Tin từ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, Trung tâm vừa tiếp nhận 1 bệnh nhân bị nhiễm độc thủy ngân do vỡ nhiệt kế. Đáng nói, bệnh nhân không hề nghĩ rằng mình bị nhiễm độc, chỉ khi ngón tay sưng lớn, đau nhức mới đi khám.
Bệnh nhân là L.T.H (Hải Phòng), nhập viện trong tình trạng ngón tay áp xe, sưng mủ. Bệnh nhân cho biết, trong quá trình chuẩn bị đo nhiệt độ cho con bị sốt cao, chị đã vẩy nhiệt kế để cột thủy ngân trở về mức bình thường, tuy nhiên, đầu chứa thủy ngân của nhiệt kế đã không may chọc mạnh vào ngón trỏ bàn tay trái, dẫn tới đầu nhiệt kế vỡ đồng thời cắm vào ngón tay.
Chị H đã không ngờ thuỷ ngân từ nhiệt kế đã bị “kẹt lại” trong phần mềm ngón tay và có nguy cơ hấp thu vào máu và sâu trong cơ thể, vì vậy, chị không đi bệnh viện kiểm tra.
Sau đó 3 ngày, ngón tay bị nhiệt kế chọc vào sưng mủ áp se, chị H mới đi khám. Các bác sĩ bệnh viện địa phương sau khi khai thác nguyên nhân tai nạn đã tư vấn chị lên Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai để được thăm khám kỹ.
Tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân đã được khám, làm các xét nghiệm, chụp Xquang cho thấy thủy ngân đang tập trung ở trong tổ chức phần mềm dưới da của ngón tay trỏ bên trái và chưa gây nhiễm độc toàn thân.
Tuy nhiên, nếu để thủy ngân ở đó thì sẽ khuếch tán và hấp thu dần vào máu, gây nhiễm độc và tổn thương các cơ quan, đồng thời việc chữa trị bằng thuốc thải độc sẽ rất mất thời gian và phức tạp. Do đó, đơn vị đã hội chẩn và phối hợp cùng các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ để mổ khẩn cấp cho bệnh nhân L.T.H để loại bỏ phần thủy ngân này.
Theo TS, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, trường hợp bệnh nhân bị nhiễm độc thuỷ ngân từ nhiệt kế do chọc vào tay rất hi hữu. Thủy ngân là kim loại nặng có độc tính cao, rất nguy hiểm cho cả người bệnh và cả đội ngũ y bác sĩ phẫu thuật.
“Với người bệnh, nếu không lấy hết ra khỏi người thủy ngân còn đó sẽ gây ngộ độc dai dẳng và chữa trị rất khó khăn. Còn với ê kíp bác sĩ, nguy cơ bị nhiễm độc thủy ngân cũng rất cao khi vị trí thủy ngân được làm nóng lên do chiếu đèn, đặc biệt khi dùng dao điện, khi đó thuỷ ngân từ dạng kim loại lỏng sẽ bay hơi và kíp mổ có thể hít phải và bị nhiễm độc”, TS Nguyên nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Nguyên, ca bệnh này tuy có vết thương nhỏ nhưng lại rất khó xử lý, do thuỷ ngân nhỏ, tản mát dưới da ngón tay.
Khi xử lý các bác sĩ phải rất tỉ mỉ. Quá trình làm cũng đòi hỏi vừa đảm bảo xử lý dứt điểm, gắp được hết thuỷ ngân trong ngón tay bệnh nhân, vừa giữ an toàn cho toàn ê-kíp. Bệnh nhân vào muộn hơn chút nữa, nguy cơ hoại tử chi phải cắt bỏ là rất cao.
Hiện bệnh nhân L.T.H đã ổn định, thủy ngân đã được gắp hết hoàn toàn khỏi ngón tay. Dự kiến bệnh nhân sẽ sớm được ra viện trong thời gian tới.
