Nông dân Ninh Thuận kỳ vọng Quyết định 182 của Thủ tướng Chính phủ sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể

Đức Cường Thứ bảy, ngày 02/03/2024 06:00 AM (GMT+7)
Nhiều hội viên nông dân ở Ninh Thuận kỳ vọng khi đi vào thực hiện, Quyết định 182 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" sẽ tạo tiền đề phát triển mạnh kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Bình luận 0

Kỳ vọng nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX

Ngày 28/2, trao đổi với Dân Việt, ông Vạn Quan Phú Đoan – Giám đốc HTX sản xuất Thương mại và Dịch vụ gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) cho biết, mấy ngày qua ông và nhiều xã viên trong HTX rất phấn khởi khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 182/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030".

Nông dân Ninh Thuận kỳ vọng Quyết định 182 của Thủ tướng Chính phủ sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể- Ảnh 1.

Ông Vạn Quan Phú Đoan – Giám đốc HTX sản xuất Thương mại và Dịch vụ gốm Bàu Trúc ở Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Theo ông Đoan, những nội dung Quyết định 182 đã ban hành thể hiện rõ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đối với phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp hiện nay. Quyết định này cũng thể hiện sự chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Chăm ở Ninh Thuận nói riêng.

"Đây cũng là cơ hội để các HTX trong đồng bào dân tộc Chăm như chúng tôi có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn và tham gia liên kết sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với những HTX mới thành lập như HTX sản xuất Thương mại và Dịch vụ gốm Bàu Trúc", ông Đoan cho hay.

Ông Đoan cho biết, việc phát kinh tế tập thể, trong đó có kinh tế HTX là hướng đi phù hợp trong điều kiện hiện nay. Để dẫn chứng, ông Đoan cho biết, hiện nay ở làng gốm Bàu Trúc có 2 HTX chuyên sản xuất gốm Chăm truyền thống.

Nông dân Ninh Thuận kỳ vọng Quyết định 182 của Thủ tướng Chính phủ sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể- Ảnh 2.

Các phụ nữ Chăm làm gốm hoàn toàn bằng tay. Ảnh: Đức Cường

Trong đó, HTX sản xuất Thương mại và Dịch vụ gốm Bàu Trúc do ông làm giám đốc tuy mới thành lập hơn 1 năm nhưng hoạt động rất hiệu quả, tạo được niềm tin, phấn khởi cho xã viên. Bằng chứng là số xã viên đăng ký tham gia HTX tăng dần theo thời gian, từ 7 thành viên sáng lập ban đầu nay tăng lên 19 xã viên, vốn điều lệ gần 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cái "khó" của HTX sản xuất Thương mại và Dịch vụ gốm Bàu Trúc hiện nay là chưa có quỹ đất để xây dựng văn phòng HTX, nhà trưng bày gốm và đặc biệt là nguồn vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Nông dân Ninh Thuận kỳ vọng Quyết định 182 của Thủ tướng Chính phủ sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể- Ảnh 3.

Sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc ở Ninh Thuận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo tồn khẩn cấp. Ảnh: Đức Cường

"Vì thế, chúng tôi kỳ vọng Quyết định 182 của Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo điều kiện để HTX phát triển, giúp HTX tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi, được tạo điều kiện về quỹ đất để xây dựng văn phòng, phục vụ nhu cầu giới thiệu sản phẩm gốm Chăm truyền thống đến bạn bè, du khách gần xa. Việc này sẽ góp phần nâng cao kinh tế cho bà con nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…", ông Đoan cho hay.

Chắp cánh phát triển kinh tế tập thể ở Ninh Thuận

Cùng với HTX sản xuất Thương mại và Dịch vụ gốm Bàu Trúc, nhiều hội viên nông dân là xã viên HTX dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải rất phấn khởi và kỳ vọng Quyết định 182 của Chính phủ sẽ tiếp tục đưa kinh tế tập thể nông nghiệp ở địa phương này phát triển.

Nông dân Ninh Thuận kỳ vọng Quyết định 182 của Thủ tướng Chính phủ sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể- Ảnh 4.

Thu mua măng tây xanh của người Chăm ở HTX dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú ở Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Theo ông Từ Văn Hay – Phó Giám đốc HTX Tuấn Tú, nhiều năm qua nông dân người Chăm ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải đã chủ động tham gia mô hình kinh tế hợp tác và xây dựng chuỗi liên kết để nâng cao giá trị cây măng tây xanh. Nhờ trồng măng tây, nhiều hộ người Chăm nơi đây đã thoát nghèo bền vững để vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Để dẫn chứng, ông Hay cho biết, HTX dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú được thành lập năm 2016 với 13 thành viên. Đến nay, số thành viên HTX đã nâng lên 84 người với tổng diện tích trồng măng tây xanh hơn 55 ha.

"Trước đây thành viên HTX đa phần hộ nghèo khó khăn, nhưng hiện nay trong 84 thành viên HTX không có thành viên nào thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương. Trung bình mỗi ngày, HTX thu mua từ 2-3 tạ măng tây xanh của thành viên…", ông Hay cho biết.

Nông dân Ninh Thuận kỳ vọng Quyết định 182 của Thủ tướng Chính phủ sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể- Ảnh 5.

Nông dân Từ Văn Hay, Phó Giám đốc HTX Tuấn Tú kỳ vọng Quyết định 182 sẽ chắp cánh cho HTX của ông bay cao. Ảnh: Đức Cường

Cũng theo ông Từ Văn Hay, Quyết định 182 sẽ là cơ hội mới để HTX Tuấn Tú nói riêng và nhiều HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Ninh Thuận nói chung tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới. Đặc biệt các HTX này sẽ có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, tiếp cận khoa học kỹ thuật và kết nối tiêu thụ sản phẩm nhiều hơn.

"Chúng tôi kỳ vọng sẽ được tiếp cận nhiều hơn với các nguồn hỗ trợ vốn để ứng dụng công nghệ vào sản xuất măng tây xanh. Bên cạnh đó, HTX cũng hy vọng có các nguồn giống măng tây mới nhằm thay thế các giống cũ để bà con yên tâm sản xuất, hình thành vùng chuyên măng tây đặc thù ở Ninh Thuận…", ông Hay cho cho hay.

Tính đến 31/12/2023, toàn tỉnh Ninh Thuận có 121 hợp tác xã với số vốn điều lệ gần 250 tỷ đồng. Riêng trong năm 2023 tỉnh này thành lập mới 15 HTX với vốn đăng ký 100 tỷ đồng. Các hợp tác xã hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp có 92 HTX, chiếm 76,03%; sản xuất tiểu thủ công nghiệp 09 HTX (chiếm 7,44%); kinh doanh dịch vụ tổng hợp 10 HTX (chiếm 8,26%); lĩnh vực vận tải 07 HTX (chiếm 5,79%%) và 03 Quỹ tín dụng nhân dân (chiếm 2,48%).

Doanh thu bình quân của HTX năm 2023 đạt 2.350 triệu đồng/HTX, trong đó doanh thu đối với các thành viên đạt 1.800 triệu đồng/năm; lợi nhuận bình quân đạt 230 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX đạt 60 triệu đồng/người.

Từ nguồn ngân sách địa phương tỉnh đã bố trí vốn hỗ trợ cho các HTX 20 tỷ đồng trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và UBND tỉnh đã phân bổ cho UBND các huyện, thành phố để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cho các HTX.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem