Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa thông báo chấm dứt hoạt động phòng giao dịch Nhà Bè - Chi nhánh Tân Phú, từ ngày 25/6. Phòng giao dịch có địa chỉ tại 1960 Huỳnh Tấn Phát, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè.
Đây là phòng giao dịch mới nhất tại TP.HCM được SCB thông báo giải thể. Chỉ trong vòng 1 tháng qua, hàng loạt phòng giao dịch SCB tại TP.HCM đã ngưng hoạt động.
Ngày 18/6, SCB cho biết chấm dứt hoạt động 5 phòng giao dịch, trong đó có 1 phòng giao dịch tại TP.HCM là phòng giao dịch Gò Vấp - Chi nhánh Hóc Môn. Phòng giao dịch này có địa chỉ tại 624 - 626 Quang Trung, quận Gò Vấp, chấm dứt hoạt động từ ngày 21/6.
Tại thông báo ngày 12/6, SCB cho biết sẽ giải thể đến 6 phòng giao dịch tại TP.HCM. Theo đó, phòng giao dịch Nguyễn Thái Sơn - chi nhánh Gia Định, phòng giao dịch Tây Thạnh - chi nhánh Tân Bình, phòng giao dịch Lê Quang Định - chi nhánh Gia Định, phòng giao dịch quận 2 - chi nhánh Bến Thành đồng loạt đóng cửa từ ngày 18/6.
2 phòng giao dịch còn lại là phòng giao dịch Võ Văn Ngân - chi nhánh Đông Sài Gòn và phòng giao dịch Trần Não - chi nhánh Bến Thành đóng cửa từ từ ngày 14 - 15/6.
Trong nửa cuối tháng 5 vừa qua, SCB cũng đã đóng 4 phòng giao dịch tại TP.HCM là phòng giao dịch Thủ Đức - chi nhánh Đông Sài Gòn, phòng giao dịch Tân Sơn Nhì - chi nhánh Tân Bình, phòng giao dịch Phú Mỹ Hưng - chi nhánh 20/10, phòng giao dịch Tây Sài Gòn - chi nhánh Củ Chi.
Chỉ trong vòng khoảng 1 tháng, SCB đã đóng cửa 12 phòng giao dịch tại TP.HCM.
Cùng với TP.HCM, nhiều phòng giao dịch của SCB tại các tỉnh thành cũng được ngân hàng này thông báo giải thể.
SCB khẳng định việc chấm dứt hoạt động của các phòng giao dịch không ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng. Đồng thời, mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch khác của ngân hàng SCB.
Theo ghi nhận trên thị trường, hiện một số phòng giao dịch của SCB đã được rao cho thuê lại.
Ngày 15/10/2022, Ngân hàng Nhà nước đã công bố quyết định kiểm soát đặc biệt SCB để ổn định hoạt động của ngân hàng này sau vụ án liên quan bà Trương Mỹ Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.