Trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Nguyễn Thị Hải Huế, giáo viên môn Lịch sử ở Hà Nội đã đưa ra những hướng dẫn giúp học sinh ôn tập để làm đề thi Lịch sử tốt nghiệp THPT năm 2024 hiệu quả.
Theo cô Huế, Kỳ thi tốt nghiệp THPT là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời học sinh, đánh dấu sự kết thúc của 12 năm chăm chỉ học tập và kiên trì nỗ lực nên chắc hẳn các bạn học sinh đều có những băn khoăn và lo lắng.
Kỳ thi tốt nghiệp năm nay là kỳ thi cuối cùng theo chương trình THPT cũ. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các bạn học sinh. Cơ hội khi các bạn có thể tham khảo, học hỏi kinh nghiệm thi cử của các anh chị trong những năm trước. Nhưng cũng là áp lực lớn cho các em khi phải đảm bảo đạt được nguyện vọng, mục tiêu của mình ngay trong kì thi năm nay vì năm sau kỳ thi sẽ thay đổi hoàn toàn từ nội dung đến hình thức thi cử.
Bộ môn Lịch sử là một trong những môn học cần thiết để tham dự kỳ thi THPT với tổ hợp Khoa học xã hội. Khi ôn tập, học sinh cần chú ý bám sát vào ma trận đề thi mà Bộ đã đưa ra. Trọng tâm là phần lịch sử lớp 12, ngoài ra chú ý đọc lại các kiến thức cơ bản của lớp 11.
- Lịch sử Việt Nam 1858 – 1918: Học sinh học kiến thức cơ bản về quá trình Pháp xâm lược Việt Nam, quá trình nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Pháp, Phong trào đấu tranh chống Pháp cuối thế kỉ XIX (Cần Vương, Yên Thế), đầu thế kỉ XX (Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh), Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất; Việt Nam trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất; Hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.
- Lịch sử thế giới cận hiện đại vào cuối thế kỉ XIX đến 1945: Các nước Á, Phi, Mĩ Latinh; Chiến tranh thế giới; Các nước giữa hai cuộc chiến tranh thế giới; Cách mạng ở Nga – Liên xô xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Lịch sử thế giới hiện đại 1945 đến 2000: Sự hình thành trật tự hai cực Yalta; Quan hệ quốc tế trước, trong và sau chiến tranh lạnh, các nước, khu vực từ 1945 đến nay (Liên Xô, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Châu Phi, Mĩ Latinh, Mĩ, Tây Âu, Nhật Bản); Cuộc cách mạng Khoa học công nghệ và xu thế toàn cầu hóa.
- Lịch sử Việt Nam 1919 – 1930: Khai thác thuộc địa lần thứ hai của Pháp, phong trào dân tộc – dân chủ ở Việt Nam 1919 – 1930, quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Lịch sử Việt Nam 1930 – 1945: Phong trào cách mạng 1930 – 1931; Phong trào dân chủ 1936 - 1939, Phong trào giải phóng dân tộc 1939 – 1945.
- Lịch sử Việt Nam 1945 - 1954: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa từ 1945 – 1946; cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược trở lại lần 2.
- Lịch sử Việt Nam 1954 - 1975: Cuộc kháng chiến chống Mĩ và chính quyền Việt Nam cộng hòa, tổng tiến công và nổi dậy 1975.
- Lịch sử Việt Nam 1975 – 2000: Thống nhất đất nước về mặt nhà nước; chiến tranh bảo vệ tổ quốc; đổi mới.
Để ôn tập hiệu quả và làm chủ bài thi tốt nghiệp các bạn học sinh nên chú ý một số các phương pháp, cách học sau:
- Làm chủ các sự kiện, nhân vật, hiện tượng lịch sử cơ bản: Các nhân vật, sự kiện lịch sử là yếu tố cơ bản của lịch sử. Khi học, cần đặt sự kiện, nhân vật vào đúng thời gian, không gian để phân tích những vai trò, tác động hoặc các sự kiện, nhân vật liên quan.
- Nắm vững các lĩnh vực kinh tế, quân sự, chính trị, văn hóa, xã hội để có phân tích lựa chọn chính xác cho các câu hỏi.
- Làm rõ đặc điểm riêng, nổi bật của từng giai đoạn thời gian trong lịch sử.
- Học theo các từ khóa lịch sử cơ bản đặc trưng của từng chuyên đề, từng giai đoạn, từng bài.
- Học theo sơ đồ tư duy lịch sử, timeline các sự kiện, giai đoạn lịch sử. Các sự kiện, nhân vật đều có sự tác động qua lại lẫn nhau, học sinh có thể áp dụng sơ đồ tư duy, kỹ thuật 5W1H để học về những sự kiện lịch sử, hoặc học theo motip nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa…
- So sánh, đối chiếu điểm giống nhau và khác nhau của những nội dung lịch sử tương đồng theo nội dung và theo giai đoạn.
- Luyện tập để rèn luyện kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm của mình.
