Vào chiều ngày 12/7, Anant Ambani, người thừa kế của đế chế Reliance Industries và là con trai út của tỷ phú Mukesh Ambani, đã chính thức nên duyên vợ chồng với Radhika Merchant, ái nữ của ông trùm dược phẩm Viren Merchant. Hôn lễ được tổ chức theo nghi thức truyền thống Hindu long trọng tại Trung tâm Hội nghị Jio World, kéo dài suốt 4 ngày từ 12 đến 15/7.
Nhiều người Ấn Độ hân hoan trước sự trỗi dậy của các ông trùm như Mukesh Ambani. Đối với họ, nghèo đói là chuyện thường tình ở Ấn Độ, nhưng sự phô trương giàu sang như vậy thì không.
Đám cưới của Anant Ambani (phải) và Radhika Merchant khiến giao thông ở khu trung tâm Mumbai (Ấn Độ) tê liệt. Ảnh: NYT.
Đám cưới này là cái kết của chuỗi lễ hội kéo dài hàng tháng trời, đánh dấu sự xuất hiện của giới tỷ phú Ấn Độ không e dè trên trường quốc tế, đồng thời phô bày một "Thời đại vàng son" mới của đất nước.
Suốt năm qua, đám cưới của cặp đôi trẻ đã thu hút sự chú ý toàn cầu với những màn phô trương tài sản không tiếc tay. Hàng triệu USD được chi cho kim cương, ngọc lục bảo cỡ bằng thẻ tín dụng, sari cao cấp, thiệp cưới bằng vàng bạc.
Không chỉ xa hoa với kim cương, ngọc lục bảo, siêu du thuyền, đám cưới con trai út của tỷ phú Mukesh Ambani còn gây choáng ngợp với dàn máy bay riêng "khủng" cùng danh sách khách mời toàn những nhân vật "máu mặt".
Theo Rajan Mehra, giám đốc điều hành công ty cho thuê máy bay Club One Air, gia đình tỷ phú giàu nhất châu Á đã thuê tới 100 máy bay riêng, bao gồm 3 chiếc Falcon-2000 sang trọng, để đưa đón khách mời từ khắp nơi trên thế giới đến dự đám cưới của Anant Ambani tại Mumbai.
"Các vị khách đến từ khắp nơi trên thế giới, và đội bay riêng sẽ đảm nhiệm việc đưa đón họ đến nhiều địa điểm khác nhau trên khắp Ấn Độ, nơi diễn ra các sự kiện trong đám cưới của Anant", ông Mehra tiết lộ.
Hôn lễ kéo dài 4 ngày, bắt đầu từ ngày 12/7, được xem là sự kiện trọng đại của Mumbai với sự tham dự của hàng loạt nhân vật VIP, từ doanh nhân, chính trị gia đến người nổi tiếng trong và ngoài nước.
Dàn khách mời "khủng" bao gồm cựu thủ tướng Anh Tony Blair và Boris Johnson, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh, cùng các ngôi sao hàng đầu như ca sĩ Justin Bieber, Kim Kardashian, diễn viên Jean-Claude Van Damme, đô vật John Cena, cựu vô địch quyền Anh Mike Tyson, vợ chồng David Beckham, Adele...
Để đảm bảo an ninh và sự riêng tư cho đám cưới, các tuyến đường xung quanh Trung tâm Hội nghị Jio World, nơi diễn ra hôn lễ, đã bị phong tỏa, chỉ cho phép "xe phục vụ sự kiện" lưu thông trong khoảng thời gian từ 13h đến 0h các ngày 12-15/7.
Tầng lớp siêu giàu "trỗi dậy" tại Ấn Độ
Sự kiện này hé lộ cuộc sống xa hoa của giới thượng lưu Ấn Độ, một số ít cá nhân và gia tộc lớn tích lũy khối tài sản khổng lồ trong những năm gần đây. Nhờ tăng trưởng kinh tế bùng nổ và chính sách hỗ trợ của chính phủ, số lượng tỷ phú Ấn Độ và tài sản của họ đã tăng vọt. Họ kiểm soát nền kinh tế, sở hữu các mạng lưới viễn thông, bệnh viện, siêu thị, cao ốc...
Năm 2000, Ấn Độ có 9 tỷ phú, theo Oxfam. Con số này nay đã là 200, với tổng tài sản gần 1 nghìn tỷ USD, chiếm gần 1/4 GDP cả nước năm 2023 (theo Forbes).
Sự giàu có của họ tương phản rõ rệt với tình trạng nghèo đói của đại đa số người dân, gợi nhớ đến thời kỳ "Mạ vàng" ở Mỹ, khi các ông trùm công nghiệp phô trương sự giàu có giữa bối cảnh xã hội bất bình đẳng.
Kavil Ramachandran, giáo sư Trường Kinh doanh Ấn Độ, cho rằng sự gia tăng số lượng tỷ phú là hệ quả của tốc độ tăng trưởng cao và tinh thần mạnh mẽ của các doanh nhân trong hơn 2 thập kỷ qua.
Ấn Độ đã có bước chuyển mình mạnh mẽ từ mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa trước đây. Cho đến năm 1990, các doanh nghiệp phải xin nhiều giấy phép từ chính phủ mới được hoạt động. Sau khi mở cửa nền kinh tế, một số công ty trong nước đã nắm bắt cơ hội, đa dạng hóa hoạt động và vươn lên thành các tập đoàn lớn.
