Giá tranh đi ngang
Vài năm trước, thị trường tranh Đông Dương sôi động loạt tranh trị giá triệu USD liên tục được gõ búa thành công. Năm 2022, tranh Đông Dương tạo tiếng vang lớn trên sàn đấu giá quốc tế tác phẩm Dáng hình trong vườn của danh họa Lê Phổ bán giá 2,29 triệu USD (hơn 53 tỷ đồng). Năm 2023, bức Gia đình trong vườn cũng của Lê Phổ được gõ búa ở mức 2,37 triệu USD (hơn 55 tỷ đồng).
Danh họa Mai Trung Thứ vẫn nắm giữ tác phẩm đắt đỏ nhất. Bức Chân dung cô Phượng được đấu giá hơn 72 tỷ đồng. Theo khảo sát của nhà đấu giá Aguttes (Pháp), tranh của Vũ Cao Đàm, Lê Phổ và Mai Trung Thứ có mức độ tăng trưởng bình quân hằng năm về giá bán lần lượt là 21%, 21% và 26%, tính từ năm 2000-2022.
Tuy nhiên, đến 2023 và bước sang 2024, thị trường tranh Đông Dương có nhiều biến động. Các chuyên gia dự báo khó có mức giá cao như trước. Từ 2019 đến nay, năm nào thị trường cũng có ít nhất một giao dịch được gõ búa triệu USD. Nửa đầu 2024, đến phiên đấu giá bức Người hát dân ca vào đầu tháng 6, tranh Đông Dương mới có tác phẩm trị giá triệu USD. Dịp này, bức tranh lụa Tình mẫu tử của Lê Phổ được bán với giá khiêm tốn 10 tỷ đồng, không quá chênh so với mức ước tính.
Tính xác thực của nhiều tác phẩm bị bỏ ngỏ, tạo ra những lo ngại nhất định. Lý do này khiến thị trường đấu giá tranh Đông Dương ảm đạm hơn trước. Năm 2021, nhà đấu giá Sotheby’s HongKong phải rút bức bình phong mà trước đó họ cho là “tương đương” với bức sơn mài Nhà tranh gốc mít của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ ra khỏi phiên đấu giá. Ngay khi thông tin đấu giá được công bố, con gái của họa sĩ khẳng định, đó là sản phẩm đạo nhái.
Nhà đấu giá này từng chào bán tác phẩm của loạt danh họa Việt như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn. Các họa sĩ trong nước nhanh chóng phản đối, cho rằng đây là bản sao chép, buộc nhà đấu giá rút tranh. Trong phiên đấu giá của Christie’s Hong Kong hồi cuối tháng 5, tác phẩm Chân dung một cô gái của Nguyễn Sáng được gõ búa 176.400 HKD (574 triệu đồng), gây nhiều đồn đoán về tính xác thực của tác phẩm. Ngoài nét vẽ khác lạ, thông tin của nhà đấu giá ghi thời gian sáng tác là năm 1971, trong khi nhiều tư liệu khẳng định bức họa gốc được hoàn thành năm 1978.
Ông Lê Quang, đại diện nhà đấu giá Le Auction House khẳng định, giá tranh Đông Dương một năm nay “đi ngang”, có giảm so với mấy năm trước, nhưng thời gian gần đây có tín hiệu khởi sắc. Hậu Covid-19, kinh tế khó khăn nên không nhiều người sẵn sàng chi trả những khoản tiền khủng trong các phiên đấu giá.
Theo các quy định, quy chế của nhà đấu giá, phía đấu giá không chịu trách nhiệm về tình trạng đồ mới, cũ, thật, giả. “Người mua nếu không có nghề sẽ gặp phải đồ giả ngay. Kể cả thị trường trong nước cũng vậy, thật thật giả giả lẫn lộn, khách hàng phải tự tìm hiểu, hoặc tìm nơi tin cậy để mua. Đa phần thợ nhà nghề mua qua các kênh đấu giá quốc tế, tỷ lệ hàng thật có thể chiếm đến 90%. Tranh nội địa ngược lại, bẫy khắp nơi, cảnh báo khách hàng xuống tiền phải cẩn trọng”, ông Lê Quang chia sẻ.
Cẩn trọng với nạn tranh giả
Tranh Đông Dương ở các sàn đấu giá luôn thu hút sự chú ý rất lớn từ toàn bộ các bên tham gia thị trường, cả phía bán (nghệ sĩ, phòng tranh, sàn đấu giá, người môi giới), bên mua (nhà sưu tập, bảo tàng, quỹ nghệ thuật, giới đầu cơ), nhóm dịch vụ đi kèm (thẩm định, nghiên cứu, giám tuyển, vận chuyển, bảo quản và phục chế, thiết kế triển lãm).
Tranh Đông Dương luôn giữ ngôi đầu trên nhiều sàn đấu giá quốc tế. Cách gọi tranh Đông Dương là ý chỉ những tác phẩm được sáng tác bởi lớp họa sĩ được đào tạo từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Giám tuyển Ace Lê, Giám đốc điều hành Việt Nam của nhà đấu giá Sotheby’s khẳng định, nạn tranh giả đặc biệt nguy hiểm trong thị trường tranh của họa sĩ Việt, bởi hạ tầng cơ sở của giáo dục mỹ thuật và chính sách luật còn thiếu sót. Khi tranh Việt lên giá, các sàn liên tục mở phiên bán. Riêng trong tháng 4 và 5/2021, không dưới 20 phiên trực tuyến ở khắp châu Á, Âu, Mỹ, Úc. Số lượng người có chuyên môn thẩm định tranh Việt ít ỏi cộng với ngôn ngữ giao dịch không phải tiếng Việt khiến nạn tranh giả càng hoành hành.
Từ khi bức Chân dung cô Phượng lập kỷ lục, giới đầu cơ săn lùng tranh Đông Dương ngày càng nhiều hơn. Nếu không cẩn thận, người mới chơi tranh sẽ rất dễ bị mua lầm tranh chép công khai hoặc tinh vi. Có một số bức bị đưa vào diện nghi vấn vì rao bán quay vòng tới vài lần.
“Các bảo tàng lớn đều có bộ phận thẩm định tranh rất gắt gao, ít bị chi phối bởi thị trường. Nhưng những cơ quan thẩm định như vậy còn chưa có ở Việt Nam, nên các chuyên gia nghiên cứu độc lập sẽ đóng một vai trò rất quan trọng. Người mua phải tự biết trang bị những kiến thức, kỹ năng và mối quan hệ cần thiết để đưa ra một số kết luận cơ bản khi mua tranh. Giám định lai lịch, đối chiếu các thông tin về lịch sử mua bán và sở hữu tranh với kho dữ liệu là bước quan trọng để định tính xác thực của tranh. Giấy chứng thực, hóa đơn mua bán, các hình ảnh, video, bài báo hoặc cuốn sách có ghi chú về tranh... là những bằng chứng không thể chối cãi”, ông Ace Lê nói.
Chuyên gia cho rằng, với nhà sưu tập, không có cách nào khác ngoài việc tìm đọc thật nhiều thông tin, tổng hợp thật nhiều văn bản về tác giả và giai đoạn muốn mua tranh. Nếu không có thời gian, cần kết nối và tham khảo ý kiến các chuyên gia liên quan. Họa sĩ, gia đình họa sĩ phải tạo thói quen in giấy chứng thực, chụp ảnh, quay video cùng tranh, lưu lại hết những bằng chứng về sự xuất hiện của tranh trong sách, báo. Việc này rất quan trọng bởi ngay cả nghệ sĩ đương đại cũng bị làm giả tranh rất nhiều.