Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với Tuấn Tú về hành trình tuổi trẻ nhiều thú vị của anh.
Không chỉ là diễn viên, Tuấn Tú từng là cầu thủ bóng đá, MC truyền hình, viên chức Nhà nước. Anh có cuộc sống đầy thú vị với những bước ngoặt bất ngờ. Trong những giai đoạn khác nhau trong đời, anh được trải qua nhiều công việc khác nhau. Về phía mình, khi nhìn lại chặng đường đã đi qua, cảm nhận và suy nghĩ lớn nhất của anh là gì? Anh thấy mình may mắn, hay thấy mình tài năng ở nhiều lĩnh vực?
- Tôi luôn nhận tôi là người may mắn và có nhiều trải nghiệm hơn những bạn đồng trang lứa. Khi còn học đại học, tôi đinh ninh sẽ làm diễn viên hoặc làm đạo diễn, quay phim. Thế nhưng tôi lại may mắn được trải nghiệm những công việc khác nhau, ví dụ như làm việc với báo chí khi công tác ở vị trí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, quản lý đoàn nghệ thuật, làm công việc Nhà nước.
Khi còn là sinh viên, tôi cũng cộng tác với các đài truyền hình, được dẫn “Chiếc nón kỳ diệu", “Hãy chọn giá đúng". Những trải nghiệm đó mang lại cho tôi những kỷ niệm thú vị, chính tôi cũng không nghĩ rằng, mình có thể được làm nhiều công việc như thế!
Cách đây khoảng 20 năm, Tuấn Tú với sắc vóc của một người mẫu, từng xuất hiện như một gương mặt trẻ triển vọng của điện ảnh qua loạt vai diễn ở "Đường thư", "Vũ điệu tử thần", "Hà nội Hà nội"... Anh có còn nhớ những kỷ niệm của thời mới bước vào nghề diễn?
- Tôi không quên bất kỳ bộ phim nào từng đóng. Mọi người biết đến tôi qua vai chính đầu tay trong “Đường thư", nhưng thực chất lần đầu tôi đóng phim là vai phụ trong phim “Sự thật" của NSND Bạch Diệp. Lúc đấy, cô Bạch Diệp còn không biết tôi vì tôi chỉ xuất hiện mỗi bóng lưng.
Hồi đó, tôi chỉ ước ao được đóng vai nào mà lộ cả mặt là mừng lắm rồi. Khi nhận cát-sê 50.000 đồng nhờ đóng phim của cô Bạch Diệp, tôi cảm thấy rất hạnh phúc.
Cơ hội đến với tôi khi đạo diễn Bùi Tuấn Dũng tổ chức casting cho vai chính Hoàng An trong phim “Đường thư". Ngày đó, phim điện ảnh rất ít, được nhận vai chính càng khó hơn. Tôi lại mới lên đại học 3 tháng, chưa học gì về diễn xuất mà mới học các môn đại cương, nhập môn.
Tôi rất lo lắng khi casting. Đạo diễn muốn tìm kiếm người thủ vai lính đặc công to cao, nên tôi cũng liều mình đi thử vai. Sau đó 1 tuần, anh Bùi Tuấn Dũng thông báo giao vai chính cho tôi.
Đêm đó, tôi không ngủ được vì sung sướng, một phần do nhận được 15 triệu đồng cát-sê. Đó là số tiền rất lớn với một sinh viên 20 năm về trước. Tôi cũng lo lắng vì tôi chưa được học gì về diễn xuất, phải đóng như thế nào. Nhờ đoàn phim, đạo diễn, anh Quốc Tuấn và các nghệ sĩ giúp đỡ, tôi đã hoàn thành tốt. Từ đó, sự nghiệp phim ảnh của tôi bắt đầu. Tôi đóng 4 phim điện ảnh và nhiều phim truyền hình trước khi tạm rời màn ảnh.
Từ năm 2019, tôi trở lại đóng phim từ tác phẩm “Về nhà đi con". Sau 10 năm, được trở lại với màn ảnh, được khán giả đón nhận, đó là niềm hạnh phúc to lớn với tôi.
