Siết chặt quy định PCCC, nhiều nhà trọ phải giải thể
Mặc dù Nam Bộ đang bước vào mùa mưa nhưng tình hình cháy, nổ vẫn rất đáng lo ngại. Tại nhiều khu vực trên địa bàn TP.HCM, nỗi lo cháy, nổ vẫn thường trực. Trước tình hình trên, Công an TP.HCM đang chủ động triển khai nhiều biện pháp để tăng cường công tác PCCC và CNCH nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, thời gian qua Sở đã tiến hành kiểm tra sự phù hợp trong việc đăng ký kinh doanh hoạt động nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, chung cư mini, nhà ở tập thể theo quy định. Đến nay, Sở đã phối hợp kiểm tra một số công trình trên địa bàn các quận 1, 4, 5, 7, 10, 11, Tân Phú, Bình Thạnh, Gò Vấp, H.Nhà Bè và TP.Thủ Đức.
Theo đó, các lỗi vi phạm tập trung vào các nhóm như ngăn thành các phòng cho thuê, chuyển công năng sử dụng từ nhà ở riêng lẻ sang cho thuê để ở; tăng số lượng phòng trong công trình nhà ở riêng lẻ; tăng diện tích xây dựng; thêm tầng lửng tại các tầng và ngăn chia thành các phòng ngủ cho thuê.
Đặc biệt, các nhà ở kết hợp nhà trọ phải đảm bảo có lối thoát an toàn và dễ dàng tiếp cận cho tất cả cư dân và người thuê trọ. Không lắp đặt "chuồng cọp" bít lối thoát nạn. Lối thoát không bị chặn hoặc bị cản trở bởi vật dụng, đồ đạc. Bố trí các phương tiện liên lạc khẩn cấp như loa thông báo, chuông báo cháy… để thông báo cho tất cả cư dân trong trường hợp xảy ra sự cố.
Vì vậy, việc kiểm tra, xử lý các công trình trên tinh thần, chính sách hỗ trợ và quản lý đối với nhà trọ do tổ chức hoặc cá nhân xây dựng cho công nhân, người lao động thuê để ở. Các công trình đã được cơ quan chức năng xác nhận đủ điều kiện PCCC thì được tiếp tục hoạt động.
Theo đó, nhiều nhà trọ phải giải thể vì không đáp ứng được yêu cầu của cơ quan chức năng.
Kinh doanh 9 phòng trọ trong căn nhà 6 tầng tại quận 10, chị Nguyễn Gia Mỹ vừa được thông báo phải giải thể nhà trọ vì không đủ điều kiện tiếp tục hoạt động.
Chị Mỹ nói: "Căn nhà tôi cho thuê ở mặt tiền hẻm với 6 tầng lầu đều có ban công thông thoáng. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng kiểm tra thì thiếu lối thoát hiểm và một số dụng cụ PCCC khác. Họ yêu cầu phải xây dựng lối thoát hiểm và bổ sung trang thiết bị. Tuy nhiên, căn nhà tôi là nhà phố liền kề không thể thi công công trình khác vì sẽ lấn sang đất hàng xóm. Mặt khác chị phi quá cao, nên tôi buộc phải giải thể nhà trọ".
Còn anh Nguyễn Văn Quang ở TP.Thủ Đức cũng phải tạm đóng cửa dãi trọ 14 phòng của mình để thi công lại hệ thống điện và bổ sung các thiết bị PCCC.
"May mắn là giai đoạn này vào kỳ nghỉ hè nên nhiều sinh viên đã trả phòng để về quê. Vì thế, tôi tạm dừng kinh doanh trong 2 tháng để khắc phục và thi công lại theo yêu cầu của cơ quan chức năng để bảo đảm đủ điều kiện PCCC mới tiếp tục được kinh doanh", anh Quang nói.
Người thuê nhà trọ lao đao tìm chỗ ở mới
Đặc thù của TP.HCM là người dân tạm trú, người lao động tập trung đông, nhu cầu nhà ở cao, trong khi nguồn cung nhà ở xã hội, nhà cho công nhân, sinh viên và nhân viên văn phòng thuê ít, không đủ đáp ứng. Vì vậy, việc nhiều nhà trọ bị giải thể hoặc đình chỉ hoạt động vì không đáp ứng đủ tiêu chí của cơ quan chức năng lại càng khiến người thuê trọ khó khăn.
Chị Kim Chi thuê trọ tại quận 10 cho biết, phải tìm phòng trọ mới khi nhà trọ của mình đang thuê phải giải thể. Kể từ ngày nhận thông báo đến nay đã hơn 2 tuần nhưng chị vẫn chưa tìm được nơi ưng ý để thuê.
"Tôi thuê phòng này đã 5 năm với giá 4 triệu đồng cùng diện tích hơn 40m2. Không gian khá rộng rãi ở căn nhà 6 tầng. Sau khi chủ nhà thông báo phải giải thể nhà trọ, tôi vô cùng khó khăn để kiếm chỗ ở mới. Do làm việc văn phòng cả ngày đến tối mới về nên không có nhiều thời gian xem phòng. Các nơi tôi tìm trên mạng đều khá nhỏ hoặc xa trung tâm, việc đi làm sẽ tốn thời gian và khó khăn hơn", chị Chi chia sẻ.
Trong đó đó, anh Nguyễn Văn Vũ, công nhân tại khu công nghiệp Sóng Thần (TP.Thủ Đức) cũng đang chật vật tìm nơi ở mới. Anh cho biết, giá phòng trọ giờ đây tăng cao hơn nhiều khi các dãy trọ công nhân bị đình chỉ hoạt động. Với lương công nhân hơn 7 triệu đồng/tháng anh khó kiếm được nơi ở phù hợp để có thể vừa trang trải chi phí vừa dành dụm tiền gởi về quê Thanh Hoá.
Anh Vũ tâm sự: "Trước đây, mỗi phòng trọ khu vực này giá 2 - 3 triệu đồng/tháng với diện tích 12m2 có thêm gác lửng. Giờ nhiều khu trọ bị giải thể vì vi phạm PCCC nên giá phòng tăng nên 3 - 4,5 triệu. Với lương công nhân của 2 vợ chồng tôi, giá phòng như vậy là quá cao. Trừ tiền phòng, điện nước, ăn uống thì không còn bao nhiêu để gởi về quê nuôi con. Điều đó khiến chúng tôi lo lắng rất nhiều".
Việc nhiều nhà trọ dừng hoạt động khiến lượng người tìm nơi ở mới tăng cao. Vì thế, những nơi có đủ điều kiện hoạt động tiến hành tăng giá phòng. Điều đó càng khiến người lao động càng thêm vất vả tìm nơi ở mới. Sắp tới, lượng tân sinh viên đổ về thành phố nhập học lại càng khiến tình trạng giá nhà trọ tăng giá và người dân thuê phòng trọ càng lao đao.