“Nếu Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine tiếp theo diễn ra theo kế hoạch mà chúng tôi đã đặt ra; nếu nó đảm bảo tất cả các hạng mục cũng như kế hoạch chấm dứt chiến tranh như chúng tôi đã thảo luận và nếu chúng tôi được nhiều quốc gia hơn trên thế giới ủng hộ… Nếu mọi thứ trong kế hoạch đã sẵn sàng, chúng tôi sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ 2 và các đại diện của Nga chắc hẳn sẽ có mặt. Đó là ai? Chúng tôi sẽ xem xét", Tổng thống Volodymyr Zelensky giải thích trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine bày tỏ quan ngại về việc liệu Tổng thống Putin có dám rời khỏi nước Nga và tới bất cứ địa điểm nào diễn ra Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine.
Ngoài ra, ông Zelensky lưu ý rằng Mỹ và Trung Quốc có thể tạo điều kiện cho Hội nghị thượng đỉnh hòa bình nếu họ đặt sự khác biệt sang một bên đồng thời đánh giá ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Nga hiện nay lớn đến mức nào.
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên cho Ukraine đã diễn ra ở Thụy Sĩ hồi tháng 6 với hơn 90 quốc gia tham dự, trong đó Nga không được mời, Trung Quốc từ chối tham dự. Kết thúc Hội nghị, chỉ có 80 quốc gia đồng ý ký tuyên bố chung. Do thiếu sự tham dự của Nga, Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine đầu tiên bị cho là "nỗ lực của phương Tây nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Kiev thay vì đặt mục tiêu thực sự là tìm kiếm một kết thúc cho cuộc xung đột".
Về phần mình, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hôm 4/7, Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga luôn ủng hộ giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tổng thống Putin khẳng định Nga sẵn sàng đàm phán để giải quyết xung đột và "đã nhiều lần đưa ra bàn đàm phán những đề xuất cụ thể về vấn đề này".
"Nga luôn lên tiếng ủng hộ các giải pháp chính trị và ngoại giao cho tình hình ở Ukraine", Tổng thống Putin phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hôm 4/7.
Ngoài ra, hôm 5/7, Tổng thống Putin cũng nhắc lại quan điểm trên trong cuộc gặp với Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Moscow. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng, ông sẵn sàng thảo luận về các đề xuất hòa bình nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông chủ Điện Kremlin, Nga sẽ chỉ chấm dứt chiến tranh ở Ukraine khi Kiev đồng ý từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và nhường lại quyền kiểm soát toàn bộ 4 tỉnh ở miền Đông và Nam Ukraine mà Moscow đã sáp nhập. Tuy nhiên, Kiev đã nhanh chóng bác bỏ yêu cầu này vì coi đó là đầu hàng.