Vị doanh nhân trẻ tuổi này đã phải đóng cửa 3/5 cửa hàng của mình trong vòng 1 năm qua vì làm ăn thua lỗ từ quần áo, đến thiết bị vệ sinh phòng tắm, gạch men…
Đúng như anh Vỹ, khi Trung Quốc vận hành các kho hàng cận biên thường xuyên, hoạt động thương mại hàng hoá tại nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh bị ảnh hưởng khá lớn. Phía Trung Quốc đặt các kho hàng chỉ cách Việt Nam chỉ 3-4 cây số, sâu hơn cũng không quá 20 cây số.
Dân buôn online khó bán hàng, doanh số bán hàng của các cửa hàng điện máy, thậm chí siêu thị trở nên đì đẹt. Trái lại, các kênh bán hàng online Shopee, Tiktok, Shein, Alibaba, Lazada lại hoạt động nhộn nhịp.
Ngày 18/5/2024, tại Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành khu vực phía Bắc lần thứ 10 của Bộ Công Thương, Sở Công Thương Lào Cai thông tin về việc Trung Quốc tiến hành đầu tư hơn 3,68 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 525 triệu USD (hơn 13.100 tỷ đồng) xây kho hàng rộng hơn 660.000 m2 ngay sát biên giới Việt Nam.
Các kho hàng đều được với quy mô lớn, tầng 1 chủ yếu trưng bày, giới thiệu sản phẩm truyền thống. Nhưng trên tầng 2-3 là các trường quay, studio lớn được đầu tư thiết bị âm thanh, chiếu sáng và bối cảnh rất hoành tráng để thực hiện nhiệm vụ chính là livestream bán hàng.
Các studio này sáng đèn 24h/24h với lượng người livestream bán hàng hoạt động đông đúc như một đại công trường để quảng bá sản phẩm. Rất nhiều người tham gia vào đội quân livestream đó đến từ Việt Nam...
Với sự bùng nổ của Internet và điện thoại thông minh, tại các vùng nông thôn của Việt Nam, người dân đã thực hiện các giao kết đơn hàng xuyên biên giới với đối tác Trung Quốc trên Shopee, Tiktok… chỉ với vài cái vuốt đơn giản.
Nhờ năng lực sản xuất đang dư thừa sản lượng, hàng Trung Quốc còn đe doạ đánh sập các nền sản xuất châu Âu và Mỹ với hàng loạt sản phẩm có giá trị cao như xe điện, pin lithium – ion, thép…, buộc các nước lớn phải tìm cách đánh thuế hoặc có đối sách phù hợp. Trong khi đó, với những hàng nhỏ lẻ về Việt Nam hàng triệu đơn, chúng ta đang cảm nhận dần sức cạnh tranh ngày càng quyết liệt.
Trước thực trạng này, các cửa hàng bán lẻ điện máy trong nước sẽ buộc phải chơi cuộc chơi "sát ván", phải trầy da, tróc vẩy cạnh tranh "mất – còn" ngay trên sân nhà với hàng Trung Quốc.
Chiều 17/6, tại Hội trường Diên Hồng, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh lo lắng khi thông tin, mỗi ngày, trung bình 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok... mà không bị đánh thuế. Uỷ ban TCNS đề nghị Chính phủ nghiên cứu đánh thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng, để mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay.
Việc hàng triệu đơn hàng nhỏ lẻ được miễn thuế là do Việt Nam hiện thực hoá các cam kết khi là thành viên của Công ước Kyoto từ năm 2008. Theo đó, các mặt hàng giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng được nhập khẩu, vận chuyển qua chuyển phát nhanh đều không phải chịu thuế nhập khẩu, thuế VAT.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới đòi hỏi cần thay đổi cách áp dụng chính sách thuế nhằm bảo vệ thị trường trong nước. Hiện nay, Bộ Tài chính đang "thai nghén" các chính sách thuế đối với các đơn hàng nhỏ lẻ để trình Chính phủ thông qua.
Đây cũng là cách thức phù hợp trong bối cảnh chung khi nhiều nước đã bãi bỏ chính sách ưu đãi kể trên, như các nước EU bỏ miễn thuế VAT với lô hàng có giá trị từ 22 Euro trở xuống; Vương quốc Anh bỏ miễn thuế VAT với hàng nhập trị giá 135 bảng Anh trở xuống từ ngày năm 2021.
Tại ASEAN, Thái Lan thu thuế giá trị gia tăng 7% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ tháng 5/2024.
Điều người ta lo ngại nhất hiện nay là các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng mặc định đối với 4-5 triệu đơn hàng nhỏ lẻ về Việt Nam mỗi ngày thuộc về ai thì vẫn chưa rõ.
Hàng nhập qua biên giới mới chỉ được kiểm tra qua máy chiếu an ninh biên phòng, cơ quan công an để sàng lọc hàng cấm, hàng phạm pháp. Còn cách để xác định từ 4-5 triệu đơn hàng đó có đủ chất lượng, có phải hàng giả, hàng gian lận xuất xứ, giả nhãn mác hay không thì không cơ quan nào chịu trách nhiệm.
Nhiều - nhanh - rẻ lại không đi liền với chất lượng và uy tín. Việc một người được lập và vận hành nhiều gian hàng Tiktok shop, Tiki shop, Shopee shop đã khiến chất lượng hàng qua sàn thương mại điện tử từ Trung Quốc về Việt Nam ngày càng mất kiểm soát.
Tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ luồn lách vào chợ thương mại điện tử ngày càng nhiều, khiến không ít người tiêu dùng Việt đã ngã ngửa khi mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả mà vẫn phải bấm bụng trả tiền.
Làm gì để bảo vệ người tiêu dùng, hàng Việt và doanh nghiệp Việt trước "cơn thác lũ" hàng Trung Quốc ở biên giới? Câu hỏi này đặt ra nhiều năm qua và đến nay dường như vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng. Về phương diện cạnh tranh giữa hàng trong nước với hàng nhập khẩu được miễn thuế qua kênh thương mại điện tử, Việt Nam sẽ không có đủ tiềm lực để xây dựng các kho hàng trăm triệu USD đối trọng với Trung Quốc sát biên dù cho thị trường Trung Quốc cực kỳ rộng lớn.
Cách lựa chọn khôn ngoan nhất của chúng ta lúc này là cùng hợp tác và cùng cạnh tranh với hàng hoá, doanh nghiệp Trung Quốc. Các kho hàng của Trung Quốc bên cạnh việc thu mua trong nước và xuất khẩu, còn thực hiện chức năng nhập khẩu về bán trong nội địa xứ tỷ dân. Việt Nam có nhiều đặc sản, doanh nghiệp Việt có nhiều lợi thế so với doanh nghiệp Trung Quốc trong việc thu gom sản vật và bán lại cho đối tác Trung Quốc.
Ở trong nước, doanh nghiệp Việt cần liên minh để phát triển chuỗi logistics, ứng dụng AI vào thương mại, bán hàng. Các kho hàng sát biên của Trung Quốc dù lớn song không phải không có điểm yếu, đó là: Chất lượng và uy tín thương hiệu.
Người Việt luôn có lòng tự tôn thương hiệu và luôn muốn sử dụng những sản phẩm kết tinh từ bàn tay, khối óc của chính con người Việt Nam tạo ra. Một khi hàng Việt chinh phục và có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng, khi ấy chúng ta sẽ thắng trong những cuộc chiến thương trường khắc nghiệt.