TS Nguyên cho biết, thủy ngân là một trong những kim loại nặng độc đầu bảng. Trong cuộc sống hiện nay, thủy ngân có trong nhiệt kế, trong thuốc y học cổ truyền (ở dạng quặng là thần sa, chu sa), được đưa một cách trái phép vào nhiều loại kem tẩy nám, kem làm trắng da,…
Thủy ngân vào cơ thể rất dễ dàng qua đường tiêu hóa, qua da và đường hô hấp (trừ loại thủy ngân kim loại từ nhiệt kế về cơ bản không hấp thu). Khi đã vào cơ thể rồi thì mất nhiều tháng, thậm chí có một số dạng thủy ngân ở não mất nhiều năm đến nhiều thập kỷ mới đào thải hết.
Thủy ngân khi vào trong cơ thể tùy theo dạng thủy ngân và đường tiếp xúc sẽ gây độc, tổn thương nhiều cơ quan khác nhau như não (tổn thương não, nhiều rối loạn về tâm thần như mất ngủ, rối loạn cảm xúc, kích thích, khó chịu, rối loạn ý thức), về thần kinh bị run, mất điều hòa phối hợp động tác, rối loạn cảm giác, yếu cơ, thu hẹp thị trường (giảm khả năng nhìn), mất phân biệt màu sắc, sợ ánh sáng. Tổn thương thận, suy thận, viêm lợi, viêm miệng,…
"Ở Việt Nam, việc sử dụng nhiệt kế thủy ngân rất phổ biến ở hầu hết mọi gia đình và các cơ sở y tế từ phòng khám đến các bệnh viện. Thực tế cho thấy, nhiệt kế thủy ngân thường xuyên bị vỡ, do đó phát tán lượng lớn thủy ngân ra môi trường.
Thủy ngân trong nguyên liệu và thuốc thành phẩm các thuốc y học cổ truyền cũng rất nhiều, chắc chắn gây nhiễm độc cho nhiều người sử dụng, đồng thời thủy ngân nguyên liệu thậm chí bán ở các con phố ở các thành phố lớn.
Dù là nguyên liệu thuốc y học cổ truyền thì vẫn là chất độc với môi trường mà về nguyên tắc và thực tế ở các nước phát triển con người phải tránh xa. Đây là các thực tế vô cùng bất cập mà chúng ta rất cần giải quyết để tránh gây ô nhiễm môi trường sống và nhiễm độc cho con người, đặc biệt là các thế hệ con cháu mai sau", TS Nguyên phân tích.
TS Nguyên chia sẻ, trong các tai nạn vỡ nhiệt kế thủy ngân, điều quan trọng nhất là tuyệt đối không được làm nóng chỗ thủy ngân, vì làm nóng sẽ khiến thủy ngân bốc hơi và con người sẽ hít phải, dẫn tới nhiễm độc.
Do đó, khi nhiệt kế chứa thủy ngân bị vỡ, người dân tuyệt đối không được dùng máy hút bụi để hút thủy ngân vì khi đó thủy ngân bị làm nóng, bay hơi rất dễ gây nhiễm độc. Thay vào đó hãy gạt hoặc quét nhẹ, thu gom loại bỏ hết các hạt thủy ngân.
Còn nếu không may nuốt phải thủy ngân từ nhiệt kế thì cũng không quá lo lắng vì đây là trường hợp thủy ngân nguyên tố (không hấp thu qua đường tiêu hóa).
Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ cho chụp X.quang ngực và bụng đề phát hiện thủy ngân rất dễ dàng, nếu có thì sẽ dùng thuốc nhuận tràng để đào thải thủy ngân ra ngoài cơ thể qua đường tiêu hóa.
"Với người dân, nên tiến tới ưu tiên dùng nhiệt kế khác thay cho loại nhiệt kế thủy ngân, tránh xa các thuốc y học cổ truyền có chứa thành phần thủy ngân.
Với cơ quan quản lý thì cần nhanh chóng loại bỏ các vị thuốc là các kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen ra khỏi danh mục các vị thuốc y học cổ truyền, ngừng sản xuất lưu hành nhiệt kế và các dụng cụ đo lường có chứa thủy ngân và thay thế bằng các vật liệu an toàn", TS Nguyên khuyến cáo.