Dân Việt

Rapper Hà Lê: "Nên dán nhãn các tác phẩm âm nhạc chứa yếu tố sex"

Yến Thanh 23/06/2024 07:00 GMT+7
Chia sẻ với PV Dân Việt, rapper Hà Lê khẳng định các nghệ sĩ cần đặt mình trong không gian văn hóa Việt. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm khán giả nên cởi mở hơn khi đánh giá một tác phẩm âm nhạc.

"Không nên đánh giá phong cách của tlinh là gợi dục"

Mới đây, ca khúc "Fever" của hai nghệ sĩ tlinh và Coldzy gặp không ít chỉ trích khi chứa ca từ liên tưởng tới chuyện quan hệ tình dục. Nhiều khán giả cho rằng, không nên tự do lan truyền một ca khúc "phản cảm" như vậy, dễ gây ảnh hưởng xấu tới lớp trẻ. Về phía rapper Hà Lê, anh nhận định thế nào về sản phẩm?

- Tôi đã nghe "Fever" và thú thật tôi đánh giá cao sự sáng tạo của họ trong âm nhạc. Là những nghệ sĩ trẻ, tlinh và Coldzy đã rất nỗ lực trong việc làm mới mình ở giai điệu, ca từ. Với những người trưởng thành, những gì họ đề cập tới cũng khá bình thường, không có gì gây sốc.

Tất nhiên, cần hiểu rằng chúng ta đang sống tại một đất nước có nhiều quy củ và nề nếp văn hóa truyền thống. Những điều các nghệ sĩ trẻ đang làm có thể không mới với thế giới, nhưng lại lạ lẫm và khó chấp nhận với người Việt. Bên cạnh đó, khi tung ra một ca khúc mang yếu tố "sex", họ cũng phải có ý thức với những khán giả nhỏ tuổi hơn – khi đối tượng người nghe này chưa đủ trưởng thành để tiếp cận với các vấn đề như vậy.

Tôi nghĩ, cách giải quyết đơn giản thôi. Khi có sự cảnh báo, dán nhãn, sản phẩm sẽ hạn chế hoặc không rơi vào những tranh cãi trái chiều.

Rapper Hà Lê: "Nên dán nhãn các tác phẩm âm nhạc chứa yếu tố sex"- Ảnh 1.

Rapper Hà Lê. (Ảnh: FBNV)

Không chỉ bị chỉ trích về ca từ, nữ rapper tlinh cũng gặp nhiều tranh cãi về trang phục, khi nhiều người cho rằng cách ăn mặc của cô có xu hướng gợi dục?

- Cũng tương tự như âm nhạc, lĩnh vực thời trang lâu nay đã không còn tồn tại biên giới nữa. Sự phát triển mạnh mẽ của internet và các ứng dụng khiến thế giới ngày càng phẳng. Vì thế, bất kỳ ai (không chỉ nghệ sĩ) đều có quyền tự chọn cho mình một phong cách, miễn là họ thấy thoải mái và phù hợp.

Những gì tlinh mặc tôi cho cũng là xu hướng chung của thế giới, của âm nhạc hip-hop và R&B trong giai đoạn này thôi. Nếu cô ấy mặc kín đáo, khuôn phép thì người xem có khi lại chỉ trích: "Ôi cô này lạc hậu quá, tại sao không chịu cập nhật xu hướng hiện tại?". Nói thật, ở nhiều nơi, có những nghệ sĩ còn hở hang và cởi mở hơn nhiều.

Tôi cho rằng, tlinh, MCK hay nhiều nghệ sĩ khác đều đang là đại diện cho một thế hệ trẻ giàu năng lượng, sự phóng khoáng và tự do. Âm nhạc của họ không chỉ phổ cập tại Việt Nam mà còn lan tỏa ra châu Á và thế giới. Điển hình như việc Suboi, tlinh, Hoàng Thùy Linh xuất hiện trong EQUAL Global (playlist nữ quyền cùng dàn sao quốc tế đình đám). Vậy tại sao chúng ta lại khắt khe và đánh giá họ trên một bộ tiêu chuẩn rất cũ, điều này phần nào không công bằng cho họ.

