Ngày 10/7, ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã ký Quyết định số 396 về việc khen thưởng thành tích xuất sắc trong bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum quyết định tặng Bằng khen cho 2 nhóm tác giả có loạt bài phóng sự điều tra tiêu biểu, xuất sắc, góp phần bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Trong đó có nhóm tác giả Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt.
Cụ thể là nhóm tác giả Nguyễn Thanh Xuân, Trịnh Văn Trọng, Lê Đình Việt – Liên chi hội nhà báo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với loạt 5 bài viết: Chiêu trò tẩy trắng sâm Trung Quốc thành quốc bảo Sâm Ngọc Linh.
Đây là loạt bài vừa được Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng Giải C Giải Báo chí Quốc gia 2023.
Loạt bài "Chiêu trò tẩy trắng sâm Trung Quốc thành quốc bảo Sâm Ngọc Linh" gồm 5 bài viết được nhóm tác giả Nguyễn Thanh Xuân, Trịnh Văn Trọng, Lê Đình Việt thực hiện trong nhiều tháng, trong có có những chuyến tác nghiệp ở Trung Quốc.
Như đã thông tin, Sâm Ngọc Linh – loại sâm đặc hữu ở Quảng Nam và Kon Tum với hàm lượng Saponin vượt trội các loại sâm nổi tiếng trên thế giới. Sâm Ngọc Linh đã được coi là quốc bảo của Việt Nam.
Nhưng theo ghi nhận của PV Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt (NTNN/Dân Việt) thời gian qua, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều thương nhân buôn bán "Sâm Ngọc Linh" với mức giá rẻ giật mình, chỉ vài triệu đồng đến hơn chục triệu đồng/kg. Trong khi đó, giá Sâm Ngọc Linh chính gốc lên đến hàng trăm triệu đồng/kg.
Thậm chí, loại sâm Lai Châu đang dần có chỗ đứng trên thị trường cũng bị sâm từ Trung Quốc về trà trộn, ảnh hưởng đến nguồn cung sâm thật.
Với mức giá rẻ giật mình nếu mua tận vườn bên Trung Quốc, đưa trót lọt về Việt Nam để mạo danh các loại sâm quý hiếm của nước ta, giới buôn sâm so sánh tỷ suất lợi nhuận "còn hơn cả buôn ma túy".
Từ nguồn tin của bạn đọc, nhóm phóng viên Ban Bạn đọc, Báo NTNN/Dân Việt đã dành hơn 6 tháng trời đi vào vùng trồng sâm trên núi Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam và Kon Tum để khảo sát thực tế. Sau đó tiếp tục đến các tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc như Lai Châu, Lào Cai để ghi nhận.
Nhóm phóng viên còn nhiều lần sang tận bên kia biên giới, đóng vai lái buôn để thâm nhập vào "thủ phủ" sâm ở huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Tại đây, chúng tôi đã thu thập được các thông tin, bằng chứng để chứng minh phần lớn số lượng sâm giá rẻ đang bán rầm rộ trên thị trường Việt Nam đều được nhập lậu từ Trung Quốc. Ngoài ra, chúng tôi cũng tường tận cách thức "tẩy trắng" sâm có chất lượng thấp từ Trung Quốc thành loại sâm quốc bảo của Việt Nam.
Sau khi củng cố nguồn tin đã thu thập, Báo NTNN/Dân Việt bắt đầu khởi đăng loạt bài phản ánh 5 kỳ với tựa đề: Chiêu trò tẩy trắng sâm Trung Quốc thành quốc bảo Sâm Ngọc Linh.
Sau đó, hàng loạt các địa phương nơi trồng Sâm Ngọc Linh từ Quảng Nam, Kon Tum, Lai Châu đều có những văn bản phản hồi, chỉ đạo quyết liệt các cấp ban ngành liên quan chấn chỉnh các hoạt động mua bán Sâm Ngọc Linh. Từ đó, ngăn chặn tình trạng sâm lậu giá rẻ có nguồn gốc từ Trung Quốc tràn về làm ảnh hưởng đến thương hiệu quốc bảo Sâm Ngọc Linh.
Sau khi kết thúc loạt bài, Báo NTNN/Dân Việt còn tổ chức Tọa đàm "Giải pháp ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu, bảo vệ người trồng sâm Việt Nam".
Toạ đàm có sự tham gia của các chuyên gia, cơ quan chức năng như: Công an tỉnh Lào Cai, Công an tỉnh Lai Châu, Tổng cục Hải Quan, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu, Hiệp hội Sâm Lai Châu, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam và một số doanh nghiệp trồng sâm…
Các chuyên gia, nhà quản lý đánh giá rất cao buổi tọa đàm, đặc biệt là phần giúp người dân phân biệt Sâm Ngọc Linh khác gì với sâm Trung Quốc.
Đặc biệt, sau loạt bài của Báo NTNN/Dân Việt, cơ quan chức năng của một số địa phương đã vào cuộc quyết liệt và ngay sau đó, Công an tỉnh Lai Châu và Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã phát hiện, bắt giữ 2 vụ vận chuyển sâm lậu từ Trung Quốc về Việt Nam.
Từ đó ngăn chặn được tình trạng sâm nhập lậu và bảo vệ người trồng sâm trong nước, bảo vệ người tiêu dùng tránh sử dụng sâm rởm và bảo vệ thương hiệu sâm Việt Nam.
Bên cạnh đó, sau khi loạt bài được đăng tải, Hiệp hội sâm Lai Châu cũng có văn bản kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương có biện pháp để chỉ đạo, ngăn chặn việc buôn lậu các loại sâm không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo được giao bán trên thị trường với giá rẻ, đội lốt sâm Việt Nam (Sâm Ngọc Linh và Sâm Lai Châu).