Những năm 2000, ngành công nghệ thông tin bùng nổ đã sản sinh ra nhiều tỷ phú mới. Điển hình là Azim Premji, người biến Wipro từ một công ty dầu ăn thành gã khổng lồ công nghệ, hay Nandan Nilekani, đồng sáng lập Infosys và góp phần tạo ra hệ thống nhận dạng công dân Aadhar.
Gautam Adani, người đứng đầu tập đoàn cảng biển lớn nhất Ấn Độ Adani Group, cũng tận dụng làn sóng phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng để tích lũy khối tài sản hơn 80 tỷ USD.
Ông Ambani, với tổng tài sản lên tới 115 tỷ USD, là người giàu nhất châu Á. Tập đoàn Reliance Industries của gia đình ông, được thành lập bởi cha ông, được coi là đại diện cho sự trỗi dậy kinh tế của Ấn Độ.
Reliance hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ lọc dầu, viễn thông, truyền hình, giải trí đến bán lẻ.
Nhiều người Ấn Độ coi sự giàu có của ông Ambani là niềm tự hào dân tộc. Đám cưới của con trai ông thu hút sự chú ý toàn cầu càng khiến họ hãnh diện. Với họ, nghèo đói là điều hiển nhiên, còn sự giàu có mới là điều đáng kinh ngạc.
"Dựa trên mức độ giàu có của nhà Ambani, đám cưới này là hoàn hảo", Mani Mohan Parmar, một người dân Mumbai, nhận xét. "Ngay cả người bình thường cũng chi tiêu quá khả năng cho đám cưới. Vậy nên không có gì là quá đáng khi Ambani tiêu tiền theo ý thích của mình."
Sự giàu có và quyền lực của gia đình Ambani lớn đến nỗi việc sử dụng nguồn lực công để phục vụ đám cưới cũng được coi là điều đáng tự hào. Tháng 3 vừa qua, lễ tiền đám cưới tại Jamnagar, nơi đặt nhà máy lọc dầu của Reliance, đã khiến sân bay địa phương quá tải. Cơ quan hàng không dân dụng và không quân Ấn Độ đã phải vào cuộc để giúp quản lý giao thông hàng không.
Tranh cãi xung quanh đám cưới phô trương
Tuy nhiên, không phải ai cũng tán thành lối sống xa hoa của giới siêu giàu. Rashmi Venkatesan, giảng viên luật nhân quyền và văn hóa đại chúng tại Trường Luật Quốc gia thuộc Đại học Ấn Độ, cho rằng đám cưới nhà Ambani là một sự "tôn vinh" quá mức đối với tiền bạc.
Gia đình Ambani không tiết lộ chi phí chính xác cho đám cưới xa hoa này, nhưng những con số ước tính đủ khiến người ta choáng ngợp. Ông Ashwini Arya, chủ sở hữu một công ty tổ chức sự kiện với kinh nghiệm dày dặn, dự đoán rằng nhà tỷ phú có thể đã chi từ 132 đến 156 triệu USD.
Tuy nhiên, theo tờ The Guardian, tổng chi phí cho toàn bộ chuỗi lễ hội kéo dài bốn tháng có thể lên tới 600 triệu USD - một con số khổng lồ, nhưng vẫn chỉ chiếm chưa đến 0,5% tổng tài sản của gia tộc Ambani.
Riêng phần biểu diễn của các ngôi sao ca nhạc cũng đã ngốn một khoản tiền không nhỏ. Rihanna được cho là đã nhận 7 triệu USD cát-xê, trong khi con số dành cho Justin Bieber được đồn đoán là 10 triệu USD. Thậm chí, có thông tin cho rằng Adele cũng sẽ góp mặt trong đám cưới, nhưng gia đình tỷ phú chưa xác nhận điều này.
Không chỉ dừng lại ở những màn trình diễn xa hoa, gia đình Ambani còn đầu tư mạnh tay vào việc xây dựng 14 ngôi đền bên trong khu phức hợp rộng lớn ở Jamnagar, nhằm giới thiệu di sản văn hóa Ấn Độ và tạo nên một khung cảnh tráng lệ cho đám cưới. Ngoài ra, trong khuôn khổ các sự kiện trước ngày cưới, họ còn tổ chức đám cưới tập thể cho 50 cặp đôi có hoàn cảnh khó khăn, thể hiện tấm lòng nhân ái của mình.
Không chỉ sự gia tăng nhanh chóng của giới tỷ phú, mà cả cách họ tạo ra một tầng lớp "hoàng gia" mới, cũng là điều đáng chú ý. Giống như các gia đình hoàng gia xưa, các tỷ phú ngày nay có xu hướng giữ tài sản trong nội bộ gia tộc, thông qua thừa kế hoặc hôn nhân.
Ba người con của ông Ambani đều đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong Reliance. Năm 2018, con gái ông là Isha kết hôn với con trai một tỷ phú dược phẩm. Anant, chú rể trong đám cưới vừa qua, cũng kết hôn với con gái của một gia đình kinh doanh giàu có khác.