Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh cho biết: Các cấp Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh đã tích cực ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số trong công tác, giúp hoạt động Hội ngày càng hiệu quả. Trong đó, Hội chú trọng kết nối phần mềm để làm việc, xử lý văn bản trên máy vi tính và điện thoại thông minh, giúp hoạt động Hội ngày càng hiệu quả.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền đến hội viên, nông dân. Trang thông tin điện tử của Hội hoạt động ngày càng tốt, cập nhật các thông tin hoạt động của Hội các cấp giúp hội viên, nông dân nắm được hoạt động và các chỉ đạo của Hội cấp trên…
Cùng với xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả, các cấp Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh đã tập trung tuyên truyền, hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tạo sản phẩm đạt chất lượng.
Theo đó, Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh ký kết thỏa thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong nông nghiệp và kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử. Hiện có 184 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, những sản phẩm OCOP đã vào các siêu thị và trên các sàn thương mại điện tử, từ đó tạo được niềm tin người tiêu dùng bằng những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đến nay, đã thu thập thông tin người mua lên trang thương mại điện tử travinh.posmart.vn được 28.090 người tham gia, có 80 sản phẩm đưa lên sàn mua bán.
Ông Ngô Văn Đệ ở xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh là điển hình nông dân giỏi với mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Năm 2023, ông Ngô Văn Đệ được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Nói về hiệu quả mô hình nuôi tôm công nghệ cao của mình, ông Đệ cho biết, hiện khu nuôi tôm tập trung của ông Đệ có diện tích trên 10ha với 20 ao công nghệ. Nuôi tôm công nghệ cao cho sản lượng cao, sản phẩm sạch, bán được giá cao hơn giá thị trường nên giúp ông Đệ thu lợi nhuận thấp nhất từ 1-4 tỷ đồng/vụ nuôi, tính ra lợi nhuận là 8-9 tỷ/năm..
Chia sẻ về việc ứng dụng chuyển đổi số trong mô hình nuôi tôm công nghệ cao, ông Đệ nói thêm: "Hiện nay, tôi còn thử nghiệm việc quản lý, vận hành quá trình nuôi thông qua ứng dụng cài đặt trên điện thoại. Ứng dụng này có thể quản lý tất cả, trong đó có việc sử dụng bao nhiêu lượng thức ăn cho tôm mỗi ngày, tiền công cho nhân công là bao nhiêu" - ông Đệ nói.
Do mô hình nuôi tôm công nghệ cao có hiệu quả nên 2019, ông Đệ được ngành chức năng địa phương vận động làm Giám đốc HTX nông nghiệp Long Khánh. Đến nay, HTX đã có 60 xã viên nuôi tôm công nghệ cao và đều đạt hiệu quả cao. Trong đó, có 12 xã viên đã thoát nghèo bền vững.
Còn tại xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, Hội Nông dân huyện Châu Thành xây dựng được mô hình "Trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ cao" với quy mô 1.000m2.
Anh Thạch Chanh Thi - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Hòa A cho biết: Xã Lương Hòa A có tỷ lệ trên 70% là người dân tộc Khmer, chủ yếu sống bằng nghề nông. Tình hình biến đổi khí hậu, hạn, mặn diễn ra ngày càng gây gắt ảnh hưởng nhiều đến sản xuất của nông dân.
Từ thực trạng đó, Hội Nông dân xã Lương Hòa A đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để thích ứng. Năm 2019, Hội đã thành lập Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng màu công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị và thực hiện mô hình trồng dưa lưới, trồng màu trong nhà màng, với 11 hội viên tham gia. Từ tổng số tiền đầu tư 2,35 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương 1 tỷ đồng, số tiền còn lại hội viên đối ứng, Tổ triển khai xây dựng nhà màng trên diện tích 1ha.
Ông Huỳnh Sa Rây - Tổ trưởng tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng màu công nghệ cao xã Lương Hòa A cho biết: Với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, qua nhiều vụ sản xuất, tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng màu công nghệ cao đã ứng dụng chuyển đổi số trong đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt, bón phân. Đơn cử như gia đình tôi cài đặt chương trình tự động tưới, khoảng 20 phút hệ thống tưới nhỏ giọt hoạt động một lần nên dù tôi có đi hội họp hay công việc ở xa, hệ thống đều tự động tưới nước.
Bên cạnh đó, tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng màu công nghệ cao xã Lương Hòa A cũng đăng ký trang web bán dưa lưới trên sàn thương mại điện tử và nhận thấy khá hiệu quả. Đến nay, mô hình nhân rộng 10.000m2 với 12 hộ tham gia, thu nhập bình quân trên 150 triệu đồng/năm/công (nhà màng), 80 triệu/đồng/năm (nhà lưới).
Từ mô hình "Trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ cao" của nông dân Châu Thành, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục nhân rộng được 40.000m2 nhà màng và nhà lưới ở những địa phương trong tỉnh và 740 mô hình ứng dụng công nghệ cao khác, có 10.526 hội viên tham gia, diện tích 1.026ha.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Cà Mau cho biết: Để thúc đẩy tiến trình chuyển đối số trong nông nghiệp, thời gian tới Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ nông dân trong việc nâng cao kiến thức về chuyển đối số, thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của nông dân sang một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm. Đồng thời, hướng dẫn nông dân trực tiếp tham gia xây dựng các dữ liệu lớn về nông nghiệp để nông dân quyết định hướng sản xuất - kinh doanh phù hợp.