“Người bố thứ 2” của con trai nghệ sĩ Quốc Tuấn: “Anh Tuấn khiến bao người nể phục vì nhân cách”
“Người bố thứ 2” của con trai nghệ sĩ Quốc Tuấn: “Anh Tuấn khiến bao người nể phục vì nhân cách”
Hà Tùng Long
Chủ nhật, ngày 23/06/2024 11:31 AM (GMT+7)
“Bản thân tôi thấy anh Tuấn là một vị phụ huynh hết sức đặc biệt. Những thứ nghệ sĩ Quốc Tuấn làm cho con trai mình khiến không chỉ bản thân tôi mà rất nhiều người khác phải nể phục", Tiến sĩ, nghệ sĩ Nguyễn Tiến Mạnh chia sẻ với Dân Việt.
Tiến sĩ, nghệ sĩ Nguyễn Tiến Mạnh – Trưởng khoa Jazz, ngành Piano Jazz là người đã dạy Bôm (tên thật Nguyễn Anh Tuấn) từ những ngày đầu mới theo học hệ Trung cấp, ngành Piano Jazz tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Nghệ sĩ Nguyễn Tiến Mạnh từng tốt nghiệp Cao học tại Học viện Âm nhạc Hàn lâm Malmo (Thụy Điển). Năm 2013, khi khoa Jazz được thành lập, nghệ sĩ Nguyễn Mạnh là giảng viên về Piano, hoà tấu, ngẫu hứng Jazz. Năm 2016, anh bảo vệ thành công chương trình nghiên cứu sinh với đề tài: "Nghệ thuật Piano Jazz chuyên nghiệp Việt Nam" do PGS.TS.NSƯT Lưu Quang Minh hướng dẫn.
Theo nghệ sĩ Nguyễn Tiến Mạnh, nhạc Jazz xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ XX khi nghệ sĩ Pháp sang biểu diễn. Sau đó, Jazz xuất hiện thường xuyên hơn ở Sài Gòn khi quân đội Mỹ vào Việt Nam. Tuy nhiên, đến năm 1991, nhạc Jazz mới được cô Nguyễn Thị Nhung (vợ nhạc sĩ Huy Du) và PGS.TS, NSƯT Lưu Quang Minh dạy thử nghiệm trong Khoa Accordion - Guitar - Organ.
"Về đào tạo nhạc Jazz, chúng ta khởi đầu chậm hơn nhiều so với thế giới nhưng hiện khoảng cách đang được rút ngắn dần. Vài năm gần đây có rất nhiều học viện, trung tâm tại Việt Nam có giảng dạy về nhạc jazz. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định chỉ có duy nhất khoa Jazz - Học viện Âm nhạc Quốc gia là đào tạo nhạc Jazz một cách chính quy, bài bản.
Công tác giảng dạy và biểu diễn của Khoa Jazz hiện nay không hề thua kém các chương trình đào tạo nhạc Jazz trên thế giới. Bởi đội ngũ các GS, TS, giảng viên của chúng tôi là những người được đào tạo bài bản chính quy tại nước ngoài.
Chương trình cũng tổng hợp sự tiến bộ của các nước Mỹ, Thụy Điển, Pháp... trên tinh thần có điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh, thực tiễn của học sinh sinh viên Việt Nam. Đặc biệt, ban lãnh đạo Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt nam, đặc biệt là PGS.TS Lê Anh Tuấn (Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia - PV) cũng luôn quan tâm, định hướng xây dựng Khoa Jazz trở thành một cơ sở đào tạo nhạc Jazz có uy tín trong khu vực Đông Nam Á", nghệ sĩ Nguyễn Tiến Mạnh nói.
Nghệ sĩ Quốc Tuấn - bố Bôm là người kiệm lời, làm nhiều hơn nói
Nói về cậu học trò Bôm, nghệ sĩ Nguyễn Tiến Mạnh chia sẻ với Dân Việt rằng, Bôm là chàng trai đặc biệt và nghị lực. Cậu có một đam mê bất tận với đàn Piano. Cây đàn như người bạn thân, tri kỷ của Bôm trong mọi vui buồn của đời sống thường nhật. Và dù đã tốt nghiệp hệ Trung cấp, đã có thể đi biểu diễn với tư cách là nghệ sĩ Piano Jazz nhưng Bôm vẫn là một chàng trai rất hồn nhiên, trong sáng. Sau 7 năm học, Bôm đã nề nếp và chủ động hơn trong công việc của mình nhưng sự hồn nhiên ở cậu vẫn không thay đổi. Chính sự hồn nhiên này khiến nghệ sĩ Nguyễn Tiến Mạnh nhận ra Bôm rất thích hợp với nhạc Jazz và nhạc Jazz cũng rất thích hợp với cậu bởi nhạc Jazz rất cần sự hồn nhiên ấy.
