Nhiều phụ nữ cùng “biến” rác thải nhựa thành tiền, tạo nguồn quỹ giúp người nghèo

Trần Đáng Thứ năm, ngày 13/07/2023 17:38 PM (GMT+7)
Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên, phụ nữ đối với công tác bảo vệ môi trường, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) thị trấn Tân Trụ (huyện Tân Trụ, Long An) đã phát động mô hình “biến rác thải nhựa thành tiền”. Tại TP.HCM cũng có nhiều mô hình tương tự, hiệu quả cao.
Bình luận 0

Khoảng 6 năm triển khai thành công mô hình "biến rác thải nhựa thành tiền" không chỉ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Hội LHPNVN thị trấn Tân Trụ còn tạo nguồn quỹ giúp người nghèo, khó khăn cơ hội thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Phụ nữ Tân Trụ “biến” rác thải nhựa thành tiền - Ảnh 1.

Phụ nữ thị trấn Tân Trụ tham gia mô hình "biến rác thải nhựa thành tiền". Ảnh: T.Đ

"Biến" rác thải nhựa thành tiền 

Tại TP.HCM, 5 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP đã thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa" với nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo lan toả trong cán bộ, hội viên phụ nữ ở TP, góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường.

Để tiếp tục phát huy vai trò của hơn 10.000 thành viên ở các Câu lạc bộ "Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường" trên địa bàn TP, Hội LHPN TP cho biết sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này, xem đây là lực lượng nòng cốt trong việc vận động cộng đồng tham gia phân loại rác tại nguồn, xây dựng các điểm xanh tại khu dân cư.

Chủ tịch LHPNVN thị trấn Tân Trụ Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, cứ 3 tháng/lần, nhóm chị em phụ nữ thị trấn Tân Trụ cùng nhau tập kết ve chai tại điểm văn hóa khu phố.

Sau đó, tại đây các chị cùng nhau phân loại rồi bán cho vựa ve chai. Trung bình, mỗi đợt các chị thu khoảng 2 triệu đồng.

"Lúc đầu chỉ phát động mô hình "biến rác thải nhựa thành tiền" ở khu phố Tân Bình. Thấy mô hình có hiệu quả, nên Hội LHPNVN thị trấn Tân Trụ nhân rộng ra 2 khu phố nữa", chị Thắm, thổ lộ.

Cũng theo chị Thắm, sau khoảng 6 năm triển khai, mô hình "biến rác thải nhựa thành tiền" đã thực sự phát huy hiệu quả, ý thức trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường của hội viên phụ nữ ngày càng được nâng lên, tình trạng thải rác thải nhựa bừa bãi ra môi trường được hạn chế rất nhiều…

Bà Võ Thị Dẫn, khu phố Bình Lợi, thị trấn Tân Trụ cho biết, do nhà nằm trong hẻm, xe lấy rác không vào được, nên trước đây bà thường xử lý rác thải nhựa bằng cách gom lại rồi đốt. Tuy nhiên, điều này ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường.

Từ khi tham gia CLB Phân loại rác tại hộ gia đình, bà Dẫn bố trí 3 thùng rác gồm vô cơ, hữu cơ và tái sử dụng. Rác hữu cơ sẽ được ủ với men vi sinh làm phân bón cho cây; rác tái sử dụng sẽ đem đến khu phố Bình Lợi ủng hộ phong trào "biến rác thải nhựa thành tiền" nhằm giúp phụ nữ và trẻ em nghèo vươn lên trong cuộc sống.

"Mỗi người một tay, góp sức bảo vệ môi trường và giúp người nghèo, khó khăn xã hội này sẽ tốt đẹp hơn", bà Dẫn bộc bạch.

Cũng như bà Dẫn, bà Nguyễn Thị Thu, một hội viên phụ nữ tham gia mô hình "biến rác thải nhựa thành tiền" cho biết, ngoài giúp bảo vệ môi trường không bị ô nhiễm, còn có quỹ giúp đỡ các hộ nghèo.

"Nếu mình có thể giúp được người nghèo thì cố gắng giúp đến khi không còn giúp được thì thôi", bà Thu chia sẻ.

Giúp người nghèo từ quỹ bán rác thải nhựa 

Theo chị Thắm, mô hình "biến rác thải nhựa thành tiền" hướng đến việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên, phụ nữ đối với công tác bảo vệ môi trường. Qua đây, góp phần giúp Hội LHPNVN thị trấn Tân Trụ có thêm nguồn kinh phí thực hiện tốt công tác an sinh xã hội ở địa phương.

Theo đó, từ nguồn quỹ mô hình "biến rác thải nhựa thành tiền", mấy năm qua Hội LHPNVN thị trấn Tân Trụ đã giúp cho 5 hộ nghèo khởi nghiệp với hình thức cho vay không tính lãi. Đồng thời, hỗ trợ quà cho người nghèo trên địa bàn.

Phụ nữ Tân Trụ “biến” rác thải nhựa thành tiền - Ảnh 3.

Mỗi ngày, tỉnh Long An phát sinh khoảng 80 tấn rác thải nhựa. Ảnh: T.Đ

Bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ tiệm tạp hóa ở thị trấn Tân Trụ chia sẻ, mấy năm trước do khó khăn, bà vay tiền của quỹ mô hình "biến rác thải nhựa thành tiền" để mở tiệm tạp hóa.

"Vay ngân hàng thì khó trả lãi, nên tôi vay tiền của Hội LHPNVN thị trấn Tân Trụ. Giờ tôi buôn bán đã có thu nhập ổn định, nên đã gởi lại vốn cho Hội để dành cho hộ nghèo khác", bà Tuyết cho biết.

Trước sự hiệu quả của mô hình "biến rác thải nhựa thành tiền", theo chị Thắm, thời gian tới, Hội tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình.

Theo Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Long An, lượng rác thải nhựa phát sinh trên địa bàn tỉnh Long An khoảng 80 tấn/ngày.

Rác thải nhựa ngày càng tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Nhận thức được điều này, các cấp, các ngành trong tỉnh đã và đang nỗ lực để giảm thiểu ô nhiễm do rác thải nhựa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem