Sau 8 năm thực hiện, vì sao Hà Nội phải sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô?
Sau 8 năm thực hiện, vì sao Hà Nội phải sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô?
Hoàng Thành
Thứ sáu, ngày 01/10/2021 05:30 AM (GMT+7)
Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho rằng, một số mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị, đất đai, bảo vệ môi trường chưa đạt tiến độ, chất lượng, có mặt yếu kém.
Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa tổ chức Hội nghị lần thứ I để thảo luận về dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và dự thảo Báo cáo tổng hợp đề xuất chính sách sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô vào chiều 30/9.
Hội nghị này thống nhất đánh giá, 8 năm qua, kể từ khi có hiệu lực, Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết đã tạo cơ sở pháp lý ban đầu, góp phần huy động các nguồn lực phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân;
Giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và hoạt động đối ngoại trên địa bàn Thủ đô. Hà Nội tiếp tục phát huy được vị thế, vai trò, tạo động lực phát triển trong Vùng Thủ đô và cả nước.
Tuy nhiên, Hội nghị cho rằng quy mô và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Một số mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị, đất đai, bảo vệ môi trường chưa đạt tiến độ, chất lượng, có mặt yếu kém.
Việc di dời cơ sở theo Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn.
Tỷ lệ đô thị hóa thấp, phát triển chưa đồng đều, chưa giảm tải cho đô thị trung tâm...
Ngoài các nguyên nhân chủ quan, một số nội dung quy định chi tiết Luật Thủ đô, giải quyết bất cập còn độ trễ.
Theo đó, Ban Chỉ đạo và các đại biểu dự hội nghị cũng đã thống nhất cao về sự cần thiết phải đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Thủ đô.
Trước hết, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012 là để kịp thời thể chế hóa những chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP về vị trí, vai trò, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012 còn nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, vị trí, vai trò quan trọng của Thủ đô, đáp ứng yêu cầu và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với Thủ đô.
Đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định của Luật, củng cố cơ sở pháp lý thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.
Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô còn nhằm bổ sung quy định mới về mô hình chính quyền đô thị và cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù cho Thủ đô phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Hội nghị cũng khẳng định, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tuân thủ Hiến pháp, đúng đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng;
Bảo đảm sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước, lợi ích quốc gia, dân tộc; quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của Nhân dân;
Bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền Thủ đô và sự chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở; kế thừa, phát huy những giá trị của Luật Thủ đô hiện hành.
Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì phối hợp với TP.Hà Nội để lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) và tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, bộ, ngành, địa phương trong vùng Thủ đô đối với hồ sơ đề nghị; phấn đấu hoàn chỉnh trong tháng 12/2021 để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.