Dân Việt

Nỗi ám ảnh ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (bài 2): Nỗ lực giải quyết bài toán quá tải

Gia Linh 25/06/2024 05:59 GMT+7
Là một trong 3 sân bay lớn nhất cả nước, Tân Sơn Nhất đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM và khu vực phía Nam. Từ lâu nay sân bay Tân Sơn Nhất quá tải. Cách nào giải quyết tình trạng này?

Tình trạng ùn tắc trong nhà ga và hệ thống đường giao thông kết nối sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế xã hội, du lịch của TP.HCM và khu vực phía Nam.

Đặc biệt, sân bay này là cửa ngõ quan trọng khi các đoàn khách quốc tế đặt chân đến Việt Nam. Việc nhà ga quá tải, ùn tắc gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và cả mĩ quan đô thị.

Nỗi ám ảnh ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (bài 2): Nỗ lực giải quyết bài toán quá tải- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, UBND TP.HCM đã vượt khó để trên khai dự án nhà ga T3. Ảnh: ACV

 Cột mốc quan trọng, thay đổi diện mạo sân bay Tân Sơn Nhất 

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 657/QĐ-TTg ngày 19/5/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải và Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã được triển khai.

Tháng 12/2022, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV, đơn vị chủ đầu tư) đã chính thức khởi công Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Sự kiện đánh dấu cột mốc mới cho việc thay đổi diện mạo, nâng tầm công suất của sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết nhà ga T3 với công suất 20 triệu hành khách/năm với tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng. Nguồn vốn để thực hiện dự án được huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu của ACV (70%) và vốn vay thương mại (chiếm 30%). Công trình dự kiến sẽ hoàn thành và chạy thử vào cuối năm 2024.

Nỗi ám ảnh ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (bài 2): Nỗ lực giải quyết bài toán quá tải- Ảnh 3.

Khởi công từ tháng 12/2022, nhà ga T3 được kỳ vọng gỡ thế quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Gia Linh

Nhà ga mới nhằm mục đích nâng công suất khai thác ở sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách mỗi năm, cùng với hai nhà ga T1 và T2 hiện hữu. Từ đó, giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Nỗ lực đột phá của ngành giao thông vận tải 

Đánh giá đây là dự án trọng điểm quốc gia, tại lễ khởi công nhà ga T3, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương nỗ lực của Bộ Giao thông Vận tải, Quốc phòng cùng UBND TP.HCM và các bên liên quan phối hợp tháo gỡ vướng mắc về các thủ tục về đất đai, đầu tư, nguồn vốn… để triển khai dự án.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng quá trình thực hiện có thể gặp nhiều khó khăn, thách thức. Từ đó, các Bộ ngành và địa phương phải phối hợp giải quyết, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Nếu vướng mắc lớn, Chính phủ sẽ đồng hành tháo gỡ.

Trước đó, để triển khai thực hiện dự án nhà ga T3, Bộ Giao thông Vận tải cùng các đơn vị có liên quan, chủ đầu tư đã phải trải qua không ít khó khăn. Trong đó, vướng mắc chính của công trình vẫn là công tác giải phóng mặt bằng.

Được biết, tháng 7/2022, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 93/NQ-CP nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để thực hiện dự án nhà ga T3 và dự án đường giao thông kết nối.

Nỗi ám ảnh ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (bài 2): Nỗ lực giải quyết bài toán quá tải- Ảnh 4.

Quá trình triển khai nhà ga T3, các đơn vị đã phải nỗ lực vượt quá nhiều khó khăn, nhất là về vấn đề giải phóng mặt bằng. Ảnh: Gia Linh

Do tính chất cấp bách, tháng 9/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị TP.HCM ban hành quyết định thu hồi đất để bàn giao cho chủ đầu tư khởi công dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.

Tháng 10/2022, UBND TP.HCM đã phê duyệt kế hoạch thu hồi hơn 16,05ha đất quốc phòng (được chia làm 2 đợt) để xây dựng dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Nhờ vậy, đến tháng 12/2022 dự án mới chính thức được khởi công.

Tuy nhiên sau khi khởi công, dự án vẫn vướng mắc rất nhiều khó khăn, làm chậm quá trình thi công. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng vẫn là vướng mắc lớn nhất.

Cụ thể, tháng 3/2023, chủ đầu tư ACV cho biết đã nhận bàn giao hơn 8 ha nhưng không thể triển khai được hết diện tích do công tác phá dỡ các công trình trên đất vẫn chưa thực hiện được. Ngoài ra, tiến độ bàn giao mặt bằng đợt 2 còn chậm do các đơn vị chưa hoàn thành phương án đền bù. Một khó khăn khác là công tác thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy chưa hoàn thành ảnh hưởng lớn đến tiến độ đấu thầu phần thân công trình.

Nỗi ám ảnh ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (bài 2): Nỗ lực giải quyết bài toán quá tải- Ảnh 5.

Người lao động nỗ lực làm việc trên công trường nhà ga T3. Ảnh: Gia Linh

Trước tình hình trên, trong nhiều cuộc họp với các đơn vị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu phải có giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ.

Để giải quyết, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị UBND TP.HCM, Quân chủng Phòng không - Không quân sớm di dời các công trình trên phần diện tích đã bàn giao. Đồng thời, UBND TP.HCM được đề nghị sớm chỉ đạo khẩn trương trình phương án đền bù, chi trả tiền bồi thường cho Quân chủng Phòng không không quân để sớm bàn giao mặt bằng còn lại cho dự án.

Nhận được sự chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư dự án ACV và các nhà thầu đã liên tục cập nhật tiến độ, kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc để các cấp lãnh đạo nắm tình hình và chỉ đạo gỡ vướng.

Nhờ sự đồng lòng, quyết liệt, nỗ lực từ Chính phủ cho đến Bộ Giao thông Vận tải cùng sự phối hợp giữa các đơn vị, các khó khăn vướng mắc để triển khai dự án nhà ga T3 dần được tháo gỡ. Từ đó, dự án có thể thuận lợi thi công, sớm hoàn thành mục tiêu giải toả áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất gồm 3 hạng mục chính: Nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn trước nhà ga và sân đỗ máy bay.

Đại diện chủ đầu tư dự án cho hay nhà ga T3 khi xây dựng hoàn thành sẽ là nhà ga hành khách quốc nội có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 khách/giờ cao điểm.

Công trình do 6 nhà thầu thực hiện, bao gồm: Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Hà Nội (Hancorp); Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 (CC1); Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng); Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng RICONS; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Lưu Nguyễn.