Theo Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang, ngày 7/7/2024, trường hợp Moong Thị B, 18 tuổi, tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (thường trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) có kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu. Đây là 1 trong 2 trường hợp có tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Bước đầu cơ quan chuyên môn xác định, từ ngày 25 đến 28/6, B và 1 bạn khác tên S về quê thi tốt nghiệp THPT và ở cùng phòng với ca bệnh tử vong do bạch hầu ở Nghệ An. Đến ngày 1/7, cả hai bắt xe từ huyện Kỳ Sơn về huyện Hiệp Hòa, làm việc tại cơ sở karaoke Quán Lá, thôn Trung Tâm (xã Hợp Thịnh).
Đến ngày 5/7, khi biết thông tin bạn cùng phòng tử vong do bị bệnh bạch hầu, đồng thời có biểu hiện đau họng, cả hai chủ động ra hiệu thuốc mua kháng sinh uống. Qua lấy mẫu xét nghiệm, chiều 7/7, cơ quan chuyên môn xác định B bị dương tính với bệnh bạch hầu, được chuyển ra Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư điều trị.
Hiện S và các trường hợp có tiếp xúc gần với ca bệnh, cơ quan chuyên môn huyện Hiệp Hòa tiến hành thu dung và đưa vào khu vực cách ly.
Ngoài việc cách ly người tiếp xúc gần với ca bệnh, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa thực hiện xử lý môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao. Tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, thực hiện cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính (mỗi mẫu bệnh phẩm được lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh).
Đồng thời, điều trị dự phòng bằng kháng sinh 7 ngày và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định.
Phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm các thủ tục chuyển ngay ca bệnh trên lên Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương (do hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không còn Huyết thanh kháng độc tố bạch hầu;
Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn: Chuẩn bị đầy đủ khu vực cách ly, thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch, sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh bạch hầu xảy ra. Tăng cường tuyên truyền về các biện pháp, phòng chống bệnh bạch hầu;
Giám sát chặt chẽ các trường hợp đi, đến, về từ vùng đang có dịch bạch hầu; phát hiện sớm các ca nhiễm/nghi nhiễm, lấy mẫu xét nghiệm, xử lý triệt để các trường hợp không để dịch bệnh bạch hầu lây lan ra diện rộng.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị trong quá trình chẩn đoán, quản lý, điều trị ca bệnh bạch hầu. Đảm bảo đầy đủ các điều kiện sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị các ca bệnh bạch hầu diễn biến nặng từ tuyến dưới chuyển lên.
Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, các khu công nghiệp chỉ đạo các trạm y tế trên địa bàn khẩn trương rà soát các đối tượng trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 3 mũi vaccine BHHG-UV-VGB- Hib và DPT4, tổ chức tiêm bù, tiêm vét vào các buổi tiêm chủng thường xuyên, đảm bảo an toàn.
Tổ chức tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu theo Quyết định số 2957/QĐ-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm.
Thực hiện nghiêm báo cáo, khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường công tác giám sát phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các địa phương có ca bệnh. Hướng dẫn, hỗ trợ cho Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa trong việc điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly, xử lý môi trường.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về các dấu hiệu nhận biết và các biện pháp, phòng chống bệnh bạch hầu để người dân có những biện pháp phòng, tránh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Đồng thời yêu cầu người dân khi có những triệu chứng như ho, khó thở, sốt,... đến ngay Trạm Y tế để được khám và tư vấn, chuyển tuyến kịp thời, không được tự ý điều trị tại nhà. Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh bạch hầu trong nước và trên địa bàn tỉnh, kịp thời tham mưu với lãnh đạo Sở các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu.
Theo Bộ Y tế, bệnh bạch hầu trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước.
Ở nước ta, theo số liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỷ lệ mắc bệnh trong năm 1983 ở miền Bắc là 0,695% dân số, ở miền Trung 0,174% dân số, ở miền Nam 0,489% dân số.
Từ khi vaccine phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Tuy nhiên, khoảng 5 năm nay, bệnh bạch hầu liên tiếp xuất hiện nhiều tại những tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Đắk Lắk…
Cụ thể năm 2023, 1 chùm ca bạch hầu ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã khiến 32 người mắc, trong đó có 2 người tử vong.
Năm 2020, trên địa bàn 4 tỉnh Đăk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum cũng xuất hiện các chùm ca bệnh bạch hầu, với gần 80 ca được ghi nhận. Ngay sau đó, Bộ Y tế đã cho triển khai chiến dịch tiêm vaccine trên quy mô lớn mà 4 tỉnh đầu tiên là Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk.
Theo TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có đặc điểm lâm sàng là màng giả xuất hiện ở chỗ nhiễm trùng.
Bất cứ đối tượng nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị bệnh bạch hầu. Thông thường, trẻ từ 1 đến 10 tuổi bị nhiều nhất là do kháng thể từ người mẹ truyền sang không còn.
TS Lâm cho biết, người là ổ chứa của vi khuẩn bạch hầu. Bệnh lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang trùng bởi các chất tiết đường hô hấp hoặc qua các chất dịch ở sang thương ngoài da có chứa vi khuẩn bạch hầu.
Theo TS Lâm, có 2 loại biến chứng quan trọng: Biến chứng do màng giả lan rộng và biến chứng do độc tố gây nên .
- Trường hợp bệnh bạch hầu mà chẩn đoán và điều trị muộn thì màng giả phát triển và lan nhanh xuống phía dưới thanh – khí phế quản sẽ gây tắc nghẽn đường hô hấp. Nếu cấp cứu không kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng.
- Viêm cơ tim có thể xảy ra ở cả hai trường hợp bạch hầu nặng và nhẹ, nhất là khi có tổn thương tại chỗ lan rộng và khi có sự trì hoãn trong chỉ định kháng độc tố. Tỷ lệ viêm cơ tim là 10% – 25%.
Tỷ lệ tử vong do viêm cơ tim là 50% – 60%. Biểu hiện lâm sàng có thể nghe tiếng tim mờ, tiếng ngựa phi… Trên điện tâm đồ sẽ thấy biến đổi ST – T, loạn nhịp tim, rung nhĩ, ngoại tâm thu, nhịp nhanh thất, rung thất, phân ly nhĩ thất…