Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cuộc đối thoại tuần này đề cập đến an ninh kinh tế, chất bán dẫn, môi trường đầu tư, nền kinh tế kỹ thuật số, không gian mạng, năng lượng và các khoáng sản quan trọng. Đối thoại diễn ra trong bối cảnh hai nước đã nâng cấp quan hệ lên "đối tác chiến lược toàn diện" tháng 9/2023.
"Chúng tôi tin rằng mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn bền chặt như từ trước đến nay" - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ về Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường Jose Fernandez nói.
Ông phát biểu trong phiên khai mạc rằng thương mại Mỹ - Việt hiện trị giá 124 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 9 của Hoa Kỳ.
Phát biểu với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng, ông Fernandez cho biết doanh nghiệp Mỹ "rất hào hứng" về Việt Nam nhưng nói thêm: "Chúng tôi phải lưu ý rằng mặc dù các nhà đầu tư đang lạc quan về Việt Nam nhưng chúng tôi muốn đảm bảo rằng họ có môi trường pháp lý và ra quyết định mà họ cần để tiếp tục mở rộng hoạt động ở quốc gia của các vị".
Vào tháng 1, trong chuyến thăm Việt Nam, ông Fernandez cho biết, 15 công ty Mỹ, bao gồm cả các công ty bán dẫn, đã bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư 8 tỷ USD vào Việt Nam vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch.
Việt Nam muốn thu hút các nhà sản xuất chip và thúc đẩy lĩnh vực năng lượng tái tạo nhưng vẫn còn một số khó khăn về pháp lý.
Trước ngày 26 /7 tới Mỹ sẽ quyết định có công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường hay không, điều này sẽ giúp giảm thuế chống bán phá giá trừng phạt đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam.
Hà Nội đã cảnh báo việc duy trì tình trạng nền kinh tế phi thị trường sẽ rất có hại cho quan hệ song phương.