Nhắc đến nghệ sĩ Quốc Tuấn – phụ huynh của Bôm, nghệ sĩ Nguyễn Tiến Mạnh bày tỏ rằng, nam nghệ sĩ là một người bố kiệm lời. Anh thiên về hành động nhiều hơn là lời nói.
"Bản thân tôi thấy anh Tuấn là một vị phụ huynh hết sức đặc biệt. Những thứ nghệ sĩ Quốc Tuấn làm cho con trai mình khiến không chỉ bản thân tôi mà rất nhiều người khác phải nể phục. Nể về tình yêu con, sự hy sinh cho con. Nể cả về tư tưởng, nhân cách, đạo đức của anh Tuấn. Đối với tôi, anh Quốc Tuấn là một nghệ sĩ thực thụ, việc anh đồng hành với con giống như việc một người nghệ sĩ lớp trước đồng hành với người nghệ sĩ lớp sau".
Nghệ sĩ Nguyễn Tiến Mạnh kể rằng, lúc anh dạy Bôm được 3 năm, qua một số lần tiếp xúc, anh đã được truyền cảm hứng từ người bố này. Trước đó, anh rất nghiêm khắc với sinh viên. Sự nghiêm khắc đó đôi khi khiến sinh viên của anh gặp nhiều áp lực. Nhưng khi nghe nghệ sĩ Quốc Tuấn chia sẻ, với học trò mình nên động viên kịp thời. Thay vì nói "Sao con lười thế?" thì nên đổi thành "Con hãy cố gắng, đừng để thầy thất vọng". Nhờ thế mà anh đã "hóa giải" được sự căng thẳng trong mỗi buổi dạy.
Chia sẻ với Dân Việt, nghệ sĩ Nguyễn Tiến Mạnh cũng cho biết thêm rằng, trong khoa Jazz của Học viện Âm nhạc Quốc gia cũng có một số bạn theo học âm nhạc như Bôm nhưng do sức khỏe hoặc do hạn chế trong tư duy nên chỉ dừng lại ở năm thứ 3, năm thứ 4 của hệ Trung cấp, không theo được đến khi tốt nghiệp. Đó là một điều mà người thầy tâm huyết với việc truyền nghề như nghệ sĩ Nguyễn Tiến Mạnh rất tiếc nuối.
"Có thể nói, Bôm "trụ hạng" rất vững sau 7 năm tôi luyện gian khổ. Như vậy, rõ ràng Bôm có nghị lực, sự kiên trì rất lớn. Nhiều bạn cứ nghĩ thi đỗ vào Học viện Âm nhạc Quốc gia là ổn rồi, nhưng tôi nói thật, đó mới chỉ là một bước khởi đầu cho một hành trình đầy gian nan thôi. Vì để hoàn thiện từ hệ Trung cấp lên hệ Đại học rồi ra trường đi làm nghề mới tới ít nhất 11 năm.
Thật sự, một người bình thường học khoa nhạc Jazz đã khó, theo được đến khi tốt nghiệp càng khó hơn. Nhiều bạn tốt nghiệp Trung cấp xong thì buộc phải dừng lại vì không thể đi tiếp. Nếu muốn học tiếp hệ Đại học thì tìm sang trường khác hoặc đi làm một thời gian rồi theo tiếp vì chương trình đào tạo hệ Đại học ở Khoa Jazz bắt buộc tính học thuật và chuyên môn sẽ nâng cao hơn.
Nhà trường cũng cố gắng tạo điều kiện cho các sinh viên nhưng Học viện Âm nhạc Quốc gia là một cơ quan trực thuộc Bộ VHTTDL, mọi chương trình và giáo trình thậm giảng dạy sẽ không có bất kỳ sự ưu ái nào. Nên các bạn muốn thi đầu vào của khoa Jazz phải đạt trình độ chuẩn. Để tốt nghiệp cũng rất khó khăn, nhiều sinh viên phải thi lại, nhiều bạn cũng bỏ ngang từ năm thứ 3, thứ 4", nghệ sĩ Nguyễn Tiến Mạnh nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.