Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ngày càng phát triển kéo theo lượng chất thải rắn ngày càng tăng. Để bảo vệ môi trường, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng trong việc xử lý triệt để chất thải rắn (CTR). Trong đó, vai trò tiên phong của các doanh nghiệp đang được triển khai thực hiện một cách có hiệu quả.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) bao gồm cả đô thị và nông thôn, phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.189,1 tấn/ngày (khoảng 434.022 tấn/năm). Trong đó, khối lượng được thu gom, xử lý là 1.139,1 tấn/ngày đạt 95,8%.
Hiện nay, Quảng Ninh đang vận hành các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, gồm: 19 cơ sở xử lý bằng phương pháp đốt, compost; 4 khu chôn lấp thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh tại xã Vũ Oai và Hòa Bình, thành phố Hạ Long; tại phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả; xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu và tại huyện Cô Tô; 01 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt thô sơ, kết hợp đốt thủ công tại thôn Xóm Lương, xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên.
Hiện nay, Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (QNC) là một trong 2 đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thực hiện đồng xử lý chất thải công nghiệp thông thường để thay thế nguyên liệu, nhiên liệu.
Thông tin với Dân Việt, ông Nguyễn Trường Giang - Phó Tổng Giám đốc QNC cho biết, doanh nghiệp có nhiệm vụ chính là sản xuất xi măng với những công việc đặc thù liên quan đến khai thác, vận chuyển đất sét, than, đá, lò nung, máy nghiền Clinker, đóng gói sản phẩm..., tiềm ần nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường. Từ đó, doanh nghiệp đã hình thành ý tưởng sử dụng nguồn nguyên liệu than kết hợp với rác thải nhựa, rác thải công nghiệp từ ngành may mặc và giày da.
Theo đó, bắt đầu từ tháng 4/2022, dự án “Vracbank - Gửi rác, lấy tiền” của QNC là mô hình “ATM rác” đầu tiên tại Việt Nam. Để tham gia vào mô hình Vracbank, người dùng sẽ được tạo một tài khoản riêng nhằm quản lý dữ liệu gửi rác. Rác được thu gom, phân loại như giấy bìa carton, chai lọ nhựa, vải vụn, vỏ bao xi măng,… sau đó mang đến “gửi”, “Ngân hàng” sẽ cân trọng lượng rác và quy đổi thành tiền tích lũy vào tài khoản của người gửi và được tính lãi theo các quy định và lãi suất ngân hàng.
Sau khi định lượng và tính thành tiền số lượng rác mang đến gửi, khách hàng sẽ nhận được phiếu ghi rõ số tiền, số điểm tích lũy và nhận tiền hoặc quy đổi ra sản phẩm hàng hoá thiết yếu.
Chương trình có chính sách hỗ trợ để thu hút khách hàng như: Xe vận chuyển tận nhà với số lượng rác lớn, thu mua với giá cao hơn 10-15% so với giá thị trường, lãi suất đối với những tài khoản tích lũy lâu dài… Khi tài khoản đạt đến 300 điểm tích lũy nhưng người dùng chưa rút tiền sẽ được cộng trả lãi suất 1%/năm.
Dựa trên doanh thu tiền gửi rác tích luỹ của mỗi tài khoản trong một tháng, với những tài khoản gửi rác có tổng doanh thu đạt từ 500.000 đồng/tháng trở lên, Vracbank sẽ thưởng 10% giá trị tiền tích luỹ của tài khoản đó.
Theo thống kê, từ tháng 4/2022 đến hết tháng 6/2024, có 2.150 tài khoản tham gia, khối lượng rác được Vracbank thu gom hơn 650 tấn, chi trả hơn 1,7 tỷ đồng.
Theo ông Giang, mục tiêu đến năm 2025, chương trình sẽ xây dựng 1.000 điểm thu gom chi nhánh của Vracbank, không chỉ trên địa bàn Quảng Ninh mà còn mở rộng sang các địa phương khác trên cả nước.
Với hàng chục tỷ đồng mỗi năm được dành để đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, Công ty CP Than Hà Lầm đã trở thành điểm sáng trong sản xuất xanh tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong việc thực hiện mục tiêu “Mỏ xanh - mỏ sạch, mỏ hiện đại, mỏ ít người”.
Theo ông Liêu Hồng Minh - Phó trưởng Phòng Đầu tư môi trường (Công ty CP Than Hà Lầm) cho biết, để hạn chế, giảm thiểu tối đa các tác động, ảnh hưởng trực tiếp trong quá trình khai thác khoáng sản đến môi trường, hàng năm, Công ty CP Than Hà Lầm đều lập kế hoạch chi phí quỹ môi trường với tỷ lệ 0,3% tổng chi phí sản xuất của công ty để đảm bảo nguồn lực tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường thường xuyên của đơn vị.
