Chương trình được tổ chức nhằm truyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Thu hút hội viên, nông dân tham gia xây dựng và phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
Bên cạnh đó hỗ trợ các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả, có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tham mưu, đề xuất chính sách phát triển kinh tế tập thể.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng - Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh, cho biết: "Hoạt động của hợp tác xã đa ngành nghề, trên 6 lĩnh vực chính, gồm nông nghiệp; Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Thương mại dịch vụ; Xây dựng, vận tải; Môi trường; Quỹ TDND và dịch vụ khác. Toàn tỉnh hiện có 1.035 hợp tác xã; 2.579 tổ hợp tác và 3 Liên hiệp hợp tác xã với 91.000 thành viên.
Nông nghiệp Hà Tĩnh năm vừa qua được mùa toàn diện, phát triển theo hướng sản xuất an toàn, hình thành nhiều mô hình hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành năm 2023 ước đạt trên 2,6%; tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản ước đạt 14.000 tỷ đồng; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 97,5 triệu đồng/ha; tỷ trọng chăn nuôi duy trì chiếm trên 53% cơ cấu nông nghiệp; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt trên 52,5%.
Vốn điều lệ bình quân của hợp tác xã nông nghiệp đạt 1.5 tỷ đồng, doanh thu bình quân đạt trên 1 tỷ và lợi nhuận bình quân đạt trên 200 triệu đồng/hợp tác xã/năm.
Ông Bùi Văn Chiến- Giám đốc HTX Nông nghiệp Thống Nhất Xuân Lam chia sẻ: "Hợp tác xã Xuân Lam được thành lập năm 1959, đến nay có 691 thành viên, tổng diện tích trồng lúa là 218ha. Chúng tôi đã phá ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, cánh đồng một loại giống và mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp rươi, cáy diện tích 10ha đưa vào sản xuất và khai thác trong năm 2023 với giống lúa ST25 chất lượng cao, đạt hiệu quả cao. Dự kiến đạt 200-250 triệu đồng/ha/năm".
Bà Lê Thị Cẩm Vân- Giám đốc HTX Thảo Vân cho hay: "Chúng tôi có diện tích đất sản xuất và liên kết lên đến gần 30 ha với 2 sản phẩm nông nghiệp chủ đạo là bưởi Phúc Trạch và Cam khe mây.
Nhận thấy nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn đang còn khiêm tốn, tôi mong muốn cần có những chính sách hỗ trợ và áp dụng được ngay vào lĩnh vực hoạt động nông nghiệp để giúp những người trẻ tạo được nhiều giá trị ngay trên mảnh đất quê hương. Bên cạnh đó cũng mong muốn có trụ sở để nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu suất hoạt động hơn".
Phát động phong trào thi đua cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, ông Ngô Văn Huỳnh-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh: "Cán bộ, hội viên, nông dân tích cực thi đua tuyên truyền, quán triệt, triển khai các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Hội Nông dân về phát triển kinh tế tập thể.
Thi đua nâng cao chất lượng các dịch vụ tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật, vật tư, thị trường,… thành lập, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp; đẩy mạnh vận động thu hút nguồn lực xã hội tham gia vào tư vấn, hỗ trợ các hoạt động liên kết sản xuất, kinh doanh dịch vụ; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong phát triển khoa học kỹ thuật".
Chương trình phối hợp hỗ trợ Hội Nông dân các cấp và hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030 với nội dung phối hợp hàng năm đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Hội và nguồn nhân lực phát triển kinh tế tập thể nhằm thực hiện tốt công tác tư vấn, hướng dẫn thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác.
Vận động cán bộ, hội viên, nông dân nhất là cán bộ Hội Nông dân cơ sở, chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi chủ động là sáng lập viên, thành viên của các hợp tác xã, tổ hợp tác.