Dân Việt

Vốn tín dụng, cánh cửa giúp hàng ngàn hộ nông dân tỉnh Bình Phước thoát nghèo

Đông Anh 24/06/2024 15:37 GMT+7
Không phải ngẫu nhiên vào ngày 20/6 vừa qua, Ngân hàng Công thương Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Phước (Vietinbank) - đã "chọn mặt gửi vàng" ký kết thỏa thuận với Hội Nông dân tỉnh Bình Phước cam kết cho nông dân vay vốn.

Nông dân vay vốn sản xuất để đổi đời

Theo đó, cam kết được đưa ra gồm: Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ gia đình là hội viên Hội Nông dân tỉnh Bình Phước vay vốn và sử dụng các dịch vụ của VietinBank để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Qua đó, giúp cán bộ Hội Nông dân các cấp, hội viên nông dân trong tỉnh Bình Phước sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, hoàn trả nợ vay (gốc, lãi) đầy đủ và đúng thời hạn đã cam kết với Vietinbank.

Vốn tín dụng, cánh cửa giúp hàng ngàn hộ nông dân tỉnh Bình Phước thoát nghèo- Ảnh 1.

Ngày 20/6/2024, Vietinbank - chi nhánh Bình Phước và Hội Nông dân tỉnh Bình Phước đã ký thỏa thuận cho hội viên Hội Nông dân tỉnh Bình Phước vay vốn năm 2024. Ảnh: T.L

VietinBank tăng lượng khách hàng, mở rộng cho vay đầu tư sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và quảng bá thương hiệu trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Trong năm 2024, hai bên đặt chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tối thiểu năm là 125 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh: "Trước đây, nhờ nguồn vốn vay ngân hàng mà không ít hộ nông dân đã thật sự thoát nghèo và trở nên khá giả. Vốn vay tín dụng đã trở thành cứu cánh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân".

Điển hình như gia đình ông Cao Đình Phước (ấp 8, xã Lộc Thuận), được Hội Nông dân xã xét cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lộc Ninh số tiền 130 triệu đồng. Việc vay vốn này thuộc diện vay vốn từ nguồn vốn dành cho hộ cận nghèo và vốn vay giải quyết việc làm. 

Nhờ số vốn trên, ông Phước đã trồng 650 nọc tiêu. Đến nay, vườn tiêu phát triển xanh tốt; ông Phước kỳ vọng trúng lớn, khi giá tiêu đang ngày một tăng cao như hiện nay.

Vốn tín dụng, cánh cửa giúp hàng ngàn hộ nông dân tỉnh Bình Phước thoát nghèo- Ảnh 2.

Nông dân huyện Lộc Ninh vay vốn tín dụng đầu tư trồng hồ tiêu. Ảnh: T.L

Tương tự, gia đình bà Lưu Thị Thu Thảo (ấp 6, xã Lộc An) được vay 50 triệu đồng để đầu tư trồng bơ và ổi. Hiện nay, sản phẩm của gia đình tiêu thụ ổn định, mang lại thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm.

Với riêng Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay, 16/16 Hội Nông dân cấp xã đã ký hợp đồng uỷ thác với ngân hàng. Hội Nông dân huyện Lộc Ninh đang quản lý 92 tổ tiết kiệm và vay vốn, với dư nợ đạt trên 187 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng chính sách do Hội quản lý không ngừng nâng cao qua các năm.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh Hoàng Ngọc Anh cho biết: "Từ nguồn vốn chính sách đã tạo điều kiện và động lực khích lệ hội viên nông dân mạnh dạn đầu tư, tích cực sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Hầu hết hộ vay vốn chấp hành nghiêm việc trả lãi hàng tháng và trả nợ gốc khi đến hạn".

Vốn tín dụng, cánh cửa giúp hàng ngàn hộ nông dân tỉnh Bình Phước thoát nghèo- Ảnh 3.

Thu hoạch điều tại gia đình hộ nông dân ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Lý Trần

"Trái ngọt" tín dụng chính sách xã hội

Bà Vũ Thị Minh - Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập- cho biết: Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội" (gọi tắt là Chỉ thị 40), huyện Bù Gia Mập đã gặt hái nhiều "trái ngọt" trong công tác tín dụng chính sách xã hội đối với nông dân.

Vốn tín dụng, cánh cửa giúp hàng ngàn hộ nông dân tỉnh Bình Phước thoát nghèo- Ảnh 4.

Bà Trần Thị Hồng - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Bình Phước, tại một hội thảo bàn về công tác hỗ trợ nông dân vay vốn sản xuất. Ảnh: H.N.D

"Hiện ngân hàng chúng tôi và các tổ chức khác đang quản lý 173 tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn trên địa bàn huyện, với tổng nguồn vốn 496,86 tỷ đồng, trên 8.952 hộ vay vốn còn dư nợ, tăng 303,8 tỷ đồng so với trước đây. Nguồn vốn tín dụng trong 10 năm qua đã giúp hơn 23.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đặc biệt, những hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa được vay vốn với số tiền là hơn 1.053 tỷ đồng", bà Minh nói.

Trong đó, có 12.158 hộ vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, 1.162 lao động tạo việc làm, 4.074 hộ gia đình học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn chi phí học tập, học nghề; 10.773 hộ dân ở nông thôn vay vốn xây dựng được 21.546 công trình nước sạch, công trình vệ sinh nông thôn, 1.003 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở, 23 hộ vay mua nhà, xây nhà ở xã hội, …

Theo bà Minh, nguồn vốn tín dụng đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương từ 11,4% (năm 2014) đến nay chỉ còn 2,3%, góp phần tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con…

Vốn tín dụng, cánh cửa giúp hàng ngàn hộ nông dân tỉnh Bình Phước thoát nghèo- Ảnh 5.

Rất nhiều hộ nông dân ở tỉnh Bình Phước đã thoát nghèo nhờ vay vốn sản xuất từ ngân hàng. Ảnh: H.N.D

Theo ông Võ Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Phước Long: Với mục tiêu hỗ trợ vốn giúp hội viên nông dân đầu tư cho sản xuất, nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân đang giúp rất nhiều nông dân trong việc sản xuất kinh doanh.

Gần đây, Quỹ hỗ trợ nông dân thị xã vừa tổ chức giải ngân hơn 1,05 tỷ đồng cho 21 hộ hội viên nông dân của 2 phường, xã Long Phước và Phước Tín. Đây là nguồn quỹ được giải ngân hỗ trợ nông dân phát triển Dự án "chăm sóc vườn điều và chăm sóc sầu riêng" tại Long Phước; Dự án "chăm sóc sầu riêng" tại Phước Tín.

Ông Trần Văn Thôi, Giám đốc Quỹ hỗ trợ nông dân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Phước Long cho biết: "Với mức vay 50 triệu đồng/hộ, các hộ nông dân sẽ tập trung trồng và chăm sóc vườn điều, sầu riêng. Trong quá trình sử dụng vốn, các hộ được Hội Nông dân các cấp kiểm tra, giám sát, đảm bảo vốn được sử dụng đúng mục đích, bảo toàn vốn khi đến hạn thu hồi".