Thưa bà, ngày 11/5/2024, Nghị quyết 69/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, nêu rõ vai trò của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc tạo điều kiện, phát huy tinh thần học hỏi của nông dân trong việc xây dựng văn hóa sản xuất/tiêu dùng trong nông nghiệp. Thứ trưởng đánh giá thế nào về tính cấp thiết của Nghị quyết này?
- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Nghị quyết số 69/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới là một Nghị quyết có tính cấp thiết, gắn với việc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về "Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh", Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Thông qua Nghị quyết này sẽ góp phần tích cực vào đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ hội đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn và hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, đáp ứng mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh, hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị.
Nhờ các chủ trương, chính sách kịp thời này mà trong thời gian vừa qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã bước đầu có sự phát triển nhất định, mang lại sắc thái mới, sức sống mới. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đã phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách, nâng cao tính tự chủ, tự hào của các chủ thể cộng đồng địa phương. Cuộc sống ở nhiều thôn bản, làng quê văn minh hơn, giàu có hơn nhờ làm du lịch nông nghiệp cộng đồng. Nhiều nông, lâm, thủy sản, ngành nghề truyền thống, sản phẩm OCOP đã trở thành đặc sản địa phương và gia tăng thêm giá trị cũng nhờ vào phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, làm hồi sinh và phát huy nhiều ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn.
Việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn không chỉ mang lại những trải nghiệm độc đáo, mới lạ cho khách du lịch, mà còn giúp khai thác các giá trị kinh tế đầy tiềm năng từ nông thôn, nông nghiệp, mở ra hướng mới cho tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cải thiện cơ sở hạ tầng, mang lại lợi ích bền vững hơn cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.
Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị là một chủ trương chính sách cần thiết, góp phần giải quyết những vấn đề của thực trạng của nền văn hóa sản xuất/tiêu dùng tại nhiều vùng nông thôn ở Việt Nam trong những năm vừa qua còn tồn tại nhiều hạn chế như: Tính ứng phó ngắn hạn, thiếu tầm nhìn và tư duy bền vững; các mô hình triển khai chưa thực sự đa dạng, sáng tạo, chưa huy động tối đa được sự tham gia, gắn kết và thu hút các nguồn lực đa dạng từ cộng đồng cư dân địa phương.
Hiện nay, văn hóa đã dần hình thành trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhận định: "Để xây dựng văn hoá tiêu dùng Việt Nam, rất cần có chiến lược và mục tiêu cụ thể". Xin Thứ trưởng cho biết, những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những hành động gì nhằm xây dựng văn hóa tiêu dùng trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp?
- Đúng là công cuộc xây dựng văn hoá tiêu dùng Việt Nam cần phải có chiến lược lâu dài cũng như đặt ra các yêu cầu và mục tiêu cụ thể, đặc biệt là xây dựng văn hóa sản xuất, tiêu dùng trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Để thành công, chúng ta cần có một chiến lược cạnh tranh với các nước để giành ưu thế, trước hết ngay trên sân nhà của mình.
Những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có một số định hướng cũng như hành động thiết thực góp phần xây dựng văn hóa sản xuất, tiêu dùng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Cụ thể là:
Về chủ trương, khi văn hóa hòa vào đời sống sản xuất, bản thân giá trị sản phẩm ấy là thành quả của văn hóa. Chính vì vậy phải làm cho văn hóa kết tinh vào từng sản phẩm nông nghiệp - không chỉ là sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, có sức cạnh tranh cao, được thị trường chấp nhận, mà còn là những câu chuyện, giai thoại, và cả những giá trị văn hóa để người tiêu dùng còn cảm thụ bằng thính giác, thị giác và trên hết là cảm xúc đối với từng sản phẩm.
Về thực hiện, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hoá, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (chủ trì) triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 11/5/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW, Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 33-KH/BCSĐ ngày 20/5/2024 triển khai thực hiện, mục đích là quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 46-NQ/TW và Nghị quyết số 69/NQ-CP.
