Theo trang Al-Jazeera của Trung Đông, Việt Nam là một quốc gia đang lên mà phương Tây muốn có quan hệ chặt chẽ hơn.
Al-Jazeera cho biết: “Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm đã có cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Việt Nam, vài giờ sau khi bay tới Hà Nội để thăm một đồng minh cũ đã tự khẳng định mình là một bên tham gia địa chính trị ngày càng có ảnh hưởng, được hầu hết các quốc gia lớn theo đuổi”.
Theo Al-Jazeera, là một nền kinh tế đang phát triển và là nước xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu, Việt Nam ngày nay coi Mỹ và các nước phương Tây khác là những đối tác quan trọng. Ấn Độ là một đối tác quốc phòng ngày càng tăng. Việt Nam cũng là trụ cột trong nỗ lực của Đông Nam Á nhằm cân bằng quan hệ với Trung Quốc, giữ mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Bắc Kinh. Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga diễn ra trong bối cảnh đó.
Trang tin từ Trung Đông cho biết, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm đã chào đón ông Putin tại Hà Nội hôm thứ Năm, cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ nhằm thúc đẩy hòa bình trong khu vực và toàn cầu.
Al-Jazeera cũng cho biết, mối quan hệ giữa hai nước bắt nguồn từ thời Liên Xô, nước đã có sự hỗ trợ quan trọng dành cho Việt Nam trong các sự kiện lịch sử quan trọng, bao gồm cả kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Liên Xô từng đón hàng chục nghìn sinh viên Việt Nam sang học tập. Kiến trúc Hà Nội cũng mang dấu ấn Liên Xô.
Prashanth Parameswaran, học giả tại Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington, DC nhận định: “Việt Nam đã cố gắng tạo dựng sự cân bằng thận trọng trong cuộc chiến Ukraine giữa việc không làm gián đoạn mối quan hệ với Nga với tư cách là đối tác truyền thống, đồng thời báo hiệu rằng Việt Nam coi trọng các nguyên tắc như toàn vẹn lãnh thổ”.
Từng bị các cường quốc xâm lược hoặc chiếm đóng - Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Trung Quốc – trong 80 năm qua, Việt Nam coi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia là nguyên tắc bất khả xâm phạm.
Trọng tâm của những nguyên tắc đó là điều mà Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh tại các cuộc họp toàn cầu thảo luận về cuộc chiến Ukraine.
Các nhà phân tích cho biết, còn có một lịch sử chung và mức độ đồng cảm giữa Việt Nam và Ukraine, vốn cũng là một phần của Liên Xô. Ukraine cũng có các mối quan hệ văn hóa, nhiều người Việt Nam học tập tại Ukraine tạo thành một cộng đồng lớn.
“Việt Nam định hướng chính sách đối ngoại của mình dựa trên những di sản lịch sử và lợi ích của chính mình – Việt Nam muốn chứng tỏ rằng Việt Nam có thể tiếp đón các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Mỹ và Nga và việc làm bạn với bất kỳ ai, đó là một nền ngoại giao đa chiều”- Al-Jazeera dẫn lời nhà phân tích Lê Thu Hương - Giám đốc chương trình Châu Á thuộc Tổ chức Khủng hoảng Châu Á cho biết.
Al-Jazeera nhấn mạnh, “ngoại giao cây tre” là ẩn dụ cho chính sách đối ngoại của đất nước.
Lợi ích của đất nước
Hãng tin AP của Mỹ đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký các thỏa thuận với Chủ tịch nước Tô Lâm trong chuyến thăm cấp nhà nước.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ, thăm dò dầu khí và năng lượng sạch. Hai nước cũng nhất trí lộ trình xây dựng trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam.
AP dẫn lời Tổng thống Putin cho biết, hai nước có chung lợi ích trong việc "phát triển một cấu trúc an ninh đáng tin cậy" ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Còn Chủ tịch nước Tô Lâm nói thêm rằng cả Nga và Việt Nam đều mong muốn “hợp tác hơn nữa về quốc phòng và an ninh để đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống”.
Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch nước Tô Lâm nói rằng cả hai bên sẽ “ủng hộ và đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không” cũng như giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế mà không sử dụng vũ lực, theo truyền thông chính thức của Việt Nam.
Ông Putin cũng hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn - AP cho biết.
Hà Nội và Moscow có quan hệ ngoại giao từ năm 1950, và năm nay đánh dấu 30 năm hiệp ước thiết lập “quan hệ hữu nghị” giữa Việt Nam và Nga. AP cũng trích lời Prashanth Parameswaran, thành viên Chương trình Châu Á của Trung tâm Wilson, cho biết Việt Nam đang “củng cố” mối quan hệ đó ngay cả khi nước này đang đa dạng hóa với các đối tác mới hơn.
Chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam – một cụm từ do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra để ám chỉ tính linh hoạt của cây, uốn cong nhưng không gãy trước những cơn gió ngược đang thay đổi của địa chính trị toàn cầu – đang ngày càng được thử thách - AP cho biết.
AP dẫn lời Nigel Gould-Davies, học giả Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London, cựu đại sứ Anh tại Belarus cho biết chuyến thăm của ông Putin rất quan trọng đối với Hà Nội ở cấp độ ngoại giao.
Ông nói rằng chuyến thăm cho thấy Việt Nam chứng tỏ có thể “duy trì sự cân bằng rất linh hoạt trong chính sách ngoại giao ccây tre của mình. Trong vòng một năm, họ đã tổ chức các chuyến thăm của nguyên thủ quốc gia của ba quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, điều này khá ấn tượng”.
Andrew Goledzinowski, đại sứ Úc tại Việt Nam, viết trên nền tảng truyền thông xã hội X: “Việt Nam sẽ luôn hành động vì lợi ích của Việt Nam chứ không phải của ai khác”.