Ngày 25/6, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, theo số liệu ước tính từ đầu năm đến cuối tháng 6, khối lượng thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố là gần 1,8 triệu tấn, trung bình khoảng 9.700 tấn/ngày.
Theo cơ quan này, TP.HCM đang đẩy nhanh việc kêu gọi đầu tư và chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn. Các đơn vị được yêu cầu tăng tốc, hiện Công ty Vietstar đang lập thủ tục xin giấy phép xây dựng.
Thành phố cũng kiến nghị cấp thẩm quyền hỗ trợ các dự án quy hoạch điện và báo cáo tiến độ các dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Các chủ đầu tư được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ và phối hợp với Sở Công Thương về thủ tục pháp lý quy hoạch điện.
Trước đó, tháng 8/2019, tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi), nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên được khởi công bởi Công ty Vietstar với tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD. Nhà máy dự kiến vận hành giai đoạn 1 vào năm 2020, xử lý 2.000 tấn rác/ngày; đến năm 2021, công suất xử lý đạt 4.000 tấn/ngày.
Hai tháng sau, Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa tổ chức lễ khởi công nhà máy xử lý và tái chế chất thải rắn Củ Chi.
Nhà máy có tổng diện tích 20ha, trong đó, phần xây nhà máy đốt rác phát điện 8ha, xử lý đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày, công suất phát điện 40 MW/ngày, tổng vốn đầu tư 5.000 tỉ đồng. Sau đó, dự án có thể nâng công suất xử lý lên tới 5.000 tấn/ngày và công suất phát điện lên 60 MW/ngày.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, các dự án vẫn chưa đi vào hoạt động theo kế hoạch. Trong đó, 2 dự án đốt rác phát điện trên chưa được đưa vào danh mục các nguồn điện sản xuất từ rác trong kế hoạch triển khai quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, dự án chuyển đổi công nghệ của Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa chỉ có thể hoàn thành vào giai đoạn cuối năm 2025 trong trường hợp 2 công ty nỗ lực hoàn thiện toàn bộ thủ tục pháp lý dự án và triển khai xây dựng nhà máy, lắp đặt thiết bị trong thời gian rút ngắn từ 18 đến 24 tháng.
Nếu 2 nhà máy hoàn thành vào cuối năm 2025 thì xử lý được khoảng 4.000 tấn rác/ngày bằng công nghệ đốt rác phát điện.