Tối 30/6, Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM phối hợp cùng Sở Văn hóa Thể thao và Sở NNPTNT tổ chức Lễ công bố và trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn năm 2023.
Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, đến nay, toàn thành phố đã công nhận 191 sản phẩm OCOP của 67 chủ thể. Trong đó, 79 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 112 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao.
"Việc triển khai thành công chương trình OCOP sẽ giúp nâng cao thu nhập, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới”, ông Hiệp cho biết.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức trao 43 chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao cho 6 chủ thể. Các đơn vị có sản phẩm OCOP đạt 4 sao gồm: Công ty TNHH Đạt Butter tại (huyện Củ Chi) có 3 sản phẩm; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm ABZ (huyện Bình Chánh) có 1 sản phẩm; Công ty Cổ phần đầu tư Xuất nhập khẩu Phúc Lộc Thọ (huyện Bình Chánh) có 3 sản phẩm; Công ty Cổ phần Quốc tế Hoàng Nam (huyện Nhà Bè) có 14 sản phẩm.
Tại huyện Cần Giờ, Công ty TNHH đầu tư TMDV Yến Đảo Cần Giờ có 17 sản phẩm và Hộ kinh doanh Yến sào Khánh Đan tại huyện Cần Giờ được công nhận 5 sản phẩm 4 sao.
Đại diện Công ty TNHH đầu tư TMDV Yến Đảo Cần Giờ cho biết, 100% tổ yến của công ty được khai thác tại Cần Giờ. Sau khi đạt chứng nhận OCOP 4 sao, sản phẩm yến của công ty được nhiều người biết hơn. Từ đó, không chỉ nâng tầm sản phẩm của riêng công ty, mà còn giúp vùng đất Cần Giờ được nhiều người biết đến hơn.
Ông Trần Đăng Đạt - người sáng lập Công ty TNHH Đạt Butter cho biết, đơn vị này chuyên sản xuất những sản phẩm từ hạt.
“Chúng tôi mong muốn đem lại lợi ích cho người nông dân và sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng. Tính đến nay, chúng tôi có 7 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Tất cả l đều là sản phẩm từ hạt”, ông Đạt cho biết.
Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, Đề án OCOP trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm mới. Thứ nhất, mở rộng phạm vi thực hiện Chương trình OCOP trên toàn thành phố, thay vì chỉ ở các huyện ngoại thành như trước đó. Đồng thời, mở rộng lĩnh vực đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với 6 lĩnh vực, gồm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
“Việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP được mở rộng ra trên địa bàn toàn thành phố, từ đó thu hút nhiều chủ thể tham gia”, ông Hiệp cho biết.
Cũng tại buổi lễ đã diễn ra lễ ký kết mang tính đại diện về hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP giữa các hệ thống phân phối sản phẩm với các chủ thể OCOP.