Kỳ thi vào lớp 10 Hà Nội năm 2024 đã dần khép lại sau khi Sở GDĐT công bố điểm chuẩn. Thời gian tới đây, các thí sinh trúng tuyển sẽ nộp hồ sơ nhập học, thí sinh làm đơn phúc khảo thì chờ đợi điểm thi hoặc thí sinh không trúng các nguyện vọng tìm cho mình một lựa chọn khác ở ngôi trường ngoài công lập.
Tuy nhiên, ngay sau khi Sở công bố điểm thi, bên cạnh niềm vui của người trúng tuyển là nỗi buồn của các em vì thi trượt vào lớp 10. Mới đây, một bài viết được cho là của một nam sinh 2k9 trượt nguyện vọng 1 có dòng chia sẻ khiến nhiều người day dứt, bật khóc.
Bài viết như sau: "Mọi người ơi, con trượt nguyện vọng rồi ạ... Năm nay con đặt nguyện vọng 1 là Yên Hoà, con thiếu 0,25 điểm để đỗ vào ngôi trường con ao ước bấy lâu. Mỗi chiều đi học về con luôn ghé qua trường, thầm mong một ngày sẽ trở thành học sinh của ngôi trường ấy.
Con là một học sinh khá giỏi, điểm luôn đứng nhất nhì lớp. Vậy nên khi biết con trượt Yên Hoà, cả thầy cô lẫn bạn bè đều rất sốc và tiếc nuối. Con cố tỏ ra rằng mình ổn nhưng con rất buồn, nghĩ rằng "giá như mình cẩn thận hơn một chút…". Chỉ 0,25 điểm thôi nhưng dường như cả thế giới trước mắt con như sụp đổ. Con biết con là con một nên bố mẹ kỳ vọng ở con rất nhiều.
Từ khi biết điểm, không khí trong gia đình con chùng xuống. Thầy cô và bạn bè động viên con, mong con học tốt ở nguyện vọng 2. Nhưng bố mẹ con thì khác, họ chẳng nhìn con lấy một lần. Bố mẹ con cho rằng con là một đứa trẻ thất bại, chỉ mỗi việc ăn học cũng chẳng xong, rất tốn tiền của bố mẹ, chẳng thà về quê cho lành.
Con chỉ biết lặng nghe và cắn rứt trong lòng. Con thậm chí chẳng nhận được một lời khen hay khích lệ từ họ - trong khi bố mẹ là người con yêu thương và tin tưởng nhất.
Con vẫn cảm thấy sụp đổ, nghi ngờ khả năng của bản thân. Con vẫn muốn được học tập, được giao lưu với bạn bè, còn bao nhiêu thứ con muốn trải nghiệm 3 năm tới. Nhưng bố cương quyết rằng con không có khả năng học tập, chỉ xứng hạng trường bét, không nên phí tiền bố mẹ. Cảm ơn mọi người đã lắng nghe con ạ!".
Sau khi bài viết chia sẻ đã nhận được nhiều ý kiến. Nhiều người động viên nam sinh cố gắng vượt qua, kỳ thi này chỉ là thử thách, đồng thời chỉ trích bố mẹ đã gây áp lực thêm cho con. Đau khổ, buồn chán, thất vọng, tự ti... Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều thí sinh không đạt kết quả thi như mong muốn.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, giảng viên Luật, Trường Đại học Thủy Lợi, cũng là phụ huynh có con năm nay thi vào lớp 10, nêu quan điểm: "Đối với học sinh Việt Nam, có 2 kỳ thi quan trọng nhất là thi vào lớp 10 và đại học. Phần lớn phụ huynh hỗ trợ, động viên, đồng hành cùng con trước và sau kỳ thi nhưng trong thực tế không ít phụ huynh tạo áp lực cho con, bắt con phải đỗ vào trường mong muốn".
Theo Tiến sĩ Cường, trong những vụ việc như vậy, trước tiên phải nhìn từ phía phụ huynh, liệu có khiến con không có chỗ dựa, không có nơi an ủi, khiến con không tự tin khắc phục sửa chữa? Khi một sự việc xảy ra, một học sinh bỏ nhà ra đi, sốc tâm lý, tự tử, cha mẹ và thậm chí cả thầy cô giáo cần nhìn nhận lại...
Tiến Sĩ Cường cũng cho rằng: "Thực tế không ít học sinh tự tạo áp lực cho mình chứ không phải do cha mẹ. Vì vậy, khi vụ việc xảy ra, cha mẹ nên báo ngay với cơ quan công an tích cực tìm kiếm và có những can thiệp kịp thời, tránh để các em nghĩ quẩn ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong trường hợp như vậy dễ bị lạm dụng, xâm hại thân thể. Mỗi mùa thi cử đi qua, không phải phụ huynh, học sinh nào cũng đạt được kết quả như ý nguyện mong muốn. Dù là gì phụ huynh cũng nên đồng cảm. Nếu con thi trượt, cha mẹ phải là người động viên để cho con có cơ hội làm lại tốt hơn".
Có 3 con đang tuổi đến trường, Nhà văn Hoàng Anh Tú cho biết cũng vô cùng thương những đứa trẻ tuổi 15 trước kỳ thi áp lực, căng thẳng bởi kỳ thi vào lớp 10.
Chứng kiến cú sốc của học sinh thi trượt lớp 10, những phản ứng tiêu cực của phụ huynh, Nhà văn Hoàng Anh Tú tâm sự: "Đau lòng nhất là những đứa trẻ học rất khá nhưng chọn nguyện vọng sai hoặc gặp mã đề khoai. Đau lòng nữa là các cha mẹ lỡ kỳ vọng vào con cái mình quá, mặt mũi cha mẹ lớn hơn cả thất bại của con. Họ không sai bởi chẳng có cha mẹ nào là không muốn con mình tốt cả. Chỉ tội cho lũ trẻ, những đứa trẻ 15 tuổi còn chưa biết cuộc đời này thực sự cần chúng làm gì? Làm đứa trẻ ngoan, điểm cao hay được làm người như chúng muốn?
Tôi đã bao phen xót ruột khi trò chuyện với những đứa trẻ tuổi 15, 16 học một trường mà chúng không thích chỉ vì chúng trượt trong kỳ thi vào 10. Những đứa trẻ tự nhận mình là "Đồ Bỏ" nên đi học vì cha mẹ ép chứ không vui thú gì. Cú ngã đầu đời này có khi thành vết trượt dài suốt đời đứa trẻ.
Trượt 10 không phải là về 0. Con không đỗ vào 10 thì không còn là con yêu của bạn ư? Chúng ta sẽ bớt yêu thương chúng đi ư? Đến bao giờ cha mẹ sẽ nghĩ thông suốt rằng những cú ngã này cũng là một phần của sự trưởng thành. Để giúp con đứng dậy làm nên một phiên bản mới của con.
Chúng ta không cần 81,000 giáo sư, tiến sĩ, cử nhân. Thứ chúng ta cần là 1 đứa trẻ "dùng được" cho mai này. Vậy nên, những giọt nước mắt nếu phải rơi khi nhận kết quả thi, xin đừng thành vết sẹo suốt đời con. Hãy hong khô chúng bằng tình yêu của cha mẹ và hãy cùng con bắt đầu một tuổi 15 với lộ trình mới: Trở thành người hữu dụng hơn, đáng giá hơn. Cánh cửa này khép sẽ có 1 cánh cửa khác mở ra, có khi sẽ còn tốt hơn nữa khi con luôn có cha mẹ đồng hành".