4 sản phẩm mới được đánh giá, xếp hạng OCOP cấp quốc gia năm 2024, là những sản phẩm nào?

Trang Thảo Thứ ba, ngày 25/06/2024 14:06 PM (GMT+7)
4 sản phẩm mới gồm: Bánh đậu xanh Rồng vàng Hoàng Gia (Hải Dương); Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang); Trái sầu riêng cấp đông (Bến Tre); Gia vị hoàn chỉnh (Thừa Thiên Huế) vừa được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương năm 2024 chấm điểm sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Bình luận 0

Sáng nay (25/6), Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương năm 2024 họp đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia cho nhóm thực phẩm năm 2024 và xem xét công nhận lại sản phẩm OCOP cấp Quốc gia đã được công nhận năm 2020.

Hội đồng đánh giá do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam - Chủ tịch Hội đồng OCOP cấp Trung ương chủ trì, cùng các thành viên Hội đồng OCOP cấp Trung ương, thành viên Tổ tư vấn số 1 (nhóm thực phẩm), đại diện cơ quan quản lý chương trình OCOP cấp tỉnh và một số chủ thể OCOP.

4 sản phẩm mới được đánh giá, xếp hạng OCOP cấp quốc gia năm 2024, là những sản phẩm nào?- Ảnh 1.

Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP quốc gia năm 2024.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết sau hơn 4 năm triển khai, các sản phẩm OCOP đã cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng; có uy tín rộng khắp được người tiêu dùng trong nước và khách quốc tế đánh giá cao.

Mục tiêu ban đầu của Chương trình chỉ là phát triển tại thị trường trong nước, nhưng nhờ chất lượng ngày càng nâng cao, giờ đây các sản phẩm OCOP đã có xu hướng vươn ra thị trường quốc tế, đặc biệt là những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản...

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, năm 2024, Tổ tư vấn số 1 đã hoàn thành công tác đánh giá 55 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, kết quả có 4 sản phẩm đạt trên 90 điểm; 8 sản phẩm đạt từ 87-90 điểm; 3 sản phẩm đạt 85-87 điểm; 6 sản phẩm đạt từ 80-85 điểm; 7 sản phẩm đạt dưới 80 điểm và 25 sản phẩm không đáp ứng yêu cầu tối thiểu phải đạt theo quy định, không đủ hồ sơ theo quy định.

Và đến 20/6/2024, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương đã nhận được hồ sơ đăng ký, đánh giá phân hạng lại của 6/20 sản phẩm đạt OCOP 5 sao năm 2020 gồm: Mắm tôm Lê Gia; Chè tôm nõn Hảo Đạt; Miến dong Tài Hoan; Ngọc trai Akoya, Ngọc trai Tahiti, Ngọc trai Southsea .

4 sản phẩm mới được đánh giá, xếp hạng OCOP cấp quốc gia năm 2024, là những sản phẩm nào?- Ảnh 2.

Vải thiều Bắc Giang được đánh giá, xếp hạng OCOP cấp Quốc gia năm 2024.

Sau khi tiến hành đánh giá, chấm điểm, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương năm 2024 đã lựa chọn ra 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao, gồm: Sản phầm "Bánh đậu xanh Rồng vàng Hoàng Gia" của Công ty CP Hoàng Gia (Hải Dương); Sản phẩm "Vải thiều Lục Ngạn" của HTX sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (Bắc Giang); Sản phẩm "Trái sầu riêng cấp đông" của Công ty TNHH XNK trái câu Chánh Thu (Bến Tre) và sản phẩm "Gia vị hoàn chỉnh" của Công ty TNHH sản xuất và thương mại YesHue (Thừa Thiên Huế).

Ngoài ra, Hội đồng cũng đánh giá lại các sản phẩm OCOP cấp Quốc gia đã được công nhận năm 2020, theo đó có 4 sản phẩm tiếp tục được xếp hạng OCOP 5 sao: Sản phẩm "Mắm tôm Lê Gia" của Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia (Thanh Hóa); Sản phẩm "Miến dong Tài Hoan" của HTX Tài Hoan (Bắc Kạn); Sản phẩm "Chè tôm nõn Hảo Đạt" của HTX chè Hảo Đạt  (Thái Nguyên); và 3 sản phẩm "Ngọc trai Akoya, Ngọc trai Tahiti, Ngọc trai Southsea" của Công ty CP Ngọc trai Hạ Long (Quảng Ninh).

Là đơn vị lần đầu tự tin đưa sản phẩm OCOP của mình để đánh giá OCOP 5 sao cấp Quốc gia, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang cho biết: Bắc Giang địa phương có diện tích trồng vải lớn nhất cả nước, hiện quả vải Bắc Giang đã đến 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Quả vải thiều Bắc Giang đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho bà con nông dân.