Dĩ nhiên, là người của công chúng, các nghệ sĩ cũng nên lắng nghe, xem xét và lựa chọn trang phục biểu diễn phù hợp với mỗi sự kiện mình tham gia. Ở một môi trường nghiêm túc và chính thống không thể mặc giống với bar và club sôi động, hoặc các sự kiện mang tính chất "private", dành riêng cho một nhóm người hâm mộ.

Các trận beef/diss (công kích) giữa hai rapper Thành Draw và 16 Typh cũng gây tranh cãi những ngày qua. Liệu rap Việt hiện tại có đang sa đà vào các cuộc khẩu chiến, thay vì để âm nhạc lên tiếng?

- (Cười) Nếu nói ở khía cạnh chuyên môn thì có thể khẳng định diss/beef trong văn hóa hip-hop là điều rất đỗi bình thường. Đó không chỉ là một cuộc đấu mà còn là nơi các nghệ sĩ trau dồi thêm kỹ năng của mình, tạo nên những đoạn flow hay lyrics hiểm hóc. Nếu giữ sản phẩm này ở cộng đồng underground, hoặc một nhóm fan mà không bị bùng nổ đi xa thì tôi cho đó là điều hoàn toàn có thể chấp nhận.

Bạn quan sát cũng sẽ thấy, trên thế giới, hai rapper đình đám là Kendrick Lamar và Drake vừa diss (phản đối - PV) nhau và tạo ra những sản phẩm âm nhạc như vậy. Ban đầu, họ không đăng các bài này để phát hành đâu, chỉ có mục đích công kích, hạ bệ đối phương thôi. Tuy vậy, khán giả nghe lại thấy lạ, hay, nhanh chóng chia sẻ và truyền bá chúng. Sau một hồi diss qua, diss lại, những bản rap này được nghe ở khắp các nền tảng, bar và club.

Vấn đề ở đây lại là sự khác biệt về văn hóa. Chúng ta đang sống ở Việt Nam – một nơi có những phong tục, tập quán rất khác với các trào lưu thịnh hành tại phương Tây. Thế giới có thể chấp nhận, nhưng tại Việt Nam lại khác. Điều này đòi hỏi người nghệ sĩ phải suy nghĩ trước khi click chuột để đăng tải một sản phẩm âm nhạc.

Cũng cần nói thêm rằng, trước đó đã có không ít trận diss trong Rap Việt, nhưng anh em đều giữ nó trong khuôn khổ của giới underground. Tuy nhiên, rapper Thành Draw và 16 Typh đều đã xuất hiện nhiều hơn trước đại chúng, thông qua các chương trình truyền hình thực tế. Khi tham gia một trận diss như thế, chính các bạn ấy phải xác định được cái được, cái mất của mình.

Anh vừa nói về sự khác biệt văn hóa tạo nên khuôn khổ cho những rapper tại Việt Nam. Vậy tại các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, các rapper hoạt động như thế nào để giữ được cá tính của họ?

- Những rapper hoạt động trong giới underground sẽ xây dựng cộng đồng của riêng họ. Khi làm nghề, các nghệ sĩ này sẽ chọn cho mình nơi xuất hiện phù hợp với âm nhạc, sự phóng khoáng của họ. Còn khi đã trở thành thần tượng của đông đảo công chúng, họ không bừa bãi đâu. Kể cả G-Dragon chẳng hạn, anh ấy cũng rất lựa chọn từ ngữ của mình khi lên truyền hình hoặc các phương tiện thông tin đại chúng.

Khi không vừa lòng hay muốn diss ai, những rapper trên thường chia sẻ rất tinh tế và khéo léo. Đó thật ra mới chính là cái hay của rap, chứ không phải lúc nào bạn cũng huỵch toẹt ra mới là "cá tính" và "thẳng thắn".

Thật ra, những tranh cãi đang xảy ra hiện nay trong môi trường rap Việt, tôi cho là điều hiển nhiên thôi. Khi nền âm nhạc đang phát triển quá nhanh, không có phần rễ vững chắc, chúng ta sẽ phải trải qua những giai đoạn như thế, nhờ vậy các nghệ sĩ rút ra cho mình bài học. Nhập gia thì tuỳ tục, đã là người Việt phải hiểu văn hóa, giá trị cốt lõi của người Việt, không phải điều gì cũng áp dụng như phương Tây được.

