Người dân hứng khởi tham gia
Sau 3 tháng triển khai, mô hình "Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón ở hộ gia đình và cộng đồng dân cư" trên địa bàn xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần làm thay đổi tư duy, hành động của người dân về phân loại rác thải, hướng đến sử dụng nguồn phân bón hữu cơ an toàn trong sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân là địa phương được Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa chọn để triển khai xây dựng mô hình với 50 hộ tham gia, các hộ được hỗ trợ 100 thùng phân loại rác, chế phẩm vi sinh để ủ rác hữu cơ thành phân bón và 1 xe thu gom rác cho tổ tự quản bảo vệ môi trường, đồng thời, được tập huấn, hướng dẫn cách phân loại, thu gom, xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ bón cho cây trồng.
Hiện, việc thu gom, ủ rác thải thành phân hữu cơ đã góp phần hình thành ý thức của người dân trong việc thu gom, phân loại rác thải trong một bộ phận gia đình cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Hơn nữa, khi đã hình thành thói quen nề nếp, tự giác, mô hình thu gom rác thải hữu cơ, xử lý thành phân bón góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới ở nơi đây.
Khi Hội Nông dân xã Xuân Hòa triển khai thí điểm mô hình "Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình" bà Đỗ Thị Bình, thôn Tỉnh Thôn 1, xã Xuân Hòa nhận tham gia thực hiện thí điểm mô hình.
Sau khi thực hiện thí điểm, bà được Hội Nông dân cấp trên tập huấn phương pháp phân loại rác thải, kỹ thuật ủ men vi sinh để xử lý rác hữu cơ thành phân bón hữu cơ. Bên cạnh đó, bà còn được hỗ trợ 2 thùng đựng rác và chế phẩm vi sinh để xử lý rác hữu cơ.
Bà Bình đã về hướng dẫn thêm cho chồng và các con về việc phân loại rác thải và cách xử lý ủ men vi sinh để cùng thực hiện. Khi phân loại rác, đối với rác hữu cơ sẽ được các thành viên trong gia đình mang đổ vào thùng đựng rác, còn rác vô cơ như: túi bóng, đồ nhựa, đồ thủy tinh sẽ được gom vào một chỗ đến lịch mang rác ra cổng để người đi thu gom rác đến mang đi.
Đối với rác hữu cơ, sau khi cho vào thùng đựng rác, khi rác dày lên 20cm bà lại rắc chế phẩm men vi sinh rồi đảo đều, đậy nắp cẩn thận không để mùi phát tán ra bên ngoài. Đủ thời gian ủ từ 3 – 6 tháng, lúc này rác đã hoai mục thành phân hữu cơ, bà lấy ra cho vào bao trữ để dùng bón cho cây trồng.
Bà Bình cho biết: "Từ khi thực hiện mô hình này, nguồn rác hữu cơ đã được gia đình tôi xử lý thành phân bón dùng vào việc chăm sóc cây trồng, cải tạo đất và góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí trong việc mua phân bón. Tuy nhiên, ý nghĩa lớn nhất đó là góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu chi phí cho nhà nước trong việc xử lý rác thải.
Cũng theo bà Bình, trước đây mọi rác thải sinh hoạt của gia đình bà đều đổ chung vào bao tải để công ty môi trường thu gom. Sau khi được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ vật tư để phân loại và ủ rác thải hữu cơ thành phân bón, gia đình bà đã hình thành ý thức, thói quen phân loại rác thải. Rác tái chế (các loại giấy thải, nhựa, vỏ lon…) bỏ riêng, thức ăn thừa, một phần bà dùng chăn nuôi, cùng với các loại bã chè, bã cà phê, cây cỏ, lá rụng ngoài vườn, bà thu gom lại bỏ vào hố, dùng chế phẩm vi sinh để ủ thành phân bón.
Tương tự, gia đình bà Lê Thị Nhượng, thôn Tỉnh Thôn 1, xã Xuân Hòa cũng duy trì hố ủ rác hữu cơ thường xuyên, sử dụng nước rỉ ra từ rác đã ủ để tưới cho các loại cây trồng trong vườn, khi hố ủ đầy bà lấy phân để bón cho ruộng.
Theo bà Nhượng, việc gia đình bà tận dụng nguồn thức ăn thừa, các loại cây cỏ, rau trong vườn, bà bỏ vào thùng, sử dụng chế phẩm vi sinh để ủ, sau hơn 1 tháng ủ thành phân, bà lấy bón cho rau trong vườn, tạo thành vườn rau sạch phục vụ cho gia đình. Mô hình của gia đình bà thường xuyên được các tổ chức, các hộ trên địa bàn thôn, xã đến thăm quan, học tập kinh nghiệm.
Gia đình anh Lê Văn Tam cũng là một trong những hộ tiêu biểu ở thôn Tỉnh Thôn 1, xã Xuân Hòa thực hiện việc phân loại và ủ rác hữu cơ thành phân bón. Chào đón chúng tôi là hàng cây ăn quả trước nhà thẳng tắp, lá cây rụng, gia đình anh lấy bỏ vào thùng ủ, khi thành phân, lấy phân đó bón cho cây ăn quả của gia đình.
Mang lại hiệu quả kinh tế cao
Bà Nguyễn Thị Hiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Hòa cho biết, là xã NTM kiểu mẫu của huyện nên công tác môi trường rất được lãnh đạo xã và người dân chú trọng, quan tâm, các hộ dân trong xã đều đã có ý thức thu gom, phân loại rác để đúng nơi quy định, có 100 hộ xây dựng bể ủ rác hữu cơ. Tại các ngã ba, ngã tư và đầu đường liên thôn, liên xã đều lắp camera an ninh, lắp bình chữa cháy tại các thôn và hộ gia đình, bộ mặt của xã ngày càng đổi mới "Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn".
Theo bà Hiên, khi chưa triển khai mô hình thì trước đó, mọi rác thải sinh hoạt, trong các gia đình của xã thường đổ chung vào túi, bao tải để công ty môi trường thu gom chở đi xử lý. Từ khi được tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ vật tư để phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón, các hộ dân đã có thói quen phân loại rác thải sinh hoạt, sử dụng thùng ủ, hố ủ, bể ủ để ủ rác hữu cơ.
"Năm 2024, chúng tôi mới triển khai thực hiện thí điểm mô hình này ở các thôn nhưng qua kiểm tra thực tế tại các hộ tham gia, chúng tôi thấy hiệu quả rõ rệt, được Đảng, chính quyền và cán bộ, hội viên ghi nhận", bà Nguyễn Thị Hiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Hòa cho biết.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Xuân Hòa sẽ tiếp tục triển khai sau rộng mô hình "Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón ở hộ gia đình và công đồng dân cư" để góp phần xử lý hiệu quả vấn đề rác thải, thực hiện tiêu chí về cảnh quan môi trường trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. ở địa phương.