Đặc biệt sản phẩm vải thiều tươi được đóng với trọng lượng 1kg của HTX Hồng Xuân, là sản phẩm lâu đời, sản xuất theo quy trình chuẩn VietGAP, GlobalGAP đáp ứng được cả thị trường trong nước và quốc tế. Với chất lượng sản phẩm như vậy chúng tôi tự tin có thể khẳng định sản phẩm vải tươi Bắc Giang đáp ứng thoả mãn yêu cầu của Hội đồng đánh giá, xếp hạng OCOP cấp Quốc gia. 

4 sản phẩm mới được đánh giá, xếp hạng OCOP cấp quốc gia năm 2024, là những sản phẩm nào?- Ảnh 3.

Du khách trong và ngoài nước tham gia hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu về sản phẩm OCOP 5 sao tại Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia (Thanh Hoá).

Chia sẻ về hiệu quả của Chương trình OCOP mang lại, anh Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia, chủ thể sản phẩm mắm tôm Lê Gia đạt OCOP 5 sao cho hay: Chúng tôi may mắn là 12 chủ thể có sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của cả nước, sau hơn 3 năm nhìn lại chúng tôi đã cố gắng nỗ lực để lan toả được sản phẩm OCOP tại cộng đồng địa phương. Cụ thể chúng tôi đã gia tăng được chuỗi giá trị liên kết với bà con nông sản quê nhà, thị trường cũng được mở rộng hơn. Ngoài ra, về cơ sở sản xuất chúng tôi cũng đã mở rộng được nhà máy mới với năng lực sản xuất tăng lên gấp 5 lần và kết hợp với du lịch trải nghiệm. 

"Đặc biệt mô hình du lịch trải nghiệm của Công ty là minh chứng sống cho sự lan toả của Chương trình OCOP vì có một mô hình trải nghiệm gắn với sản phẩm OCOP thì nhiều giá trị được tăng lên, không chỉ giá trị về mặt kinh tế thương mại mà còn lan truyền được văn hoá bản địa, đặc sắc truyền thống của làng nghề chúng tôi", anh Lê Anh chia sẻ thêm.

4 sản phẩm mới được đánh giá, xếp hạng OCOP cấp quốc gia năm 2024, là những sản phẩm nào?- Ảnh 4.

Các sản phẩm OCOP luôn khẳng định giá trị và đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Hiện cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố triển khai áp dụng Bộ tiêu chí để đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, số lượng các sản phẩm OCOP hiện nay đang phát triển rất nhanh, tính đến nay cả nước đã có hơn 11.054 sản phẩm OCOP. Chất lượng các sản phẩm OCOP được nâng cao và cải thiện, từ ứng dụng khoa học công nghệ đến bao bì mẫu mã. Công tác xúc tiến thương mại đã giúp cho các sản phẩm OCOP được tiêu thụ rộng khắp thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Đặc biệt, Chương trình OCOP đã góp phần thúc đẩy phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn và bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống; hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một "đại sứ" chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền.

4 sản phẩm mới được đánh giá, xếp hạng OCOP cấp quốc gia năm 2024, là những sản phẩm nào?- Ảnh 5.

Chè Hảo Đạt (Thái Nguyên), một trong những sản phẩm được được đánh giá lại, tiếp tục đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, hiện các sản phẩm OCOP trình Hội đồng đánh giá, xếp hạng 5 sao mới tập trung nhiều lĩnh vực thực phẩm, còn các lĩnh vực khác rất ít, đặc biệt sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn chưa có sản phẩm nào trình đánh giá 5 sao.

"Vì vậy để đa dạng hoá sản phẩm OCOP nói chung, OCOP cấp Quốc gia nói riêng, đề nghị các đơn vị, nhất là các địa phương, cần tiếp tục chỉ đạo, theo dõi, hỗ trợ chính sách và đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới chủ thể để làm sao có nhiều sản phẩm du lịch đạt OCOP cấp quốc gia", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Theo Bộ NNPTNT, mục tiêu của toàn ngành là phấn đấu đến 2025 cả nước có 10.000 sản phẩm, trong đó có 30% sản phẩm mới. Với 2.000 làng nghề hiện có, mỗi làng nghề phải có 1 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao. Đồng thời, chuyển đổi số cũng phải được xem là mục tiêu các địa phương phải hướng tới nhằm hoàn thiện hệ thống đánh giá phân loại xếp hạng trên cơ sở chuyển đổi số.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem