Nỗi ám ảnh ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (bài 1): Bao giờ chấm dứt?

Gia Linh Thứ hai, ngày 24/06/2024 16:30 PM (GMT+7)
Việc xây thêm nhà ga tại sân bay Tân Sơn Nhất góp phần giảm giải hành khách cho 2 nhà ga hiện hữu đang quá tải hạ tầng.
Bình luận 0

Nhiều năm qua, khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất luôn là điểm nóng về giao thông. Hình ảnh dòng người cùng các phương tiện "chôn chân" hàng giờ liền trở nên quá quen thuộc đến ngán ngẩm trong các dịp cao điểm.

Bên trong sân bay Tân Sơn Nhất, 2 nhà ga (T1 và T2) đang quá tải là nguyên nhân chính khiến bên ngoài ùn ứ. Và, nhà ga T3 đang được triển khai thi công thần tốc, hứa hẹn hoàn tất trước kế hoạch đề ra 2 tháng như một dấu son của công trình xây dựng trọng điểm ngành GTVT.

Thường xuyên ùn tắc quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất

Đường Trường Sơn (quận Tân Bình) - tuyến đường chính trực tiếp dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên ùn tắc vì phải "gồng gánh" lượng phương tiện đông đúc. Ngoài ra, các trục đường nhánh, đường kết nối sân bay như Hồng Hà, Bạch Đằng, Phổ Quang, Hoàng Minh Giám, Cộng Hoà… cũng thường tê liệt vì quá tải.

Khu vực trên trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Mỗi dịp cuối tuần hoặc lễ Tết, điệp khúc ùn tắc lại tái diễn. Cảnh tượng hàng ngàn người cùng các phương tiện chen nhau, tiếng còi xe inh ỏi giữa khói bụi trở thành "món quen" đầy ngán ngẩm của người dân khi qua cửa ngõ sân bay.

Nỗi ám ảnh ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (bài 1): Bao giờ chấm dứt?- Ảnh 1.

Khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất là điểm nóng về giao thông. Ảnh: Gia Linh

Điều đáng nói, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ ùn tắc các tuyến đường bên ngoài mà phía bên trong sân bay cũng lâm vào cảnh quá tải nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc điều hành, Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết đơn vị đang khai thác một nhà ga hành khách quốc nội (nhà ga T1) và một nhà ga hành khách quốc tế (nhà ga T2).

Trong đó, nhà ga hành khách quốc nội sau nhiều lần cải tạo, mở rộng có công suất thiết kế là 15 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, số lượng hành khách quốc nội hiện nay đang khai thác hơn 26 triệu hành khách/năm, quá tải hơn 1,7 lần so với công suất thiết kế. Lượng khách tăng mạnh khiến sân bay quá tải từ trên trời, dưới đất.

Nỗi ám ảnh ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (bài 1): Bao giờ chấm dứt?- Ảnh 3.

Nhà ga quốc nội T1 sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải, vượt gần 2 lần công suất thiết kế. Ảnh: Gia Linh

Hạ tầng không phục vụ nổi nên vào các dịp cao điểm lễ, Tết sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên ùn tắc. Điều này khiến hành khách phải xếp hàng, chờ đợi rất lâu để được làm thủ tục, soi chiếu an ninh. Ngoài ra, quá tải hạ tầng cũng gây ra việc chậm trả hành lý khiến nhiều người mệt mỏi vì phải đợi chờ sau các chuyến bay.

Nỗ lực tìm nhiều giáp pháp cải tạo

Trước tình thế trên, việc tìm giải pháp gỡ thế ùn tắc cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất được xem là cấp bách. Lãnh đạo TP.HCM cùng các sở, ngành, chuyên gia… thường xuyên họp bàn tìm phương án. Nhiều phương án gỡ ùn tắc cho cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất được bàn luận, triển khai nhưng không giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Các chuyên gia từng đề xuất nhiều giải pháp như làm cầu vượt, cải tạo và mở rộng đường khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, công trình cầu vượt khi hoàn thành, đường được mở rộng xong phát sinh điểm kẹt xe mới.

Nỗi ám ảnh ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (bài 1): Bao giờ chấm dứt?- Ảnh 4.

Việc tìm giải pháp gỡ thế ách tắc cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất được đánh giá rất cấp bách. Ảnh: Gia Linh

Đơn cử, cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) thi công xong đã giải toả được tình trạng ùn tắc tại nút giao này, tuy nhiên lại khiến lưu lượng đổ về đường Bạch Đằng theo hướng di chuyển vào sân bay Tân Sơn Nhất gia tăng. Điều này khiến đường Bạch Đằng thường xuyên ùn tắc vào các khung giờ cao điểm.

Ngoài ra, một số giải pháp như cấm xe tải theo giờ, cấm xe rẽ vào các đường nhánh trên trục đường Trường Sơn… cũng đã được triển khai. Tuy nhiên, đa số các giải pháp này đều không giúp giảm thiểu đáng kể tình trạng ùn tắc mà ngược lại còn ảnh hưởng hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp. Nguyên nhân vì các tuyến đường xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất tập trung các nhiều kho hàng của các công ty vận tải.

Bên cạnh đó, phía bên trong khu vực nhà ga, đơn vị quản lý cảng, các hãng bay, đơn vị phục vụ mặt đất… đã triển khai nhiều phương án ứng phó trong các dịp cao điểm để hạn chế ùn tắc. Bao gồm phân luồng hành khách, khai thác tối đa các cổng soi chiếu an ninh, khuyến khích check in online hoặc tăng cường thêm nhân lực… Tuy nhiên, đây chỉ là các giải pháp tạm thời. Cả bộ máy vận hành vẫn đang "gồng gánh" trước sức ép của việc quá tải.

Nỗi ám ảnh ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (bài 1): Bao giờ chấm dứt?- Ảnh 5.

Nhà ga quá tải khiến cả bộ máy phục vụ hành khách đang phải căng mình "gồng gánh". Ảnh: Gia Linh

Tăng công suất sân bay Tân Sơn Nhất trong giai đoạn sắp tới là giải pháp chống ùn ứ trong và ngoài khu vực sân bay được nhiều chuyên gia nêu ra.

"Việc điều chỉnh quy hoạch để mở rộng, tăng công suất sân bay Tân Sơn Nhất đã rất cấp bách. Trong đó, giải pháp căn cơ nhất là đưa thêm công trình nhà ga mới vào khai thác để góp phần giảm tải áp lực hành khách bên trong và ngoài khu vực sân bay này", TS Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem