HĐND TP.Hà Nội sẽ dành trọn 1 ngày để chất vấn về việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan nhà nước thuộc TP.Hà Nội và công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn TP.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp sẽ diễn ra trọn vẹn trong 1 ngày (3/7) và được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội để cử tri và nhân dân theo dõi.
Đáng quan tâm, kỳ họp sẽ xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển của Thủ đô trước mắt và lâu dài, như: Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô; Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội; Quy định về nội dung chi và mức chi từ ngân sách thành phố để thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch…
Đặc biệt, HĐND TP.Hà Nội sẽ xem xét thông qua mức hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 đối với các trường hợp áp dụng hệ số theo quy định của pháp luật làm căn cứ tính: Thu tiền sử dụng đất khi giao đất không thông qua đấu giá, thu tiền sử dụng đất khi tổ chức được công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu tiền sử dụng đất khi bán lại nhà ở xã hội, xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn Hà Nội...
Cũng tại Kỳ họp, HĐND TP xem xét các tờ trình về nội dung và mức chi đặc thù các hoạt động kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô; xem xét và thông qua Đề án về nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xem xét các báo cáo về công tác xét xử của Toà án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hà Nội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 17 của HĐND TP.Hà Nội diễn ra ngay sau thành công của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV với nhiều nội dung rất quan trọng, ý nghĩa đối với TP.Hà Nội như: Cho ý kiến để hoàn chỉnh Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đặc biệt Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô sửa đổi với tỷ lệ thống nhất rất cao.
"Đây là các căn cứ pháp lý rất quan trọng để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển, tạo cơ chế đột phá, huy động tối đa nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh và bền vững", ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội, đây là kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 để xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm và nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.
Theo ông Tuấn, trong 6 tháng qua, kinh tế - xã hội của TP.Hà Nội tiếp tục phát triển, nhiều chỉ tiêu đạt kết quả cao như: GRDP 6 tháng đầu năm ước tăng 6,0%; Thu ngân sách nhà nước ước đạt 252.054 tỷ đồng, bằng 61,7% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 237.747 tỷ đồng, chiếm khoảng 94,3% tổng thu ngân sách nhà nước.
Trong 6 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng 13,7%, trong đó khách quốc tế đạt 3,14 triệu lượt khách, tăng 52,6% so với cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023. Công tác quy hoạch, quản lý, chỉnh trang, phát triển đô thị được đẩy nhanh tiến độ và có nhiều kết quả tích cực. Phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay toàn bộ 18/18 huyện, thị xã và 382/382 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các nhiệm vụ thường xuyên và các nhiệm vụ cho chuẩn bị Quy hoạch Thành phố và Luật Thủ đô sửa đổi, TP.Hà Nội cũng tập trung, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các dự án trọng điểm của TP...