Bẵng đi một thời gian vắng bóng do chuyển công tác, khi anh trở lại màn ảnh nhỏ, bắt đầu từ phim "Về nhà đi con", khán giả có chút bỡ ngỡ. Với nhiều người, anh ở giai đoạn trưởng thành đã có sự khác biệt lớn trong diễn xuất. Từ đài từ đến cách thể hiện cảm xúc, anh được ngợi khen diễn xuất có chiều sâu hơn... Anh có thấy mình đã khác đi trên màn ảnh?
- Sau khi lấy vợ, có con thì mọi thứ sẽ tự khác. Trước khi lập gia đình, tôi đã có lần đóng vai người bố, hóa trang cho già đi để nhập vai trong phim “Đời chè". Khi đó, tôi xem và thấy mình đóng vai bố không hợp.
Nhưng khi đã có con, tôi có trải nghiệm làm bố nên khi đóng vai người bố trong phim “Về nhà đi con", tôi đóng “ngọt" hơn hẳn. Dù vậy, tôi thấy vai diễn đó chưa hay. Bởi lẽ, thời tôi đóng phim 10 năm trước, mọi thứ khác hẳn.
Trước kia, đoàn phim chỉ có 1 - 2 máy quay, phim lồng tiếng còn bây giờ quay phim kỹ thuật số, thu tiếng trực tiếp và có rất nhiều góc máy. Đi vào trường quay, có khi tôi chẳng biết đứng đâu, diễn thế nào. Tôi rất rối vì đã nghỉ đóng phim khá lâu. Nhờ đạo diễn Danh Dũng và các đồng nghiệp giúp đỡ, tôi đã hòa nhập và dần bắt nhịp trở lại.
Trở lại màn ảnh với nhiều bỡ ngỡ, khó khăn của anh là gì?
- Tôi yêu thích cách làm phim hiện đại. Vì âm thanh thu trực tiếp nên cảnh phim cũng chân thật hơn, diễn viên có thể bộc lộ cảm xúc sinh động. Ngày trước phim lồng tiếng, có khi hình một kiểu, tiếng một kiểu. Thậm chí, diễn viên đóng còn có người nhắc thoại. Việc nhắc thoại ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý diễn, khi mà có một người cứ ở đằng sau nói trước câu thoại. Bây giờ, diễn viên phải học thuộc lòng kịch bản, phải đầu tư và nghiên cứu vai diễn kỹ càng hơn.
Tôi không tiếc khi nghỉ đóng phim cả chục năm. Vì những công việc tôi làm cũng mang đến những trải nghiệm quý báu. Tôi được làm thiện nguyện, tổ chức những hoạt động ý nghĩa mà không phải ai cũng có cơ hội tham gia.
Hiện, Tuấn Tú xuất hiện trở lại khá đều đặn trên phim giờ vàng. Mới nhất, vai diễn của anh trong phim “Người một nhà” nhận được nhiều tình cảm của khán giả, khi anh đóng vai người em - là Tuệ hiền lành, chất phác đối nghịch với anh trai - Trí ngang tàng. Tình cảm của 2 anh em mang đến nhiều cảm xúc về tình thân, giá trị gia đình. Vai diễn này giống và khác anh như thế nào?
- Tôi và Tuệ khác nhau nhiều, ngay từ hoàn cảnh sống. Nhưng tôi giống Tuệ ở chỗ tôi cũng có một người anh trai ở ngoài đời, cũng chăm lo cho em như Trí. Tôi thấy may mắn vì có người anh trai sống tình cảm, để khi vào vai tôi lấy cảm xúc rất tốt. Nhiều người hỏi sao tôi đóng tình cảm, sướt mướt thế. Vì tôi có người anh như thế thật ngoài đời.
Phim này tôi rất tốn nước mắt, từ lúc đọc kịch bản tôi đã khóc vì cảm động. Chưa có phim nào tôi khóc nhiều như phim này, bởi có nhiều tình huống éo le, mà Tuệ lại yếu đuối, mau nước mắt.
Đạo diễn cũng muốn hai nhân vật đối lập nhau hoàn toàn như vậy, giữa Trí cứng rắn, mạnh mẽ, còn Tuệ luôn thấy áy náy, nợ nần anh mình về mặt tình cảm. Tôi và Duy Hưng đi ăn, đi cà phê với nhau để tạo sự liên kết, để có thể thuyết phục khán giả rằng chúng tôi thật sự có kết nối về mặt tình cảm.