Ngày 1/6/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký kết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chương trình phối hợp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024 - 2030 nhằm phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng của hai Ngành, thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng bao trùm, đa giá trị, hiệu quả và bền vững. Nội dung phối hợp chính là tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp số 01/CTPH- BNN&PTNT-BVHTTDL ngày 20/11/2020 giữa hai Bộ phát triển du lịch nông thôn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Để xây dựng văn hóa sản xuất, tiêu dùng trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cần có một tầm nhìn chiến lược và những giải pháp tích cực, mạnh mẽ, sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều Ban, Bộ, Ngành. Trên thực tế hiện nay đã xuất hiện các mô hình du lịch nông thôn, nông nghiệp ở nhiều địa phương trên cả nước. Ví dụ: Đà Lạt (Lâm Đồng) đã hình thành nhiều famstay chất lượng, hay Làng du lịch sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên) đã vinh dự nhận giải thưởng "Làng du lịch tốt nhất" của Tổ chức Du lịch Thế giới. Hệ thống Mekong Rustic ở Tiền Giang, Cần Thơ, Ninh Bình; du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn đã tạo thu nhập ổn định cho những hộ dân đồng hành cùng mình. Trong những mùa cao điểm, mỗi tháng, hộ tham gia có thu nhập trung bình từ 15 đến 20 triệu đồng. Có thể nói, du lịch nông thôn thực sự đã tạo ra công ăn việc làm, thay đổi tư duy của người dân, giúp họ cải thiện kinh tế gia đình, góp phần phát triển quê hương, làng, xã ngày càng văn minh, giàu đẹp, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Tôi tin rằng, với chủ trương đúng đắn, hành động kịp thời, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự cần cù, nhậy bén, sáng tạo của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tương lai, việc xây dựng văn hóa sản xuất, tiêu dùng trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sẽ đạt nhiều kết quả tích cực hơn nữa.
Sự phát triển của khoa học công nghệ, mạng xã hội cũng đang đặt ra không ít vấn đề trong việc giữ gìn bản sắc của nông thôn Việt Nam. Thực trạng những năm qua cho thấy không ít tệ nạn xã hội nảy sinh. Theo Thứ trưởng, ngành Văn hóa cần làm gì để góp phần giữ gìn những nét đẹp trong văn hóa ứng xử, nếp sống tại làng quê Việt Nam?
- Sự phát triển của khoa học công nghệ và mạng xã hội đã mang đến nhiều lợi ích to lớn cho xã hội, nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của nông thôn Việt Nam.
Thực trạng những năm qua cho thấy, bên cạnh những thay đổi tích cực, đời sống xã hội cũng đã xuất hiện nhiều mặt trái, không ít tệ nạn xã hội nảy sinh như: Sự lan truyền, phổ biến của các thông tin, sản phẩm không lành mạnh; lối sống ảo thiếu kiểm soát, sự xa rời các giá trị truyền thống; lừa đảo, cờ bạc, giang hồ mạng…. Một số vụ việc xảy ra cho thấy sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử của một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ với lối hành xử "dị thường", lệch chuẩn, đã và đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến nếp sống văn minh mà cộng đồng dày công vun đắp.
Để góp phần giữ gìn những nét đẹp trong văn hóa ứng xử, nếp sống tại làng quê Việt Nam, ngành Văn hóa xác định Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục là Phong trào nòng cốt, cùng với các phong trào thi đua yêu nước khác nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển con người Việt Nam phát triển toàn diện, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc; phối hợp với các địa phương theo dõi, khảo sát, đánh giá phong trào văn hoá trên cả nước, từ đó tổng kết, hoàn thiện cơ chế, chính sách và nhân rộng mô hình xây dựng đời sống văn hoá phù hợp với đặc trưng, bản sắc ở từng địa bàn, vùng, miền; phối hợp với Hội Khuyến học, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… trong tập hợp lực lượng, phát động và thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hoá.
Ngành cũng phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức các chương trình, chuyên mục truyền thông về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; với các Ban, Bộ, Ngành Trung ương hướng dẫn các địa phương hằng năm tổ chức các hoạt động truyền thông trọng điểm nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày Thế giới xoá bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái 25/11…
Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025" nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nam, nữ thanh niên về trách nhiệm xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; ký kết "Chương trình phối hợp với Hội Người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2022-2026" gồm 9 nội dung, trong đó có nội dung "phát huy vai trò người cao tuổi trong giáo dục, gìn giữ và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống; giáo dục văn hóa ứng xử và xây dựng gia đình hạnh phúc"…
Một số giải pháp khác cũng đã và đang được ngành Văn hóa triển khai thực hiện như: Chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; phát huy vai trò của cộng đồng trong giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, kiến trúc truyền thống; phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng -hình thức quan trọng để giới thiệu và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống cũng như giúp cộng đồng nhận thức lại về giá trị văn hóa của chính bản thân cộng đồng mình; khuyến khích, tạo điều kiện để các nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ và những người yêu văn hóa sáng tạo các tác phẩm mới dựa trên nền tảng các giá trị truyền thống, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân, truyền tải các giá trị văn hóa truyền thống một cách sinh động và hấp dẫn hơn…
Nông thôn Việt Nam cũng đang là nơi lưu giữ những di sản văn hóa của dân tộc. Thống kê của Cục Di sản văn hóa, Việt Nam hiện có khoảng 3.560 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, hơn 360 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đa phần di sản này đều gắn với nông thôn theo các chiều cạnh khác nhau. Việc bảo tồn những di sản này trong quá trình nông thôn mới có gặp nhiều khó khăn, thưa bà?
