"Chúng tôi sẽ tăng cường hỗ trợ cho Ukraine trong thời gian dài, củng cố phòng thủ tập thể và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn cầu của chúng tôi”, Tổng thư ký Jens Stoltenberg phát biểu tại một cuộc họp báo ở Washington hôm thứ Sáu 5/7, đồng thời cho biết thêm rằng các quyết định quan trọng sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày của liên minh tại Washington vào tuần tới.
Nhấn mạnh việc hỗ trợ cho Ukraine là nhiệm vụ cấp bách nhất mà liên minh sẽ giải quyết trong hội nghị thượng đỉnh NATO lần này, ông Stoltenberg cho biết: "Tôi hy vọng các nguyên thủ quốc gia và chính phủ sẽ nhất trí một gói hỗ trợ đáng kể cho Ukraine".
Cụ thể hơn, liên minh sẽ tiếp quản việc điều phối và cung cấp hầu hết các hỗ trợ an ninh quốc tế dành cho Ukraine và ông Stoltenberg lưu ý rằng, NATO sẽ không tham chiến trực tiếp.
"Điều này sẽ không biến NATO thành một bên trong cuộc xung đột. Nhưng nó sẽ tăng cường khả năng tự vệ của Ukraine", ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo Stoltenberg, các thành viên NATO sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí mà nước này cần, bao gồm nhu cầu cấp thiết về hệ thống phòng không và đạn dược, đồng thời tăng cường khả năng tương tác và nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng của Kiev.
Ông nhấn mạnh: “Mọi công việc chúng ta đang cùng nhau thực hiện là giúp Ukraine mạnh mẽ hơn, có khả năng tương tác tốt hơn và chuẩn bị tốt hơn bao giờ hết để gia nhập liên minh của chúng ta”.
Tổng thư ký Stoltenberg cũng nhận xét rằng kể từ năm 2014, năng lực và sự sẵn sàng của liên minh đã được cải thiện đáng kể để đối phó với các mối đe dọa từ Nga. Ông cũng cáo buộc Iran và Triều Tiên hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga bằng cách cung cấp máy bay không người lái và đạn dược, và rằng Trung Quốc đang hỗ trợ Nga về mặt kinh tế.
Stoltenberg dự kiến sẽ từ chức Tổng thư ký NATO vào mùa thu năm nay. Người kế nhiệm ông, cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, được cho là có cùng quan điểm với Stoltenberg về cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.
Những tuyên bố mới nhất của ông Stoltenberg về việc NATO sẽ không tham gia cuộc chiến giữa Nga và Ukraine được cho là đã dập tắt hy vọng của Tổng thống Ukraine Zelensky - người từng nhiều lần kêu gọi NATO trực tiếp tham chiến.
Trước đó, trả lời phỏng vấn tờ New York Times hồi tháng 5 mới đây, Tổng thống Zelensky cho rằng, Mỹ và các đồng minh NATO nên trực tiếp tham chiến và đảm nhận vai trò lực lượng phòng không ngăn chặn các đợt không kích của Nga, đồng thời cung cấp thêm vũ khí cho phép quân đội Ukraine có thêm lợi thế trên chiến trường.
Theo ông Zelensky, NATO hoàn toàn có thể đánh chặn tên lửa Nga trên bầu trời Kiev, và cho rằng đồng minh phương Tây đang quá sợ hãi trước những lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Moscow.