Tôi rất thích hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn". Hai câu thơ ấy như nói thay nỗi lòng, bày tỏ sự lưu luyến, tình cảm của bất kì ai khi may mắn được đặt chân đến một vùng đất mà mình đã "thầm thương, trộm nhớ". Để rồi, đến khi ra về trong lòng có sự nuối tiếc, nhớ nhung.
Và với tôi, một người được sinh ra ở miền núi nơi mảnh đất Tây Bắc đầy nắng gió tôi cũng đã từng rất nhiều lần trong tiềm thức phải trải qua những cung bậc cảm xúc hụt hẫng, tiếc nuối khi phải rời xa trái tim của cả nước, nơi có nền văn hóa lâu đời về lịch sử, con người...
Mảnh đất ngàn năm văn hiến, Thủ đô lung linh huyền ảo trong tiềm thức bất cứ ai về sự hiện đại, văn minh cùng nền kinh tế phát triển bậc nhất. Cảm xúc ấy tôi đã từng trải qua khi cách đây 20 năm tôi được may mắn đặt chân đến quận Long Biên để thăm cây cầu thép huyền thoại - dải lụa đào bắc ngang dòng sông Hồng,...
Ngày ấy cách đây 20 năm, tôi khi đó vẫn là một cô sinh viên tỉnh lẻ may mắn được nhà trường tổ chức cho chuyến đi thực tế tham quan Hà Nội, thăm cầu Long Biên kiên cường, dũng cảm. Nhìn từ xa "dải lụa đào" vào lúc chiều tà đẹp một cách huyền ảo, mềm mại nằm uốn mình nơi dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa.
Thế nhưng, khi tiến lại gần, được đặt chân lên chứng nhân lịch sử "bằng xương bằng thịt" tôi cùng bè bạn ai cũng cảm thấy sự bồi hồi xen lẫn niềm tự hào về lịch sử cha ông. Chính "chứng nhân" ấy đã chứng kiến bao sự thăng trầm của người dân Thủ đô tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Được tận tay sờ vào phần hoen rỉ thể hiện sự lâu đời của nhân chứng, được chứng kiến nhiều "vết thương" nơi thân cầu khi bị máy bay Mỹ ném bom tôi như thấy được sự kiên cường của cây cầu thép cũng như sự đoàn kết mạnh mẽ của dân tộc ta. Đồng thời, tôi vẫn nhớ mãi cái cảm giác được tận mắt ngắm nhìn cuộc sống thanh bình của người dân Hà Nội từ trên cây cầu huyền thoại, đó là niềm tự hào và cảm xúc hạnh phúc.
Quận Long Biên trong tôi khi ấy là cả sự giản dị đầy khiêm nhường như chính "chứng nhân" lịch sử đang hằng ngày, hàng giờ chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi đây.
20 năm sau kể từ chuyến thăm đầu tiên, tôi cũng đã rất nhiều lần trở lại Hà Nội, đi qua rất nhiều tuyến phố, con đường, được hòa vào cuộc sống của người dân Thủ đô, được thong dong ngắm nhìn và mong muốn ôm cả Thủ đô vào lòng như đứa con đi xa được trở về thăm nhà, thăm "gia đình".
Và rồi tôi lại có dịp trở lại thăm "cố nhân", thăm quận Long Biên mà nhiều năm trước tôi đã từng đặt chân đến. Tôi đã phải ngỡ ngàng cùng cảm xúc hạnh phúc trào dâng với sự thay da đổi thịt của một Long Biên - Hà Nội đầy hiện đại,...
Quận Long Biên trước mắt tôi là một khu đô thị phát triển không ngừng nghỉ với nhiều tuyến phố hiện đại, hàng cây xanh mát. Được một mình dạo quanh các tuyến phố của phường Việt Hưng tôi cảm nhận cuộc sống của người dân Thủ đô là một cuộc sống hạnh phúc qua tiếng cười nói, qua những gánh hàng rong mang hương vị đồng quê, nét sinh hoạt văn hóa đơn sơ, giản dị nhưng không kém phần năng động.
Quận Long Biên giờ đây với nhiều khu công nghiệp quy mô, hiện đại và với nhiều trung tâm thương mại lớn, nhiều tòa nhà cao tầng góp phần không nhỏ tạo sự hoàn hảo tuyệt mĩ về một bức tranh đô thị đầy hiện đại của Hà thành. Bức tranh ấy còn có cả sự hối hả trong giao thương buôn bán, với nhiều công viên, nhiều vườn hoa đang tỏa hương thơm ngát,... Tất cả làm nên một Long Biên đáng sống cùng sự mến khách và trân trọng.
Bên cạnh sự phát triển không ngừng nghỉ của mình, quận Long Biên vẫn không quên nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ những di tích lịch sử văn hóa lâu đời. Đặc biệt, với địa thế nằm bên bờ sông Hồng cùng với nền văn minh sông Hồng lâu đời quận Long Biên bên mang trong mình sự hiện đại và bình yên. Với mỗi chiều tà, người dân, du khách đi dạo, tập thể dục tận hưởng từng cơn gió mát lành từ sông Hồng thổi vào để xua tan đi những ưu phiền của cuộc sống, của gánh nặng mưu sinh,...
Chia tay quận Long Biên cũng như chia tay Hà Nội lòng tôi tự hào về một vùng đất đã cho tôi nhiều kỷ niệm cùng những ký ức về một Thủ đô tươi đẹp. Chính sự phát triển theo hướng hiện đại, văn minh của quận Long Biên đã khiến tôi muốn lưu luyến Hà Nội để không phải dời xa.
Mảnh đất ấy khiến tôi và thật nhiều du khách mong muốn được thêm nhiều lần nữa đặt chân đến để hưởng trọn bầu không khí yên bình nhưng cũng không kém phần sôi động. Để rồi trong tâm trí tôi lại hiện lên suy nghĩ muốn được gắn bó trọn đời với mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.