- Trong bối cảnh phát triển về kinh tế, xã hội và văn hóa diễn ra mạnh mẽ ở cả khu vực nông thôn và thành thị, sự thay đổi, đổi mới ở nông thôn đã đem lại những thành quả hết sức tích cực cho đời sống của các cộng đồng sinh sống ở khu vực nông thôn. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị, góp phần quan trọng vào đời sống văn hóa, xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng, quốc gia dân tộc.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 571 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mà phần lớn các di sản có phạm vi phân bố và lan tỏa ở khu vực nông thôn. Bàn về những thuận lợi hay khó khăn trong việc bảo vệ những di sản này trong quá trình nông thôn mới cần trước hết đặt trong bối cảnh:
- Chương trình mục tiêu quốc gia (về xây dựng nông thôn mới (NTM) được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã trở thành phong trào của cả nước, các nhiệm vụ về xây dựng NTM được xác định trong nghị quyết đại hội Đảng các cấp từ tỉnh đến huyện và xã.
- Bộ tiêu chí NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu bao gồm cả các tiêu chí về phát triển nghề truyền thống; bảo tồn, phát huy các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân gian truyền thống của địa phương; bảo vệ, giữ gìn di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh.
- Nhu cầu thực tiễn trong việc phát huy tổng hợp các giá trị di sản văn hóa trong xây dựng NTM bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường.
Trong quá trình đạt được các tiêu chí nông thôn mới nói trên, các di sản văn hóa đối diện với các thách thức ở nhiều khía cạnh:
(1). Không gian văn hóa một mặt trở nên khang trang, sạch đẹp nhưng mặt khác, bị biến đổi về cấu trúc và phạm vi bị thu hẹp;
(2). Cộng đồng chủ thể văn hóa được tham gia rộng rãi và hỗ trợ trong nhiều thực hành liên quan, nhưng lại bị gạt bỏ dần khỏi các nghi thức chính;
(3). Thực hành văn hóa được quan tâm đầu tư và truyền thông, nhưng lại bị hành chính hóa và bị khai thác, biến đổi theo nhu cầu du khách và chính quyền;
(4). Chức năng xã hội của các biểu đạt văn hóa được mở rộng, phục vụ nhiều hơn cho đa dạng các đối tượng công chúng, điều đó cũng có nghĩa chức năng của di sản bị biến đổi, có thêm những chức năng phái sinh không phục vụ cho chính cộng đồng (nghi lễ linh thiêng thành dịch vụ giải trí);
(5). Thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng nhưng lại chưa phù hợp nhu cầu sử dụng của cộng đồng nên một số bị bỏ phí;
(6). Cơ sở tín ngưỡng được tu bổ, tôn tạo nhưng lại bị thay đổi chức năng và bị "đồng phục" hóa nên phai nhạt bản sắc.
Nguyên nhân chính của những khó khăn trong bảo vệ di sản văn hóa gắn với phát triển nông thôn mới phải kể đến như: Chưa có sự hiểu biết đầy đủ, toàn diện về cơ cấu, tổ chức, hoạt động và vận hành của làng xã, thôn bản, buôn plei...; Chưa nhận định đầy đủ về cơ cấu, thành phần và tâm lý tộc người ở mỗi vùng văn hóa; Chưa nhận diện đầy đủ sức sống, giá trị, chức năng, vai trò của di sản và của văn hóa truyền thống với từng cộng đồng người; Chưa đánh giá đầy đủ tác động tới di sản văn hóa, đa dạng văn hóa, truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa và cộng đồng sở hữu văn hóa khi áp dụng các bộ tiêu chí NTM; Chưa tiếp cận tổng thể cuộc sống của cộng đồng cùng điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá chính trị và sự tương tác của họ với môi trường và bối cảnh sống.
Do đó, để bảo vệ hiệu quả di sản văn hóa trong quá trình nông thôn mới, cần khuyến khích và tạo điều kiện để thực hiện các phương pháp truyền thống của cộng đồng trong việc trao truyền di sản, cho dù bối cảnh xã hội thay đổi; cùng với đó, cần phối hợp với cộng đồng để đồng thực hiện các chính sách về di sản và nông thôn mới, về nguồn lực phát huy di sản văn hóa, thúc đẩy những thay đổi xã hội có lợi cho nông thôn mới và cho cộng đồng.
Cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng!