Ký ức Hà Nội: Nhớ về miếng bánh đa kê bán rong trên phố Thủ đô

Đinh Thành Trung (Hà Nội) Chủ nhật, ngày 14/07/2024 06:27 AM (GMT+7)
Chiều Hà Nội, dạo quanh phố phường được một lúc tôi chợt dừng lại vì thấy chiếc xe đạp gắn tấm biển "bánh đa kê". Rồi nhìn hình ảnh ấy một thời thơ trẻ cứ ào ạt ùa về trong tôi.
Bình luận 0

Hà Nội với nhiều đường phố. Hà Nội với vô vàn ngõ nhỏ và đều có bánh đa kê gánh qua, dạo lại. Tiếng cót két của chiếc xe đạp cũ hay chỉ là quang gánh đi bộ trĩu vai. Tiếng rao lúc nhẹ nhàng lúc ngân vang. "Ai bánh đa kê đây." Có khi là giọng của người bà lớn tuổi. Có lúc lanh lảnh của chị gái chắc chỉ đôi mươi. Lần nọ là một chị mười tám tuổi luôn cười tươi hết cỡ. Chưa cần biết bánh đa kê của chị ngon thế nào cũng đã thấy thích rồi.

Chị bỏ chiếc khăn che mặt xuống. Đen sạm và răng trắng. Trẻ con chỉ nhớ thế thôi còn mọi sự chú ý lại dồn vào mâm bánh đa kê. Lúc ấy chỉ nhớ gió nhè nhẹ thổi nhưng gió tụi trẻ nít sà vào còn lớn hơn nhiều. Trai gái đủ cả, dù chơi bóng đá hay đuổi bắt gần đó cứ thế mà nhao nhao.  

"Chị ơi, cô ơi cho cháu, cháu trước cơ". Bánh đa kê là một trong những món quà vặt rẻ nhất mà. "Từ từ đã, còn nhiều mà", chị bán hàng vẫn giữ nụ cười trên môi, dường như chị cũng bị hút theo cái không khí ào ào của bọn trẻ.

Đó là khung cảnh thường thấy trên một con phố của Hà Nội ba chục năm về trước. Tôi cũng nhớ mang máng vậy thôi. Nhưng hương vị của bánh đa kê thì không thể quên được. Thơm, giòn và ngọt là ba hương vị đặc trưng của món quà vặt này. Khi tiết trời se lạnh hay mùa đông bắt đầu xuất hiện lâm thâm mưa phùn, bánh đa kê ngon nhất là vào lúc đó. 

Trẻ con chơi mệt thì đói bụng. Một miếng bánh đa kê là đủ làm dịu đi chiếc bụng đói meo của lũ nhóc. Chị bán hàng với đôi tay thoăn thoắt lấy miếng bánh ra, mở nắp nồi kê rồi phết đều tay lên miếng bánh đa, sau đó rắc đường lên. Cuối cùng là thêm lớp đậu xanh cùng chút dừa nạo. Nghe đơn giản thế mà bọn trẻ con cứ chăm chú hết sức vào bàn tay để lấy từng miếng bánh khi vừa làm xong.

Miếng bánh thơm ngon béo bùi, ngòn ngọt và dịu dàng. Căn từng miếng giòn rụm và mềm mại. Thích mê tơi và hợp túi tiền lũ trẻ. Nhớ hồi đó ai cũng ăn thật chậm, đứa nào đói thì ngấu nghiến miếng bánh, cùng lúc là hít hà cảm nhận vị thơm của bánh cùng dừa tươi thoang thoảng ở mũi. Đó chính là cảm giác tuyệt vời tuổi thơ, cái cảm giác không thể thay thế dù bằng những món sang chảnh đắt tiền.

Ký ức Hà Nội: Nhớ về miếng bánh đa kê bán rong trên phố Thủ đô- Ảnh 2.

Người dân bán bánh đa kê trên phố Hà Nội. Ảnh: Đinh Thành Trung.

Đơn giản vì đó là tuổi thơ mà. Niềm vui thích với món bánh đa kê khiến tôi, khi đó đã tập tành viết lách phải đi tìm hiểu xem cách làm ra sao. Lân la hỏi chuyện một cô bán bánh đa kê hay đi rong quanh chợ Đồng Xuân thì thấy không quá cầu kỳ nhưng phải có bàn tay chăm chỉ.

Món bánh đa kê quan trọng nhất là nguyên liệu. Món bánh đa kê vẫn hay bán ở Hà Nội là bánh đa kê truyền thống xuất phát chính từ Thủ đô. Bánh đa phải là loại bánh chất lượng tốt có độ giòn cao và chậm bị ỉu. Vừng rang cũng cần đảo vừa tới để dậy hương thơm. Thường thì người bán bánh đa kê sẽ lấy loại bánh đa từ các nhà làm dưới quê, kết hợp với nồi kê tự làm. 

Nấu kê cũng cần biết cách. Hạt kê là loại chuẩn "kê nếp", không pha tạp. Kê ngâm nước vôi loãng trong 3 tiếng rồi quấy liên tục trên bếp nhỏ lửa. Khi kê chín, để nguội là có màu vàng ươm, rõ từng hạt nhỏ trong nồi đặc quánh. Đậu xanh được nấu khô thành viên mịn để khi cho lên lóp kê sẽ tạo cảm giác bắt mắt và kết hợp tốt với kê. Tiếp đến là đường nâu và dừa nạo cũng không tham rẻ mà lấy hàng kém chất lượng.

"Dù là một món bình dân nhưng bánh đa kê cũng cần đảm bảo độ ngon thì mới bán được lần sau chứ", cô bán bánh đa kê khẳng định chắc nịch. Cũng vì đây vốn là món ăn vặt trong gia đình, những người phụ nữ từ nhỏ đã biết làm vì họ học từ bà, từ mẹ, từ họ hàng miền quê. 

Hà Nội từ xưa  cũng là làng thôi, ngay cả bây giờ cũng còn có nhiều làng cổ trong nội thành. Lớn lên, các cô các bà lên thành phố kiếm sống bằng chính món quà quê dân dã ấy, cũng là một phần trong đội quân từ ngoại thành và các miền quê lân cận lên Thủ đô mà đem theo một phần hương vị quê nhà.

Rồi đến khi xa xứ, nhìn các món ăn nhanh nơi đất khách, lại nhớ đến món bánh đa kê ngọt ngào tuổi thơ. Hình ảnh ấy, hương vị ấy cứ vương vấn trong lòng, đến khi trở về Hà Nội làm miếng bánh đa kê sau mấy chục năm vẫn giữ được hương vị năm nào.

Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem