của Chính phủ. Khi chính sách được áp dụng, khách hàng có cơ hội sở hữu xe với chi phí thấp hơn đáng kể so với trước khi giảm thuế.
Đặc biệt, đại lý cũng chủ động trong kế hoạch đặt hàng để có thể đảm bảo số lượng xe đa dạng để phục vụ khách hàng trong thời gian sắp tới.
Không những vậy, Hyundai An Khánh cũng tích cực đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân sự để đảm bảo phục vụ khách hàng chuyên nghiệp, chu đáo trong thời gian 6 tháng cuối năm vừa là những tháng cao điểm của mua sắm cũng như thị trường được hưởng lợi thì chính sách của Chính phủ.
Tương tự, một đại lý Mazda ở Hà Nội cũng cho biết, các doanh nghiệp đang vô cùng mong chờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ. Thời điểm này, đại lý tung rất nhiều chương trình khuyến mại, nhưng doanh số cũng không có sự đột phá.
"Tôi nghĩ, người dân đang chờ đợi Chính sách nên vẫn còn đắn đo trước khi xuống tiền mua xe. Đối với những khách hàng mua xe bình dân, việc giảm vài chục triệu là con số lớn nên không khó hiểu tâm lý này của người dùng", tư vấn bán hàng cho biết.
Còn theo đại diện Hyundai An Khánh, thời điểm này, khách hàng thường có tâm lý cân nhắc kỹ lưỡng trước các lựa chọn như: mua xe mới sản xuất láp ráp trong nước, mua xe nhập khẩu và xe đã qua sử dụng vì với chính sách giảm thuế trước bạ cho xe sản xuất lắp ráp trong nước ảnh hưởng tương đối lớn tới tổng chi phí khách hàng cần chi trả để sỡ hữu xe.
Trong khi đó, khách hàng khác đã có những sự lựa chọn cho mẫu xe mình yêu thích, tiến hành đặt cọc và chờ đợi chính sách giảm thuế trước bạ của Chính phủ để được hưởng ưu đãi.
"Một bộ phận khách hàng khác có tâm lý chờ đợi văn bản chính thức từ Chính phủ mới đưa ra quyết định cuối cùng của mình", đại diện đại lý chia sẻ.
Có thể thấy, người dân đang rất mong chờ chính sách sớm được áp dụng để sở hữu ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước với chi phí lăn bánh rẻ nhờ ưu đãi đãi kép.