Dân Việt

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hối thúc các cường quốc giúp Nga-Ukraine nối lại đàm phán

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Hungary Viktor Orban vào thứ Hai 8/7 rằng các cường quốc thế giới nên giúp Nga và Ukraine tái khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp khi ông Orban đến thăm Bắc Kinh sau khi thăm Kiev và Moscow trong khuôn khổ "sứ mệnh hòa bình".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc giục các cường quốc làm ngay điều này giúp Nga, Ukraine- Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) muốn các cường quốc giúp Nga-Ukraine nối lại đàm phán. Ảnh IT

Chuyến thăm của ông Orban tới Trung Quốc diễn ra một ngày trước khi NATO tổ chức hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập, trong đó cuộc chiến giữa Nga và Ukraine được cho là sẽ chi phối các cuộc thảo luận. Chuyến thăm này cũng diễn ra sau khi ông Orban bất ngờ tới Nga, Ukraine hồi tuần qua.

Thủ tướng Orban trước đó thông báo rằng chuyến đi không báo trước của ông tới Bắc Kinh là "Sứ mệnh hòa bình 3.0".

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV dẫn lời ông Tập nhấn mạnh trong cuộc gặp với Thủ tướng Hungary rằng "cộng đồng quốc tế nên tạo điều kiện và hỗ trợ để hai bên tham chiến (Nga-Ukraine) nối lại đối thoại và đàm phán trực tiếp".

"Chỉ khi tất cả các cường quốc đều thể hiện năng lượng tích cực thay vì năng lượng tiêu cực thì lệnh ngừng bắn trong cuộc xung đột này mới có thể sớm xuất hiện", ông Tập Cận Bình nói với Orban, được CCTV trích dẫn.

Theo CCTV ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh rằng việc ngừng bắn và tìm kiếm giải pháp chính trị càng sớm càng tốt là vì lợi ích của tất cả các bên.

"Trọng tâm hiện nay là tuân thủ 3 nguyên tắc 'không đưa quân và vũ khí tràn ra chiến trường, không leo thang chiến tranh và không đổ thêm dầu vào lửa từ tất cả các bên' để hạ nhiệt tình hình càng sớm càng tốt", CCTV dẫn lời ông Tập cho biết thêm.

Sau cuộc hội đàm, ông Orban viết trên nền tảng mạng xã hội X rằng Trung Quốc là "một thế lực chủ chốt trong việc tạo ra các điều kiện cho hòa bình" trong cuộc chiến Nga-Ukraine.

"Đây là lý do tại sao tôi đến gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, chỉ hai tháng sau chuyến thăm chính thức của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Budapest", ông Orban nói.

Ông Orban được cho là nhà lãnh đạo thân thiện nhất với Moscow trong EU. Ông đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin vào thứ Sáu tuần trước về cuộc chiến ở Ukraine trong chuyến thăm Moscow - vốn bị cả Kiev và EU chỉ trích. Những người chỉ trích cho rằng chuyến đi này đe dọa làm suy yếu lập trường của khối này về cuộc xung đột.

Trong cuộc hội đàm, ông Putin đã nói với Orban rằng Ukraine phải rút quân khỏi các khu vực mà Moscow đã sáp nhập nếu muốn có hòa bình.

Hungary đã tiếp quản chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu vào đầu tháng 7 và người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, cho biết chuyến đi của ông Orban tới Nga hoàn toàn là dựa trên quan hệ song phương và ông "không nhận được bất kỳ nhiệm vụ nào từ Hội đồng EU để tới Moscow".

Gần gũi với cả Chủ tịch Tập Cận Bình lẫn Tổng thống Putin, ông Orban đã từ chối gửi vũ khí cho Kiev, không giống như các nhà lãnh đạo EU khác. Trong khi đó, quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga cũng đã trở nên chặt chẽ hơn kể từ cuộc xâm lược Ukraine.

Bắc Kinh tuyên bố mình là một bên trung lập trong cuộc chiến với lập luận, họ không gửi viện trợ vũ khí sát thương cho bất kỳ bên nào, không giống như Mỹ và các quốc gia phương Tây khác.