Ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn ngày càng hút người học
Ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn ngày càng hút người học
Tào Nga
Thứ sáu, ngày 21/06/2024 20:35 PM (GMT+7)
Khóa đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch bán dẫn dành cho giảng viên đại học, kỹ sư và sinh viên các ngành STEM muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực “Thiết kế vi mạch bán dẫn (IC Design)” vừa được khai giảng tại Hà Nội.
Với mục tiêu chung tay cùng Chính phủ góp phần vào việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và nền kinh tế quốc gia theo kế hoạch của Chính phủ đến 2030, tầm nhìn đến 2040 và 2050, đồng thời hiện thực hóa chiến lược và cam kết tham gia xây dựng tháp nhân lực vi mạch bán dẫn, Trung tâm Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn – Trường Đại học Phenikaa (PSTC) phối hợp cùng Synopsys, Inc. (Nasdaq: SNPS) – Tập đoàn thuộc S&P 500, dẫn đầu toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) tổ chức khai giảng Khóa đào tạo "Train the trainers" (đào tạo giảng viên) đầu tiên chuyên sâu về thiết kế vi mạch bán dẫn dành cho giảng viên đại học, kỹ sư và sinh viên các ngành STEM.
Khóa đào tạo "Train the trainers" bao gồm 2 giai đoạn, tương ứng với 2 cấp độ hoàn thành khóa học với cam kết chuẩn đầu ra theo tiêu chuẩn quốc tế.
Với Chương trình đào tạo Cấp độ 1, học viên được tham gia đào tạo tại Việt Nam trong thời gian 12 tuần với ít nhất 4 module. Hoàn thành cấp độ này, học viên sẽ hiểu và thực hành được các công đoạn quan trọng trong quá trình phát triển chip, đủ năng lực để đào tạo và hướng dẫn thực hành cơ bản đối với học viên của các khóa sau.
Với Chương trình đào tạo Cấp độ 2, học viên được đào tạo chuyên sâu 5 tuần tại SiCaDa (Synopsys Đài Loan) và sau đó là 5 tuần tại PSTC, giúp học viên có cơ hội làm việc trực tiếp cùng chip thật nhằm nâng cao kỹ năng và trải nghiệm thực tế. Hoàn thành cấp độ này, học viên hiểu và thực hành toàn bộ các công đoạn trong quá trình phát triển chip, đồng thời có đủ năng lực để đào tạo và hướng dẫn thực hành từ cơ bản đến chuyên sâu đối với sinh viên/học viên của các khóa sau. Đặc biệt, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, học viên là các giảng viên đại học có thể tự xây dựng, bổ sung giáo trình giảng dạy thiết kế vi mạch tại trường phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành điện tử và vi mạch bán dẫn trong tương lai.
Kết thúc khóa đào tạo, học viên được nhận chứng chỉ có giá trị quốc tế được cấp bởi PSTC, Synopsys, SiCADA (Synopsys Đài Loan), TSRI (Trung tâm Nghiên cứu bán dẫn Đài Loan) và PTSC tùy theo cấp độ.
Chương trình đào tạo "Train the trainers" là mô hình đào tạo chất lượng và hiệu quả, đi tắt đón đầu trong liên kết đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn của khu vực Hà Nội nói riêng và toàn quốc nói chung trong việc góp phần hiện thực hoá mục tiêu 50.000 kỹ sư vào năm 2030 của Chính phủ cho ngành vi mạch bán dẫn.
Sau hơn 20 năm phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch, Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư thiết kế chip, trong khi đó ngành công nghiệp bán dẫn cần 10.000 kỹ sư mỗi năm và thực tế hiện nay chỉ đáp ứng chưa tới 20%. Để phát triển đội ngũ nhân lực ngành bán dẫn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan là Chính phủ, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân lớn và các Viện nghiên cứu, trường đại học để triển xây dựng, triển khai dự án.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.