Tại tọa đàm "Ngăn ngừa nguy cơ vàng hóa nền kinh tế" ngày 8/7, các chuyên gia đều bày tỏ băn khoăn đối với kiến nghị đánh thuế đối với giao dịch mua – bán vàng.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) cho rằng, lâu nay, chúng ta coi công cụ thuế như một chìa khóa vạn năng có thể mở được tất cả các cửa đi. "Tôi cho rằng đây là một nhận định hoàn toàn sai lầm", ông Phụng nói.
Đối với vàng, theo ông Phụng được chia thành hai danh mục. Một là vàng ngoại hối do Ngân hàng Nhà nước quản lý. Hai là vàng trang sức. Đáng chú ý, chính sách thuế về hai danh mục vàng này theo ông Phụng là "vô cùng rõ ràng".
Đối với vàng ngoại hối, vàng nguyên liệu, Nhà nước thực hiện độc quyền nhập khẩu, với mục đích để ngân hàng trung ương dự trữ cho nền kinh tế. Biểu thuế áp dụng ở loại vàng này là 0%. Vàng nguyên liệu do Nhà nước nhập về để phục vụ cho chính sách ngoại hối không áp thuế. Vàng loại này cũng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Đối với vàng trang sức Nhà nước cho các doanh nghiệp tự do kinh doanh. Thuế giá trị gia tăng áp dụng cho vàng trang sức sẽ giống như hàng hóa thông thường, mức thuế giá trị gia tăng là 10% ở khâu nhập khẩu.
Ông Phụng cho biết, Luật Thuế giá trị gia tăng có quy định, đánh thuế giá trị gia tăng vào giá trị tăng thêm do hoạt động sản xuất kinh doanh, chế tác vàng, không đánh vào sản phẩm vàng. Bởi bản chất vàng là tài sản của người dân. Chính vì vậy, hoạt động kinh doanh được áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng là thuế suất 10% nhân với chênh lệch giữa giá bán, trừ đi giá mua.
"Ví dụ như tôi mang một chỉ vàng ra bán giá 7,6 triệu, cửa hàng bán ra 7,8 triệu, có mức chênh lệch là 200 nghìn đồng. Khoản chênh lệch 200 nghìn này sẽ là khoản đóng thuế giá trị gia tăng 10%.
Nếu đó là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có lợi nhuận thì sẽ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%.
Nếu đó là hộ kinh doanh thì sẽ có hai trường hợp.
Một là nộp thuế khoán. Theo đó, hội đồng tư vấn thuế xã, phường cùng với chính quyền địa phương sẽ xác định mức doanh thu khoán để ấn định ra mức thuế khoán.
Hai là hộ kinh doanh theo diện hộ kê khai có đầy đủ chứng từ, hóa đơn và kê khai thuế bình thường. Trường hợp này nộp thuế như là doanh nghiệp, bao gồm cả thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động kinh doanh và thuế giá trị gia tăng là 10 % trên cái chênh lệch vừa nêu trên", Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) dẫn chứng làm rõ.
Ông cho rằng, hiện nay ngành thuế đang quản lý như vậy và cách quản lý này là tốt và minh bạch. Chỉ có điều, theo ông Phụng, hiện nay với những hộ kinh doanh nhỏ, mức doanh thu khoán có thể đâu đó còn có vấn đề, doanh thu có thể chưa đúng, chưa sát tại một vài thời điểm.
Mặc dù vậy, ngành thuế đang đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử, kết nối giữa người mua, người bán với cơ quan thuế. Khi làm được như vậy, cơ quan thuế sẽ có thông tin, dữ liệu để quản lý thuế tốt hơn và thu thuế theo đúng quy định pháp luật.
"Quốc hội ban hành Luật Thuế giá trị gia tăng từ năm 1997 đến nay vẫn có quy định đó, không hề thay đổi. Vàng nguyên liệu do Nhà nước không đánh thuế. Vàng kinh doanh thì thu thuế 10% trên chênh lệch giá mua/bán. Bản chất là Việt Nam đã có những quy định về thuế với vàng chứ không phải chưa có", ông Phụng nhấn mạnh.
Với người dân, theo ông Nguyễn Văn Phụng, họ sở hữu vàng như một loại tài sản cá nhân. Thói quen tích trữ vàng, mua vàng làm của hồi môn cho đám cưới đã trở thành tập quán của người dân, đó là nhu cầu chính đáng. Người dân đem bán vàng cho các cơ sở kinh doanh thu mua, chuyển đổi thành tiền thì không bị đánh thuế.
Ông Phạm Xuân Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại "thuế chồng lên thuế, không hợp lý" trước đề xuất bổ sung thêm sắc thuế mới.
"Đấy tài sản tích lũy của tôi, tôi làm và tài sản đó nộp thuế rất nhiều lần VAT, thậm chí nộp thuế thu nhập cá nhân. Bây giờ mua về để tích trữ, sao lại còn đánh thuế trên tổng giá trị mua vàng là thế nào? Thuế chồng lên thuế, không hợp lý", ông Hòe nhấn mạnh.
Ông Hòe nghĩ rằng, chính sách thuế đối với vàng như Quốc hội quy định và bên Bộ Tài chính tham mưu hoàn toàn đầy đủ.
Trước những ý kiến cho rằng nên đánh thuế vàng làm người dân bớt yêu vàng, để tiền luân chuyển trong lưu thông, ông Phụng cho rằng mục đích để chống vàng hóa nền kinh tế, để người dân bỏ tiền ra lưu thông là tốt. Tuy nhiên, không thể đánh thuế một cách "vô tội vạ". Đánh thuế phải dựa trên cơ sở kinh tế và phải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về kinh nghiệm từ thế giới, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw thông tin, ở các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á hay Trung Quốc, đều đánh phần thuế giá trị gia tăng ở phần tăng thêm giống như ở Việt Nam. Bên cạnh đó, với những nhà đầu tư cá nhân có thu nhập cũng sẽ đánh thuế thu nhập cá nhân giống Việt Nam.
Như vậy, có sự tương đồng giữa việc áp dụng các mức thuế giữa Việt Nam với các nước khác trên thế giới. "Thuế chỉ một trong số các công cụ để thúc đẩy hoặc quản lý hoặc thực hiện chính sách quản lý vàng. Không thể coi thuế là một công cụ vạn năng để quản lý thị trường hay sàn vàng được", ông Hà nhấn mạnh.
Luật sư Hà cũng lưu ý, nhu cầu người dân hiện nay không chỉ dừng lại ở việc tham gia vàng vật chất mà còn muốn kinh doanh trên các sàn vàng trạng thái. Trên thế giới hiện nay đã có rất nhiều các quốc gia công nhận sàn vàng trạng thái, trong khi đó Việt Nam thì hoàn toàn không có. Điều đó dẫn tới những hoạt động lừa đảo trên sàn vàng trạng thái đó. Nếu không sớm có cơ chế quản lý, luật sư Hà cho rằng sẽ có thêm nhiều người dân bị mất tiền vào các ứng dụng hoặc những sàn trạng thái này. Điều đó gây nguy hiểm cho nền kinh tế và làm tăng tình trạng tội phạm lừa đảo.