Công ty tập trung chủ yếu vào các hoạt động như: Quan trắc môi trường định kỳ, trồng cây phủ xanh các tuyến đường, bãi thải, khai trường lộ thiên đã dừng hoạt động; xử lý chống bụi các kho than; hoạt động phong trào hưởng ứng bảo vệ môi trường; thu gom xử lý rác thải, chất thải… với tổng chi phí hàng năm trung bình từ 8 - 10 tỷ đồng.
Hiện, toàn bộ lượng nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất của công ty đều được thu gom và đưa về các trạm xử lý để đảm bảo các chỉ tiêu theo quy chuẩn trước khi xả ra môi trường. Trung bình mỗi năm, lượng nước thải công ty đã xử lý đạt từ 3,8 triệu - 4,6 triệu m3.
"Công ty CP Than Hà Lầm là đơn vị duy nhất của TKV trực tiếp đầu tư và vận hành trạm xử lý nước thải có công suất 96.000m3/ngày/đêm và là cơ sở xử lý nước thải lớn nhất trong TKV về nước thải mỏ. Song song với công tác sản xuất, kinh doanh thì công tác bảo vệ môi trường trong nhiều năm qua luôn được công ty quan tâm đầu tư", ông Minh cho hay.
Đặc biệt, từ 2021-2023, Công ty CP Than Hà Lầm đã hoàn thành nhiều công trình, hạng mục cho đầu tư, nâng cấp, cải tạo môi trường như hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường ra quyết định đóng cửa mỏ đối với dự án: Khai thác lộ thiên khu II Vỉa 11; dự án khai thác phần ngầm từ -50 đến lộ vỉa và khai thác lộ thiên Tây phay K Hữu Nghị; dự án cải tạo, mở rộng khai thác lộ thiên Khu II Vỉa 11. Cả 3 dự án này Than Hà Lầm đã hoàn thành trồng cây phủ xanh với tổng diện tích phủ xanh đã được xác nhận lên đến 26,51 ha.
Bên cạnh đó, công ty cũng đã đầu tư và đưa vào sử dụng 5 hệ thống phun sương cao áp cho các nhà kho than. Phạm vi phun sương, bao phủ của mỗi hệ thống có bán kính đạt từ 110m đến khoảng 150m. Thiết bị được đầu tư với mục đích ngăn ngừa, giảm thiểu bụi phát sinh trong quá trình hoạt động của các thiết bị xưởng sàng, ôtô máy xúc trong các kho than của công ty. Đồng thời, công ty đã đầu tư kè rọ đá củng cố hồ lắng +22 với khối lượng khoảng 1.000 rọ đá, củng cố tuyến mương thoát nước khu vực mặt bằng +75 với khối lượng 651 rọ (tương đương khoảng 1.300m3 đá hộc) nhằm đảm bảo công năng hoạt động của hồ lắng và an toàn hoạt động của tuyến đường, khu dân cư, cải thiện cảnh quan khu vực…
Tại Hội thảo “Quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: Chính sách và Thực thi” vừa được Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức mới đây tại Quảng Ninh, đại diện Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết, để thu gom rác thải tại Di sản Vịnh Hạ Long, Ban Quản lý ngoài việc tổ chức các phương tiện và lực lượng nhân công để thu gom rác thải tại khu vực ven bờ, vùng đệm vùng và khu vực vùng lõi Di sản Vịnh Hạ Long nhằm giảm thiểu rác thải phát tán. Ban Quản lý Vịnh, thường xuyên tổ chức ra quân, thu gom rác thải trôi nổi trên mặt nước, điểm tham quan; lắp đặt các thùng rác nổi trên vịnh.
Đồng thời, xây dựng khung chế tài xử phạt, tuyên truyền cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch, khách du lịch người dân khu vực ven bờ vịnh Hạ Long và ngư dân trên vịnh về bảo vệ môi trường, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, bỏ rác đúng nơi quy định. Tổ chức giám sát chặt việc mang các sản phẩm từ nhựa dùng một lần tại các cửa soát vé và các điểm tham quan trên vịnh Hạ Long. Đặc biệt, sản xuất và chuẩn bị các sản phẩm thay thế.
Cùng với đó, từ năm 2019, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã triển khai chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa” với nội dung không mua, bán và sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần trong hoạt động dịch vụ, du lịch trên vịnh Hạ Long… Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp và hiện nay, tại Vịnh Hạ Long đã giảm đến 90% rác thải nhựa.
Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh Đoàn Duy Vinh cho biết, Nghị quyết Đại hội tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV xác định một trong những mục tiêu quan trọng là Quảng Ninh sẽ trở thành điển hình trong thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về tiêu chí tài nguyên, môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu và Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.
Trong đó, Quảng Ninh xác định cần ưu tiên thực hiện là sớm xây dựng được cơ chế, chính sách thuận lợi để: đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài vào hoạt động thu gom, phân loại chất thải, tái chế, tái sử dụng chất thải, xử lý chất thải; coi chất thải là tài nguyên, thực hiện quản lý chặt chẽ và khơi thông biến rác thải thành nguồn lực cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh.