Dân Việt

Bí thư Vĩnh Phúc Dương Văn An: Kỳ họp HĐND tỉnh "rất đặc biệt" khi thiếu Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND

Quỳnh Nguyễn 11/07/2024 11:18 GMT+7
Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc Dương Văn An nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 16 của HĐND tỉnh diễn ra trong điều kiện "rất đặc biệt": Thiếu Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND tỉnh.

Vĩnh Phúc vượt khó vươn lên

Từ ngày 10 - 12/7, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII tổ chức Kỳ họp thứ 16. Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Trung Hải, đây là kỳ họp có ý nghĩa rất quan trọng để HĐND tỉnh xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.

Bí thư Vĩnh Phúc Dương Văn An: Kỳ họp HĐND "rất đặc biệt" khi thiếu Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND- Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An. Ảnh: Báo Vĩnh Phúc

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Dương Văn An nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 16 của HĐND tỉnh diễn ra trong điều kiện "rất đặc biệt": Thiếu chức danh Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND tỉnh. Do đó, có những nội dung thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định phải dừng lại. Nhiều thành viên UBND tỉnh do HĐND tỉnh bầu đang khuyết, thiếu cần thay thế, bổ sung nhưng chưa thực hiện được.

Cùng với đó, nửa đầu năm Vĩnh Phúc cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, chịu nhiều tác động bởi các yếu tố. 

"Nhiều cán bộ chủ chốt bị khởi tố, bắt tạm giam, bị kỷ luật... Cán bộ, công chức, người dân, cộng đồng doanh nghiệp có nhiều tâm trạng đan xen", Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Dương Văn An, với tinh thần vượt khó vươn lên, những kết quả mà tỉnh Vĩnh Phúc đạt được trong 6 tháng đầu năm rất đáng trân trọng.

Kết quả thu hút đầu tư trong 6 tháng đầu năm đạt 435,8 triệu USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ và vượt mục tiêu kế hoạch năm đã chứng minh điều đó. Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc cũng đánh giá cao kết quả hoạt động của HĐND tỉnh trong 6 tháng đầu năm. 

Bí thư Vĩnh Phúc Dương Văn An: Kỳ họp HĐND "rất đặc biệt" khi thiếu Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND- Ảnh 3.

Kỳ họp thứ 16 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra từ ngày 10 - 12/7. Ảnh: Báo Vĩnh Phúc

Tuy nhiên, ông Dương Văn An chỉ rõ, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như công tác quản lý nhà nước, đã được nhân dân và cử tri phản ánh. 

Cụ thể là tăng trưởng kinh tế thấp; thu ngân sách phụ thuộc vào một số doanh nghiệp ô tô-xe máy; số vốn đăng ký của các dự án còn khiêm tốn; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp còn thấp; du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, một số dự án chậm tiến độ; tỷ lệ sử dụng nước sạch thấp; các chỉ số cải cách hành chính chưa tốt…

Đáng chú ý, về dịch vụ, du lịch, dù có nhiều cảnh quan đặc sắc như Tam Đảo, Tây Thiên, Hồ Đại Lải..., song theo ông An, doanh thu du lịch của Vĩnh Phúc rất thấp. Năm 2022 có 8,2 triệu lượt khách với mức doanh thu 3.282 tỷ đồng, trong 6 tháng năm 2024 có 5,89 triệu lượt khách với mức doanh thu chỉ đạt 2.280 tỷ đồng.

Nói cách khác, mỗi khách du lịch đến tỉnh Vĩnh Phúc chỉ tiêu khoảng 370.000 đồng. Dù mức chi tiêu này chưa được thống kê đầy đủ, nhưng ông An cho rằng, con số "quá nhỏ" như vậy cho thấy hiệu quả của ngành du lịch là rất thấp, cần có chiến lược cụ thể để phát triển du lịch của tỉnh đạt hiệu quả hơn.

Về giải ngân đầu tư công, dù cao hơn bình quân chung cả nước nhưng Vĩnh Phúc chỉ đạt 35%, riêng tỷ lệ giải ngân cấp tỉnh đạt 18,7%, thấp hơn bình quân chung cả nước.

Giải quyết nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã gợi mở một số vấn đề để HĐND tỉnh xem xét. Đó là trên cơ sở phân tích, đánh giá kết quả đạt được, đề nghị các đại biểu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong công tác tổ chức thực hiện và những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách; dự báo tình hình, những thuận lợi, khó khăn, để từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đề ra; đồng thời làm cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025 (năm cuối của nhiệm kỳ), trong đó chú ý những vấn đề mà tỉnh ta còn yếu như: Tái cơ cấu ngành công nghiệp, thu hút đầu tư (hướng tới thu hút các dự án đầu tư có chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường; ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao, công nghệ xanh, tuần hoàn, có sự liên kết và tác động lan tỏa với doanh nghiệp trong nước, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu ...); cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao... nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, kinh nghiệm để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc nêu rõ, tại kỳ họp mới đây, Quốc hội thông qua một số luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở…, ông đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành ngay các văn bản thực hiện. Ông cũng đề nghị đại biểu HĐND giám sát chặt chẽ kiến nghị của cử tri, HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung các kỳ họp để nâng cao hiệu quả hoạt động…

"Qua các cuộc tiếp xúc cử tri (trước, trong và sau kỳ họp), chúng ta đã nắm bắt được nhiều tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cử tri trong toàn tỉnh. Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã thông báo kết quả tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; đây là nguyện vọng và đề xuất chính đáng, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống của nhân dân. Đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương nghiêm túc tiếp thu, nêu cao trách nhiệm, tăng cường sự phối hợp để giải quyết có kết quả các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân.

Đề nghị Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và từng đại biểu HĐND tỉnh chú ý nhiều hơn việc giám sát kết quả giải quyết các kiến nghị, nguyện vọng của cử tri; kịp thời nêu ý kiến phê bình, chấn chỉnh đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chậm trễ, để kéo dài hoặc đùn đẩy trách nhiệm", ông Dương Văn An nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc còn đề nghị Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh nghiên cứu, tiếp tục đổi mới chương trình các kỳ họp. Trong quá trình xây dựng chương trình các kỳ họp, HĐND tỉnh không chỉ chờ UBND tỉnh trình sau đó mới đưa vào nội dung kỳ họp mà cần chủ động rà soát hoặc qua giám sát, tiếp xúc cử tri nhận thấy vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương nhưng chưa được thể chế hóa hay cần có chế độ, chính sách đặc thù về một lĩnh vực cụ thể thì HĐND tỉnh nêu vấn đề, giao nhiệm vụ, nhắc nhở, đôn đốc UBND tỉnh nghiên cứu, đề xuất, trình HĐND tỉnh cho ý kiến hoặc quyết định.

Nghiên cứu, bổ sung vào chương trình các kỳ họp nội dung báo cáo về tiến độ triển khai, kết quả thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành để theo dõi, giám sát kết quả thực hiện, không để xảy ra tình trạng nghị quyết đã ban hành nhưng không hoặc chậm triển khai thực hiện.

Nhấn mạnh, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm còn rất nặng nề, ông Dương Văn An quán triệt đại biểu HĐND tỉnh Vĩnh Phúc phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, trí tuệ khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.