Điều này đặt ra câu hỏi trong công tác quản lý hoạt động giết mổ của chính quyền các tỉnh, thành trên cả nước.
Tại Hội nghị Kiểm soát giết mổ động vật; góp ý dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y; chương trình giám sát quốc gia về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật, ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y cho biết, hiện ngành thú y chỉ kiểm soát được 17% tổng số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên cả nước.
Tình hình quản lý giết mổ động vật đang đi xuống
Đưa quản lý giết mổ động vật vào khuôn khổ
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, muốn làm tốt kiểm soát giết mổ cần phải thay đổi cách tiếp cận quản lý. Đối với các tỉnh, thành lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng… cần có cách quản lý khác so với các tỉnh ở vùng sâu vùng xa.
"Chúng ta cần thay đổi cách phân loại cơ sở giết mổ. Nếu chỉ phân loại giết mổ nhỏ lẻ và giết mổ tập trung là chưa phù hợp. Một cơ sở giết mổ 3.000 con gà không thể là nhỏ lẻ được. Theo tôi nên chia thành các loại: giết mổ công nghiệp, giết mổ bán công nghiệp quy mô vừa, giết mổ bán công nghiệp quy mô nhỏ và giết mổ hộ gia đình có kiểm soát"- ông Sơn nói thêm.
Tính đến nay, cả nước có 14 tỉnh không tổ chức kiểm soát giết mổ ở các cơ sở nhỏ lẻ. Đặc biệt có 7 tỉnh: Điện Biên, Ninh Bình, Sơn La, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng và Quảng Ngãi không có cơ sở giết mổ tập trung, cũng không có thú y thực hiện kiểm soát giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ và không thực hiện nhiệm vụ kiểm soát giết mổ động vật theo quy định.
Cục trưởng Cục Thú y đánh giá, đây là hệ quả của sự thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, là hành vi coi thường pháp luật của chính quyền các tỉnh, thành phố trên.
Ông Long nêu thực tế, năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024, Thanh tra Sở NNPTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, ATTP đã phát hiện 45 vụ vi phạm, phạt 445.425.000 đồng.
"Cả nước có gần 25.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, 440 cơ sở giết mổ tập trung mà hơn một năm trời, mới phát hiện và xử lý 45 vụ. Đây chắc chắn là không làm, chứ không phải là không làm đến nơi đến chốn. Các chỉ đạo trong xử lý vi phạm cũng rất hời hợt, 45 vụ này đưa ra không thể nào phản ánh đúng thực tế. Chúng ta chẳng cần đi đâu xa, chỉ cần ra các cơ sở giết mổ gần nhà mình sẽ thấy rất rõ thực trạng này" - ông Long cho biết.
Điển hình như trong năm 2023, Cục Thú y cho biết, đã lấy 60 mẫu lau thân thịt lợn để kiểm tra nhiễm khuẩn Salmonella và Enterobacteriaceae. Kết quả cho thấy, có 12 mẫu nhiễm khuẩn Salmonella (20%) và 13 mẫu nhiễm Enterobacteriaceae (21,67%).
Đồng thời, trong 40 mẫu da cổ gà được lấy để phân tích nhiễm khuẩn Salmonella có 1 mẫu nhiễm khuẩn (2,5%). Đối với 20 mẫu nước sử dụng được lấy để kiểm tra nhiễm khuẩn E.coli có 1 mẫu nhiễm khuẩn (5%).
Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, toàn tỉnh có 45 cơ sở cơ sở giết mổ đã được xây dựng, duy trì hoạt động và có sự kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y từ nhiều năm qua.
Số lượng giết mổ hiện nay trung bình toàn tỉnh trong 1 ngày đêm khoảng 221 con trâu, bò; 5.300 con lợn và 67.500 gia cầm. Trên 85% sản phẩm động vật tươi sống sau giết mổ được vận chuyển xuất tỉnh, chủ yếu là về TP.HCM tiêu thụ.
Để phục vụ cho số lượng giết mổ hàng ngày đó, các cơ sở giết mổ phải nhập gia súc, gia cầm từ ngoài tỉnh với tỷ lệ khoảng 70% trâu bò, 80% lợn và 65% gia cầm so với nhu cầu giết mổ, chủ yếu là từ các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ.
Qua phân loại, nhìn chung trong tỉnh Long An, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số (73,3%) và phương thức giết mổ chủ yếu vẫn là giết mổ thủ công/thủ công cải tiến (62,3%). Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao công tác quản lý giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh Long An. Đây là địa phương chịu trách nhiệm quan trọng, trong việc cung cấp các sản phẩm chăn nuôi cho những thị trường lớn như TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Nhìn đâu cũng "vướng"
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở giết mổ đã được xây dựng nhiều năm, theo quy chuẩn kỹ thuật cũ, giết mổ thủ công là chính, nên việc nâng cấp, sửa chữa nhằm đảm bảo điều kiện ATTP, hướng tới giết mổ bán công nghiệp hoặc công nghiệp gặp khó khăn, cần có sự đầu tư kinh phí lớn.
"Với đặc thù công tác kiểm soát giết mổ ở Long An, gắn liền với cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật xuất tỉnh. Số lượng cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sau giết mổ khoảng 400 giấy/ngày; trong khi về cơ bản vẫn đang thực hiện cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, cập nhật và quản lý số liệu bằng hình thức thủ công. Do đó ở một số cơ sở giết mổ, cán bộ thú y đã thiếu người lại phải dành phần lớn thời gian để viết giấy chứng nhận kiểm dịch, không còn nhiều thời gian cho công tác nghiệp vụ chuyên môn để thực hiện đầy đủ quy trình kiểm soát giết mổ" - bà Khanh cho biết.
Đồng quan điểm, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay hệ thống quản lý chuyên ngành thú y các cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh còn mỏng. Đặc biệt là thú y cấp xã còn nhiều địa phương là kiêm nhiệm không đúng chuyên môn, phụ cấp thấp, trong khi đó địa bàn rộng, số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn rất lớn (1.400 cơ sở) nên công tác kiểm soát giết mổ còn rất khó khăn.
Bà Lê Đinh Hà Thanh – Chi cục phó Chi cục Thú y và Chăn nuôi TP.HCM cho biết, thành phố hiện là nơi tiêu thụ sản phẩm động vật lớn nhất cả nước. Hàng ngày, thành phố tiêu thụ khoảng 120 con trâu, bò; 125.000 con gia cầm và 10.000 con lợn. Trong đó nguồn động vật được nuôi trên địa bàn thành phố cung cấp cho thị trường chiếm khoảng 10-15%, còn lại là nguồn động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh đưa về thành phố để giết mổ, kinh doanh, tiêu thụ.
Các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp trên địa bàn TP.HCM hiện vận hành đạt bình quân khoảng 50% công suất thiết kế. Các đơn vị này vẫn đang tích cực chủ động tìm thêm đối tác để hợp tác giết mổ gia súc nhằm đảm bảo công suất giết mổ đạt từ 80 - 100% theo định hướng.
Trong khi đó, đại diện Sở NNPTNT tỉnh An Giang cho biết, giết mổ gia súc, gia cầm là nghề mang tính nhạy cảm, tâm linh, nên rất khó mời gọi đầu tư; cũng như việc khó huy động nguồn vốn để xây dựng cơ sở giết mổ. Hồ sơ thủ tục xin xây dựng cơ sở giết mổ khá phức tạp (chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai và môi trường), phát sinh thêm nhiều chi phí liên quan, nên một số nhà đầu tư có ý bỏ cuộc.