Chúng tôi gặp nhau hàng ngày, quay xong lại tiếp tục nói chuyện, sau đó còn nghĩ thêm những câu thoại mới để đối thoại với nhau.
Khi Tuấn Tú bước vào màn ảnh, người ta miêu tả anh là: Đẹp trai, “con nhà gia thế”, khi bố anh từng công tác tại Bộ Công Thương, từng là Tham tán thương mại Việt Nam tại New Zealand và Philippines. Gia đình có vai trò như thế nào trên chặng đường đi, và sự nghiệp của anh?
- Tôi may mắn sinh ra trong gia đình cơ bản, bố từng là tham tán nên đi nước ngoài rất nhiều. Từ nhỏ, hai anh em tôi ở một mình với nhau nhiều, về sau mẹ tôi cũng đi theo bố sang các nước khác công tác theo nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 3 năm, có những nhiệm kỳ kéo dài 5 năm.
Chúng tôi chăm lo cho nhau và sống cùng bà ngoại. Gia đình tôi không giàu như mọi người đồn. Chúng tôi tự lập từ ngày đi học đến khi đi làm, tự đi lên bằng khả năng.
Nhiều người nói diễn viên Tuấn Tú làm nhiều nghề, giàu có nên không chịu áp lực về cát-sê khi quay lại đóng phim. Điều đó có đúng?
- Để đặt tiền và một vai diễn hay, chất lượng lên bàn cân so sánh, tôi sẵn sàng lựa chọn vai diễn và hy sinh cát-sê. Tôi không còn trẻ, mỗi năm đóng 1 - 2 phim nên tôi muốn các tác phẩm của mình phải ghi dấu ấn. Bên ngoài, tôi vẫn có công việc kinh doanh, tôi sẽ phải tạm ngừng nếu có lời mời đóng phim. Tôi sẽ phải cân đối, nhưng ưu tiên nhận một kịch bản tốt, ê-kíp chuyên nghiệp, vai diễn hay. Thực chất, cát-sê phim cũng không cao, có khi chỉ đủ trả tiền trang phục tạo hình cho nhân vật. Khoản đầu tư vào làm tóc, trang điểm, giày dép, trang phục cũng đã tốn một khoản lớn, để giúp nhân vật sống động, ấn tượng hơn.
Ở tuổi của tôi, cuộc sống đã ổn định, thu nhập có thể nuôi sống gia đình. Tôi đi đóng phim để thỏa mãn đam mê của mình. Giống như nhiều người, tôi cũng làm nhiều công việc để lo cho gia đình, chăm sóc con cái. Tôi không tham vọng trở nên giàu có, chỉ cần gia đình đủ đầy, hạnh phúc.
Phim truyền hình đang dày đặc những câu chuyện gia đình, khiến đề tài này dần bão hòa và giảm sức hút. Là một diễn viên từng tham gia loạt phim gia đình, hôn nhân như "Về nhà đi con", "11 tháng 5 ngày", "Anh có phải đàn ông không?", anh nỗ lực làm mới, thử thách bản thân thế nào?
- Đề tài gia đình phù hợp với khung phim giờ vàng, vì đó là khoảng thời gian các gia đình ăn cơm, quây quần cuối ngày. Phim về gia đình sẽ không nặng nề, mang lại cảm giác thư thái, thoải mái cho khán giả. Các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc vẫn làm nhiều phim về gia đình.
“Người một nhà” được yêu mến tôi nghĩ một phần là do phim chọn một hướng đi khác, tập trung vào tình cảm của hai anh em trai. Gia đình có thể có muôn hình vạn trạng, rất nhiều câu chuyện bên trong. Điều đó đòi hỏi các nhà làm phim phải sáng tạo, tìm tòi, không thể nói vì đề tài này có nhiều rồi thì không làm nữa. Tôi tin câu chuyện về gia đình sẽ không bao giờ kết thúc trên màn ảnh, mà ta cần sáng tạo, đầu tư để khán giả đón nhận.