Sự kiện Ngày báo chí cách mạng Việt Nam năm nay có nhiều điểm nhấn đặc biệt. Tại lễ trao giải báo chí đúng ngày 21/06/2024, Chủ tịch nước Tô Lâm đã phát biểu chỉ đạo với nhiều ý, xin tóm tắt một vài ý chính như sau: "Báo chí phải có tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái sai", "Xây dựng đội ngũ người làm báo là người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng"…
Rõ ràng là, Nhà nước và xã hội đánh giá cao chức năng kiến tạo – xây dựng của báo chí và những người làm báo. Bởi lẽ, người làm báo phải dốc sức chạy ngược, chạy xuôi tìm ra sự việc cần phản ánh, ghi chép, quay phim chụp ảnh để có tư liệu, nghiên cứu hàng chồng hồ sơ, tư liệu vụ việc, tra cứu đối chiều với quy định của pháp luật, cũng như tập quán, đạo lý xã hội mới có được tác phẩm báo chí đạt được những yêu cầu như nêu trên. Đó là nghề phải "lao tâm khổ tứ", chịu đựng, hy sinh mới hoàn thành sứ mệnh của người làm báo.
Thế nên, khi tác phẩm báo chí được dày công kiến tạo với "tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái sai" đến được tay người đọc sẽ lan tỏa điều tốt lành này trong cộng đồng, góp phần chung tay cho sự phát triển bền vững.
Khi nó được đánh giá cao, tôn trọng thì tác giả hạnh phúc, vui mừng; khi nó không nhận được sự đồng tình hay bị phê phán, tác giả đau lắm chứ, thậm chí xấu hổ, phải xin lỗi.
Người làm báo, bên cạnh nỗ lực tối đa của bản thân, luôn tâm nguyện nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của cộng đồng, nhất là của các cơ quan tư pháp và hành pháp để có thể tác nghiệp một cách thuận lợi, không bị cản trở.
Song, trên thực tế, chúng tôi luôn phải dè dặt, bức xúc trước những cản ngại không nhỏ từ những người đang làm điều xấu, đang làm cái sai. Họ có thể giật máy ảnh, ngăn cản, thậm chí hành hung người làm báo như đã xảy ra ở nhiều nơi.
Mặt khác, về tâm lý, những người có chức, có quyền rất ngại để báo chí biết, hay ghi âm, ghi hình công việc họ đang thực hiện quyền lực - bởi đã có quyền thì có lạm quyền là lẽ thường.
Ngay trong năm 2024, bản thân tác giả bài viết này cũng bức xúc khi biết Khoản 3, Điều 141 Dự thảo Luật tổ chức Tòa án quy định: "Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp".
Hiến pháp năm 2013 quy định về nguyên tắc xét xử tại Điều 103, trong đó nêu rõ: "Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín".
Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, Điều 25 - Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã quy định: "Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai".
Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định rõ ràng chỉ một số trường hợp sẽ xét xử kín. Ngoài vụ án xử kín theo quy định nêu trên, các vụ án khác đều phải xử công khai để bảo đảm sự nhất quán trong hệ thống pháp luật.
Các khoản 3, 4 Điều 141 của Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) có quy định hạn chế đối với tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa công khai – không phải phiên xử kín – là thiếu nhất quán với quy định của Hiến pháp và của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành. Vô hình chung, quy định này đã biến phiên tòa xử công khai thành một loại xử kín thứ 5!
Dự thảo Luật không quy định rõ trường hợp nào chủ tọa không đồng ý và trường hợp nào thì được phép ghi âm, ghi hình. Tất yếu sinh ra tùy nghi, thích thì cho, còn không thích thì không cho. Khi đã có quy định tùy nghi như vậy, tránh sao không lợi dụng nó để gây khó dễ cho tác nghiệp của nhà báo tại phiên tòa!?
Điều này không loại trừ chủ tọa phiên tòa lợi dụng quy định này để gây khó dễ , hạn chế hoạt động tác nghiệp của các tổ chức, cá nhân – trong đó có hoạt động của phóng viên báo chí – đồng thời mâu thuẫn với Điều 25 Luật báo chí 2016 quy định về quyền hoạt động nghiệp vụ báo chí tại phiên tòa xét xử công khai của Nhà báo.
Dân gian có câu "lời nói gió bay". Nếu bị hạn chế ghi âm, ghi hình nhà báo sẽ phản ánh diễn biến của phiên tòa căn cứ lời nói của các bên tham gia tố tụng thì dễ "rơi vào vòng lao lý" , vì lấy đâu ra chứng cứ.
Khi viết bài này, bản thân tôi suy nghĩ rất nhiều về quá trình làm nghề của mình. Tôi đã từng vui mừng khi dự phiên tòa mà nghe Hội đồng xét xử tuyên bị cáo – người mà tôi "lao tâm khổ tứ" viết bài bảo vệ - không phạm tội sau 10 tháng bị tạm giam.
Song người đó cũng phải mãi mang theo dấu ấn về vụ khởi tố vụ án báo do tôi phụ trách, khi đăng bài "Ai tiếp tay cho BHPP hòng ăn không mỏ Đại Hùng?".
Vì bài báo là sản phẩm của sự dày công sưu tầm, nghiên cứu với hồ sơ tài liệu dầy cộp nên không quy được lỗi gì – mà bị khởi tố với nội dung "lộ bí mật"!? Tôi còn lưu giữ văn bản đóng dấu đỏ về việc khởi tố vụ án này, vì cho đến nay không thấy có văn bản đình chỉ vụ án.
Vào dịp kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam năm nay, người làm báo chúng tôi chỉ tâm nguyện nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của cộng đồng, nhất là của các cơ quan tư pháp và hành pháp để có thể tác nghiệp một cách thuận lợi, không bị cản trở.
Có như vậy, những người làm "nghề lao tâm khổ tứ" mới có thể đem lại giá trị chân xác và khả tín trong mỗi bản tin, mỗi khung hình để phục vụ độc giả. Vì xét cho cùng, giá trị chân xác và khả tín luôn là giá trị và nhiệm vụ cốt lõi của báo chí.