Theo thông tin từ Vườn Quốc gia Cát Tiên, chỉ riêng nhóm bò sát và lưỡng cư đã ghi nhận Vườn Quốc gia Cát Tiên có tới 109 loài bò sát thuộc 17 họ và phân họ, 4 bộ, trong đó có 18 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như: cá sấu Xiêm, trăn gấm, trăn đen…
Các loài lưỡng cư có 41 loài thuộc 6 họ, 2 bộ trong đó có 3 loài được ghi tên trong sách đỏ Việt Nam như cóc mắt chân dài, cóc rừng, chàng Andecson.
Chính vì vậy, khi du khách đến thăm Vườn Quốc gia Cát Tiên rất có thể bắt gặp một con trăn đang săn mồi, con rắn cườm lơ lửng trên cây. Nếu gặp loài rắn cườm này, các bạn đừng quá hoảng sợ mà hãy giữ một khoảng cách nhất định với chúng.
CLIP: Cận cảnh con rắn cườm được du khách bắt gặp ở Vườn Quốc gia Cát Tiên. Nguồn: Lam Hà/Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Bởi rắn cườm là loài rắn nhỏ không độc, thuộc họ rắn nước, với kích thước bé nhỏ và hoàn toàn vô hại đối với con người. Rắn cườm có dáng vẻ dễ nhận dạng, thường có lớp vảy màu xanh lục nhạt với các viền đen ngang người, phần đầu rõ ràng phân biệt với cổ. Mặc dù đôi khi chúng cũng có màu sắc khác như đỏ, vàng hoặc cam, nhưng không phổ biến.
Thức ăn chính của chúng là thằn lằn, các loài gặm nhấm nhỏ và con cái thường đẻ từ 6 đến 12 trứng.
Rắn cườm có khả năng leo trèo tốt, thậm chí leo lên vách tường thẳng đứng không có điểm bám nên còn gọi là rắn bay. Do đó, chúng thường xuất hiện trên mái nhà và đôi khi còn chui vào máy điều hòa không khí của các hộ gia đình qua đường ống thoát nước.
Rắn cườm không có nọc độc đe dọa sức khỏe của con người. Vết cắn của rắn cườm có thể gây ngứa và sưng đỏ ở một số người nhạy cảm, tương tự như một vết cắn từ côn trùng. Mặc dù không đe dọa tính mạng, nhưng vẫn cần thực hiện biện pháp sơ cứu cơ bản nếu bị rắn cắn, bao gồm rửa vết thương và sử dụng kem chống ngứa nếu cần thiết.
Không chỉ có rắn cườm, ở Vườn quốc gia Cát Tiên còn có 113 loài thú, thuộc 38 họ và 12 bộ. Trong đó có tới 43 loài thú đang bị đe doạ tuyệt chủng trong nước và trên toàn cầu với 38 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam.
Ngoài ra, còn có 18 loài và phân loài thú là đặc hữu cho tiểu vùng địa sinh học Đông Dương và đặc biệt có 3 loài và phân loài là đặc hữu cho Việt Nam là chà vá chân đen, tê giác một sừng Việt Nam và hoẵng Nam bộ.
Tỷ lệ các loài đặc hữu cao đã nâng cao tầm quan trọng của Vườn Quốc gia Cát Tiên đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong nước và trên thế giới.
Nhóm chim gồm 351 loài thuộc 64 họ của 18 bộ. Trong đó có 17 loài quý hiếm đã được phát hiện và có tên trong sách đỏ Việt Nam. Nếu so sánh với cấu trúc thành phần loài của khu hệ chim Việt Nam, thì có thể nói Cát Tiên là một “đất nước thu nhỏ” của các loài chim rừng Việt Nam. Khu hệ chim Việt Nam có 19 bộ thì Cát Tiên có 18 bộ (94,74% tổng số bộ chim Việt Nam), 64 họ chiếm đến 79,01% tổng số họ chim của Việt Nam (81 họ). .
Nhóm côn trùng hiện nay đã ghi nhận được 756 loài thuộc 68 họ, 10 bộ. Riêng các loài bướm đã xác định được 450 loài, chiếm hơn 50% tổng số loài bướm được ghi nhận ở Việt Nam. Các loài quý hiếm có 2 loài là bướm phượng (Sách Đỏ Việt Nam năm 2007) và bướm phượng cánh sau vàng, bướm phượng cánh kiếm…