Sáng 1/7, HĐND TP.Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 chính thức khai mạc Kỳ họp thứ 17 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2024) để thực hiện các nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, bà Nguyễn Thị Thanh - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 17 của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội diễn ra ngay sau thành công tốt đẹp của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Tại kỳ họp thứ 7 này, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Trong đó, có 3 nội dung liên quan trực tiếp, đặc biệt quan trọng với Thủ đô Hà Nội, đó là: Quốc hội cho ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và đặc biệt Quốc hội đã xem xét và thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) với tỷ lệ rất cao (95,06%) có ý nghĩa lịch sử với nhiều quy định vượt trội, có tính đột phá nhằm thúc đẩy xây dựng phát triển Thủ đô.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, HĐND TP.Hà Nội tiếp tục quán triệt đầy đủ, triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và của TP.Hà Nội đã ban hành, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2024.
Khẩn trương quán triệt, triển khai thi hành luật Thủ đô sửa đổi và phối hợp với các cơ quan để hoàn thiện 2 quy hoạch quan trọng của thủ đô, trình Thủ tướng ban hành theo thẩm quyền.
Đối với luật Thủ đô sửa đổi, bà Thanh lưu ý Luật này với những cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội phát triển đột phá tạo động lực dẫn dắt cả vùng, cả nước, trong đó thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP.Hà Nội, nhưng cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền thành phố trong việc thực hiện đồng bộ nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển thủ đô, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân.
Theo thống kê, trong Luật Thủ đô sửa đổi có trên 50 quy định nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND TP. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị TP.Hà Nội nắm bắt tốt cơ hội này, hành động quyết liệt, phát huy mạnh mẽ vai trò của mình và huy động sức mạnh tổng hợp để khai thác tối đa hiệu quả của các cơ chế đặc thù nhằm khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy, phát huy các lợi thế sẵn có.
"Chủ động nghiên cứu, rà soát, xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai, thực hiện, trong đó cần xác định rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan để luật Thủ đô đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực ngay khi có hiệu lực", bà Thanh nhấn mạnh.
Trong báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động của HĐND TP.Hà Nội 6 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, nhấn mạnh về Dự án xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP.Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, Thường trực HĐND TP.Hà Nội xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và đặc biệt quan trọng trong năm 2024 do đó đã chủ động vào cuộc từ sớm, tham gia tích cực, trách nhiệm, phối hợp tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật; đồng thời đã dự thảo Kế hoạch, phân công nhiệm vụ để triển khai ngay các nội dung sau khi dự thảo Luật được Quốc hội thông qua.
Thường trực HĐND TP.Hà Nội cũng chủ động phối hợp với UBND TP trong xây dựng, thông qua Đề án thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn Hà Nội để hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ Nội vụ, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Đồng thời, nghiên cứu, thu thập thông tin và phối hợp xây dựng các cơ chế chính sách đối với các cán bộ dôi dư, quản lý hiệu quả tài sản công… sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Trong 6 tháng cuối năm, HĐND TP.Hà Nội sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, triển khai có hiệu quả các Nghị quyết; ban hành kế hoạch, lộ trình, phân công rõ trách nhiệm để triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thông qua; Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô ngay sau khi Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thông qua. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; rà soát, hoàn thiện phân công nhiệm vụ, các quy chế hoạt động, quy trình nội bộ xử lý công việc của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND TP, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP...
Cùng với đó, HĐND TP sẽ chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của HĐND TP; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của HĐND trên các phương tiện thông tin đại chúng; mở rộng các kênh tiếp nhận, đối thoại, trao đổi, giám sát giữa HĐND với cử tri và các cơ quan, đơn vị…
Trước đó, sáng 28/6, dự thảo luật Thủ đô sửa đổi được Quốc hội thông qua gồm 7 chương, 54 điều. Luật Thủ đô đã bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Theo Chánh văn phòng UBND TP.Hà Nội Trương Việt Dũng, Luật Thủ đô sửa đổi có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Hà Nội, khắc phục toàn bộ các quy định "luật khung, luật ống" trước đây. Sau khi luật được thông qua, TP.Hà Nội sẽ triển khai ngay các nội dung thi hành luật, với dự kiến hơn 80 nội dung giao TP.Hà Nội triển khai.