Ca khúc "Mưa hồng" do Hà Lê và Bùi Lan Hương thể hiện. (Clip: YTNV)

Các ngôi sao trong "Anh trai vượt ngàn chông gai" đều gần gũi, chân thành

Mới đây, sự xuất hiện của anh trong đội ngũ các nghệ sĩ tham gia show "Anh trai vượt ngàn chông gai" gây chú ý. Anh có mất nhiều thời gian cho quyết định này?

- Không hề. Ngay từ khi xem các tập phát sóng của chương trình "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng", tôi đã nghĩ nếu có phiên bản dành cho đàn ông mà mình được mời, mình sẽ tham gia ngay lập tức. Sau đó, thật vui khi BTC gọi điện mời tôi thật.

Đây là lần đầu tiên tôi tham gia một gameshow chỉ toàn đàn ông, cùng luyện tập, sinh hoạt với nhau trong một ngôi nhà chung. Trong số đó, có những người tôi đã ngưỡng mộ từ lâu nhưng giờ mới gặp ngoài đời, như anh Hồng Sơn, anh Tự Long, cũng có các tiền bối mà tôi kính trọng như anh Bằng Kiều, anh Tuấn Hưng, anh Phan Đình Tùng…

Sống chung và trò chuyện với nhau, tôi nhận thấy họ đều rất gần gũi, yêu thương, thoải mái với đàn em. Đây là điều khiến tôi thấy hạnh phúc và trân trọng nhất khi tham gia chương trình lần này.

Rapper Hà Lê: "Nên dán nhãn các tác phẩm âm nhạc chứa yếu tố sex"- Ảnh 2.

Các nghệ sĩ tham gia chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai". (Ảnh: FBNV)

Anh có dự định mang lại một hình tượng mới mẻ tới khán giả khi tham gia chương trình này?

- "Anh trai vượt ngàn chông gai" là cuộc chơi mang tính team work (làm việc nhóm). Cũng bởi vậy, trong nhóm, tôi phát huy hết khả năng của mình (rap, vũ đạo), nhưng cũng không ngại trải nghiệm những thử thách mới, miễn là tạo nên một tiết mục hòa hợp, mới lạ và thú vị.

Tôi lăn lộn trong nghề lâu năm, mọi người biết mình làm được những gì, để nói về việc xây dựng một hình tượng mới thì chắc là không có. Thế nhưng, tôi sẽ cố gắng sáng tạo những khía cạnh khác như việc thể hiện nhiều thể loại nhạc khác nhau, không chỉ là rap hay Trịnh. Bên cạnh đó, các màn diễn xuất, vũ đạo, sự kết hợp với nhóm ở một sân khấu hoành tráng cũng hứa hẹn sẽ mang tới cảm giác mới mẻ cho khán giả.

Đều là những người đàn ông nổi tiếng và cá tính, khi sống trong một ngôi nhà chung, các anh có khi nào tranh cãi?

- Đó là điều tôi cũng đã lo ngại trước khi bước chân vào nhà chung và thực tế là không chỉ riêng tôi, nhiều nghệ sĩ trước khi tới với "Anh trai vượt ngàn chông gai" cũng đã suy nghĩ về điều đó.

Tuy nhiên, sự thật là cho tới giờ này chúng tôi rất đoàn kết, vui vẻ, ấm áp, trao cho nhau những tình cảm chân thành. Khi xem chương trình bạn sẽ thấy các anh lớn rất yêu thương, luôn chỉ dẫn, kết nối đàn em. Các bạn trẻ cũng luôn cố gắng hòa nhập, có những hành động quan tâm rất dễ thương với tiền bối.

Mỗi người chúng tôi đều mang vào ngôi nhà chung sự tôn trọng lẫn nhau, mong muốn rằng trải nghiệm này sẽ đáng nhớ và ý nghĩa trong hành trình sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, cuộc chơi hiện giờ vẫn còn rất mới. Drama hay bất đồng có xuất hiện hay không thì cũng phải chờ xem khi chương trình phát sóng, các bạn mới biết hết được (cười).

Cảm ơn những chia sẻ của anh!