- Thiếu kiến thức cơ bản: Để đạt được kết quả cao trong kỳ thi điều quan trọng nhất là cần trang bị đúng, đầy đủ những kiến thức lịch sử cơ bản để tự tin làm chủ các câu hỏi. Việc nhầm lẫn, mơ hồ về các sự kiện, các nhân vật, hiện tượng lịch sử sẽ khiến học sinh đưa ra các lựa chọn sai.
- Không đọc kỹ câu hỏi: Một lỗi phổ biến là không đọc kỹ câu hỏi, dẫn đến hiểu sai yêu cầu. Khi đọc câu hỏi lịch sử các bạn cần chú ý đến các từ khóa quan trọng: Từ hỏi, từ khóa về lĩnh vực câu hỏi, từ khóa về thời gian, từ khóa về không gian. Để không nhầm lẫn, chúng ta có thể gạch chân vào những từ khóa này. Việc nắm vững yêu cầu câu hỏi sẽ giúp tìm ra phương án phù hợp tránh nhầm lẫn. Đặc biệt giúp loại trừ những phương án nhiễu không đúng về lĩnh vực, thời gian, không gian một cách dễ dàng.
- Chủ quan ở những câu hỏi dễ, cơ bản: Các câu hỏi mức độ nhận biết và thông hiểu trong đề thi chiếm khoảng 70% nhưng đôi khi vì chủ quan nên các con chưa đọc kĩ câu hỏi, đáp án mà trả lời sai, nhầm lẫn đáng tiếc. Khi làm bài thi, học sinh cần tập trung làm đúng, chắc chắn các câu hỏi kiến thức cơ bản trước sau đó còn thời gian ngồi phân tích các câu hỏi vận dụng.
- Lựa chọn các đáp án "quen thuộc": Đôi khi, các bạn đọc câu hỏi và đáp án không kỹ, khi thấy có một đáp án mà mình cảm thấy "quen thuộc" sẽ tự tin lựa chọn ngay mà chủ quan không đọc kỹ và phân tích.
- Không chú ý đến các câu hỏi phủ định: Khi đọc đề, các bạn bỏ qua từ "không" hoặc "sai" dẫn đến không lựa chọn được phương án hoặc lựa chọn sai.
- Phân bố thời gian làm bài thi không hợp lý giữa các câu hỏi. Có 3 lỗi thường gặp về quản lý thời gian: Thứ nhất, làm quá nhanh, nóng vội dẫn đến việc bị nhầm lẫn; thứ 2, làm quá chậm, tỉ mỉ dẫn đến không kịp làm tất cả các câu hỏi; thứ 3, quá tập trung vào các câu hỏi khó, tốn nhiều thời gian mà các câu hỏi cơ bản lại đi quá nhanh dẫn đến sai sót. Các bạn nên luyện đề nhiều hơn để có kỹ năng quản lý thời gian khi làm bài thi 40 câu trắc nghiệm lịch sử trong thời gian 50 phút.
- Không kiểm tra lại đáp án sau khi làm xong: Để khắc phục tình trạng này, cần dành ra ít nhất 5 phút cuối giờ để kiểm tra lại so sánh kỹ giữa số câu và đáp án.
- Lỗi hình thức trong phiếu trả lời trắc nghiệm: đôi khi vì chủ quan mà chúng ta mắc phải những lỗi nghiêm trọng về hình thức như: Quên tô mã đề thi; tô đáp án bằng bút mực; tô đáp án quá mờ hoặc nhòe ra ngoài; gạch xóa khi tô bị sai. Để khắc phục, học sinh cần chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cần thiết bút chì, bút bi, tẩy khi vào phòng thi. Vì mỗi học sinh chỉ có 1 phiếu để làm bài thi, nên cần cẩn thận hơn khi làm việc với phiếu trả lời.
Lời nhắn nhủ đến học sinh trước khi bước vào bài thi môn Lịch sử tốt nghiệp THPT năm 2024
Khi chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng như kỳ thi tốt nghiệp, các bạn cần lưu ý:
- Tâm thế tốt, tự tin đạt được mục tiêu: Thiết lập mục tiêu rõ ràng để có động lực cố gắng hết mình cho kì thi. Tự tin vào bản thân không nên căng thẳng, bình tĩnh khi làm bài.
- Sức khoẻ tốt: Lên kế hoạch học tập và nghỉ ngơi hợp lí để vừa đảm bảo việc học tập vừa có thời gian thư giãn, chăm sóc bản thân, xả stress.'
- Chuẩn bị các đồ dùng cần thiết khi bước vào phòng thi: Các bạn nhớ chuẩn bị đầy đủ bút mực, bút chì, cục tẩy, đồng hồ thời gian để làm bài thi nhé.
- Chúc các bạn thành công trong kỳ thi của mình!
Ths Nguyễn Thị Hải Huế từng tốt nghiệp bằng Xuất sắc khoa Sư phạm Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cô từng là thủ khoa đầu vào, Á khoa đầu ra Khoa Sư phạm Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Thạc sĩ Phương pháp dạy học bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông, Hiện cô là giáo viên tại một trường ở Hà Nội và Hệ thống giáo dục HOCMAI.