“Bữa cơm trưa” quyết định lừa đảo 35.000 người nhằm cứu SCB của Trương Mỹ Lan
“Bữa cơm trưa” quyết định lừa đảo 35.000 người nhằm cứu SCB của Trương Mỹ Lan
Gia Bình
Thứ năm, ngày 06/06/2024 11:57 AM (GMT+7)
Trong bữa cơm trưa tại trụ sở Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan quyết định phát hành trái phiếu nhằm có tiền cứu SCB. Hậu quả, hơn 35.000 nhà đầu tư bị nhóm này chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra mới ban hành, Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát, bị đề nghị truy tố về các hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền" và "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".
Ở hành vi lừa đảo, cảnh sát xác định từ 2018 – 2020, bà Lan cùng đồng phạm phát hành 25 gói trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo, hiện mất khả năng thanh toán của 4 pháp nhân. Số này gồm Công ty Bất động sản An Đông, Công ty Đầu tư An Thuận, Công ty Sunny World và Công ty Dịch vụ Thương Mại TP.HCM.
Tổng giá trị 25 gói trái phiếu này là hơn 30.869 tỷ đồng, đến nay còn dư nợ hơn 30.081 tỷ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư.
Trương Mỹ Lan thừa nhận phát hành trái phiếu khống để cứu SCB.
Gia đoạn điều tra, Trương Mỹ Lan khai lý do phát hành trái phiếu vì được báo cáo SCB phải chịu áp lực trả lãi cho người dân, trả nợ còn tồn từ khoản 133.000 tỷ khi hợp nhất 3 ngân hàng vào năm 2012…
Cấp dưới đề nghị bà Lan cho dùng Công ty An Đông và các doanh nghiệp thuộc Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu, lấy tiền giúp SCB xử lý các khoản nợ, vượt qua giai đoạn khó khăn.
Trương Mỹ Lan sau đó tổ chức một bữa cơm trưa tại trụ sở Vạn Thịnh Phát. Khách mời gồm ông Đinh Văn Thành, cựu Chủ tịch SCB; Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc SCB; Nguyễn Phương Hồng, cựu Phó tổng SCB và Nguyễn Tiến Thành, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SVSI.
Bà Lan khai tại bữa cơm này đã ra chủ trương cho mượn Công ty An Đông để phát hành trái phiếu, giao các cá nhân "chủ động nghiên cứu, thực hiện".
Bà Lan thừa nhận việc này là trái quy định của pháp luật vì không dùng tiền bán trái phiếu để đầu tư, sản xuất, tạo nguồn thu trả nợ cho trái chủ mà dùng để xử lý khủng hoảng tài chính của SCB.
Theo điều tra, hành vi phạm tội của nhóm bà Lan bắt đầu bằng việc thành lập các công ty ma, không hoạt động, thuê người thành lập công ty, ký khống tài liệu… nhằm phục vụ các hoạt động tài chính của Vạn Thịnh Phát.
Tính đến tháng 10/2022, tập đoàn Vạn Thịnh Phát có tới 1.460 công ty (gồm 46 công ty nước ngoài) và gần 1.800 người để đứng tên doanh nghiệp, đứng tên các khoản vay.
Trong số các doanh nghiệp thuộc Vạn Thịnh Phát, có 656 công ty vay tiền của SCB, hiện 435 công ty còn dư nợ, đều thuộc nhóm 5 (không có khả năng thu hồi); 85 công ty được dùng để chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và 63 công ty dùng để nhận tiền từ nước ngoài chuyển về.
Có đủ các pháp nhân, nhóm Trương Mỹ Lan quyết định phát hành 25 gói trái phiếu từ năm 2018, tổng trị giá 30.869 tỷ đồng. Việc phát hành được thông qua Công ty Chứng khoán TVSI và nhân viên ngân hàng SCB.
Khi tiền bán trái phiếu được chuyển về, các bị can trong vụ thực hiện rút tiền mặt, đưa trực tiếp về nhà riêng của Trương Mỹ Lan hoặc cho một số cá nhân thuộc SCB quản lý. Một cách "tiêu tiền" khác là cho các cá nhân thuê đứng tên ký chứng từ rút tiền mặt sau đó nộp vào những tài khoản chỉ định rồi chuyển cho nhiều bên.
Qua đây, Trương Mỹ Lan và đồng phạm che giấu được dòng tiền thu từ việc phát hành trái phiếu.
Về trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), cảnh sát cho rằng không có căn cứ, tài liệu thể hiện nhóm Trương Mỹ Lan "thông đồng, móc ngoặc" với người của 2 đơn vị này trong quá trình phát hành trái phiếu, lừa đảo. Do vậy, phía điều tra không xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan thuộc 2 đơn vị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.